Mê nhiếp ảnh, thầy giáo đưa lãng mạn vào kinh doanh

Kinh tếThứ Ba, 20/11/2012 11:18:00 +07:00

(VTC News) - Thầy giáo Nguyễn Phan Anh đã biết cách biến sự lãng mạn đó thành công cụ trợ giúp giảng dạy và kinh doanh.

(VTC News) - Mang sự lãng mạn của thanh niên thế hệ mới, thầy giáo Nguyễn Phan Anh đã biết cách biến sự lãng mạn đó thành công cụ trợ giúp giảng dạy và kinh doanh.

Sự lãng mạn của thanh niên thế hệ mới

Nhắc đến giáo viên, đặc biệt giáo viên của một trường đặc sệt “tính toán số liệu” như Đại học Thương mại, hầu hết chúng ta sẽ tưởng tượng ra hình ảnh một người thầy vận quần Tây, áo sơ mi, hàng ngày cắp cặp đến trường. Nhưng thầy giáo Nguyễn Phan Anh không phải như vậy.

Là giảng viên Khoa Thương mại điện tử, chuyên ngành Thương mại điện tử, công việc hàng ngày của thầy Phan Anh là giảng dạy và nghiên cứu về thương mại điện tử; marketing điện tử, thực hành quản trị thương mại điện tử.

Rất đam mê với nghiệp “gõ đầu trẻ” khô cứng nhưng thầy Phan Anh lại lãng mạn đến không ngờ khi đến với nhiếp ảnh. Không biết từ bao giờ, niềm đam mê nhiếp ảnh ngấm vào máu thịt giảng viên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết.

Chính vì vậy, vật bất ly thân của thầy là chiếc máy ảnh. Thầy tìm đến nhiếp ảnh để tìm kiếm niềm vui, xả stress và tìm sự sáng tạo trong mỗi tấm hình chụp được và chia sẻ với mọi người. Thầy chia sẻ: “Làm gì có thể mệt chứ chụp ảnh và có được ảnh đẹp thì tôi đi chụp cả ngày cũng không thấy mệt”.

Tuy nhiên, thầy cho biết, thầy không tùy tiện chụp hình mà chỉ chụp những chủ đề yêu thích. Đó là chủ đề về người lao động, những nét đẹp của người lao động nghèo khó, đời thường của cuộc sống mà chúng ta đang trải nghiệm.

“Tôi tìm kiếm nét đẹp giản dị và nhân văn từ những tấm hình” - Thầy chia sẻ.

 Thầy giáo Nguyễn Phan Anh
Vì quá đam mê nhiếp ảnh nên sau 6 năm, thầy đã giành được một số giải thưởng như giải nhất cuộc thi nhiếp ảnh nhanh Canon Photo Marathon và 01 giải nhì cũng trong cuộc thi này. Thầy đã tham gia cuộc thi nhiếp ảnh của Thành đoàn Hà Nội dành cho khối các trường Đại học và được giải Nhì với bộ ảnh Hà Nội trong mắt trẻ thơ.

Những tưởng đam mê nhiếp ảnh chỉ đơn giản là thú vui của một thanh niên trẻ tuổi, năng động, yêu quê hương cuộc sống đến tha thiết. Nhưng không, thú vui lãng mạn, ngọt ngào này lại “giúp sức” rất nhiều cho thầy trong sự nghiệp “trồng người” và cả… kinh doanh.

Thầy khẳng định: “Niềm đam mê nhiếp ảnh và nghệ thuật nhiếp ảnh có ảnh hưởng rất lớn tới công việc của một giáo viên”.

Thầy cắt nghĩa, khi chụp ảnh thầy luôn có những triết lý riêng cho mình. Tất cả các bức ảnh muốn đẹp, muốn có hồn, muốn lay động lòng người phải hội tụ đầy đủ “chân - thiện - mỹ”. 

Chiêm ngưỡng những bức ảnh ấn tượng của thày Phan Anh


 
Và thầy áp dụng triết lý này vào các bài giảng thương mại điện tử. Nếu chỉ lướt qua thì rõ ràng nhiếp ảnh và thương mại điện tử chẳng có gì liên quan tới nhau. Nhưng thầy Phan Anh khẳng định mối liên quan giữa chúng lại rất chặt chẽ.

Thầy lý giải: “Khi giảng dạy thương mại điện tử cho sinh viên, tôi áp dụng luôn triết lý nhiếp ảnh. Chân có nghĩa chân thực, đúng đắn. Một dự án thương mại điện tử có thể dùng nhiều chiêu nhưng không được lấy cái lừa dối để che mắt người tiêu dùng. Từ chân mà sinh ra thiện. Còn với mỹ, đây là điều dễ hiểu vì bạn không thể quảng bá sản phẩm với những hình ảnh xấu xí, kém bắt mắt”.

Đưa lãng mạn vào kinh doanh

Không chỉ tận dụng được “triết lý” nhiếp ảnh vào giảng dạy, thầy Phan Anh còn đưa đam mê này vào kinh doanh. Đặc biệt ở chỗ, thầy không mở Studio cung cấp dịch vụ nhiếp ảnh như một số bạn bè mà lại biết kết hợp đam mê và nghề nghiệp để thực hiện tốt công việc của một tư vấn marketing cao cấp.

Hiện tại, thầy cũng tham gia hoạt động kinh doanh. Thầy làm tư vấn phát triển kinh doanh, phát triển thị trường, tư vấn marketing cho một số hãng thời trang và công nghệ lớn trên thị trường như hãng thời trang trẻ em cao cấp CROWNUK, thời trang công sở cao cấp NEM, giầy dép thời trang cao cấp J SHOES, công ty công nghệ Proview,…

Thầy chia sẻ kinh doanh không giống như đứng trên giảng đường giảng bài cho sinh viên. Khi nhận lời mời “bao thầu” marketing cho các hãng kể trên, thầy đã phải vắt óc nghĩ cách kết hợp kiến thức sách vở và khả năng sáng tạo của bản thân. Và thầy chợt nhận ra triết lý chân, thiện, mỹ của nhiếp ảnh hóa ra có thể giúp cho thầy rất nhiều trong kinh doanh.

Kết hợp 3 lĩnh vực tưởng chừng không liên quan nhiếp ảnh - giảng dạy - kinh doanh, thầy Phan Anh đã đạt được khá nhiều thành tựu đáng tự hào. Đó là niềm tin của nhiều doanh nghiệp lớn và tất nhiên cả… thù lao.

Thầy từ chối tiết lộ thù lao của mình dù con số đó không hề nhỏ. Thầy quan niệm, khi bắt tay vào thực hiện dự án marketing cho các đối tác, một điều quan trọng mà thầy nghĩ tới là tiền. Tiền càng nhiều càng tốt. Tiền ở đây là lượng tiêu dùng của khách hàng có được nhờ dự án quảng bá của thầy.

Mới đây thầy Phan Anh cũng nhận được lời mời tham gia tư vấn cho một số dự án của các công ty Thương mại điện tử... Những tưởng thầy sẽ chớp cơ hội để tiếp tục dấn thân vào kinh doanh - niềm đam mê lớn bên cạnh nhiếp ảnh. Thế nhưng thầy lại lắc đầu mặc dù tiếc hùi hụi.

Lý giải cho hành động của mình, thầy nói: “Nhiều khi, tôi cũng muốn đi sâu trên con đường kinh doanh, trở thành một doanh nhân có tiếng. Nhưng rồi giảng đường níu chân tôi. Tôi yêu những giờ đứng lớp thảo luận sôi nổi cùng sinh viên. Tôi muốn chia sẻ kiến thức mình có được với sinh viên để các em sau này sẽ kinh doanh tốt hơn tôi thật nhiều”.

Chính vì vậy, thầy quyết tâm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Và tất nhiên, thầy cũng không bỏ kinh doanh vì nhiều lẽ. Vì kiếm thêm thu nhập? Có thể. Vì muốn có “đất” thể hiện năng lực bản thân? Tất nhiên. Nhưng với thầy, điều quan trọng nhất chính là khi trực tiếp kinh doanh, thầy tự rút ra được những bài học thực tiễn cho bản thân để từ đó đúc rút kinh nghiệm và truyền lại cho bao thế hệ sinh viên sau này.

Thầy lý giải: “Kinh doanh là ngành vận động, thay đổi rất nhanh chóng. Nếu không bám sát thực tiễn, mọi lý thuyết đều là lý thuyết suông, rất khó áp dụng. Vì vậy, tôi kinh doanh là để theo sát xu hướng vận động của thị trường để giúp các bài giảng có giá trị hơn”.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn