Kiếm bộn tiền từ thú vui sưu tập tiền cotton

Kinh tếChủ Nhật, 18/11/2012 03:58:00 +07:00

Thứ gì sắp “hết đát” lại có giá hơn? Câu trả lời thời sự nhất vào lúc này: tiền giấy cotton sắp hết hạn lưu hành.

Thứ gì sắp “hết đát” lại có giá hơn? Câu trả lời thời sự nhất vào lúc này: tiền giấy cotton sắp hết hạn lưu hành.

Trên diễn đàn một trang web dành cho những bậc phụ huynh đầu tháng 10 có dòng rao: “Kể từ ngày 1-1-2013, đồng tiền cotton mệnh giá 10.000đ, 20.000đ hết thời hạn lưu hành. Vậy bạn nào có nhu cầu sưu tầm tiền cotton mệnh giá 10.000đ mới cứng cạo râu được thì liên hệ với mình nhé, mình để giá hữu nghị, thanks các bạn đã đọc tin”.
 
Thu Phương kinh doanh rất chuyên nghiệp với trang web riêng. Ảnh: Quỳnh Trung 

Câu chuyện cung - cầu
 
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không phát hành thêm hai loại tờ tiền trên và thậm chí còn thu hồi bớt (thay thế bằng tiền polymer) thông qua các ngân hàng, kho bạc. Chỉ khi có thông báo ngày 28-9 đình chỉ lưu hành tiền giấy cotton mệnh giá 10.000đ và 20.000đ kể từ đầu năm 2013, nhiều người mới bắt đầu chú ý đến việc tìm mua loại tiền này trên mạng. Đây là ví dụ rất sinh động của bài học cung - cầu trong thời đại Internet.
 
Có rất nhiều bình luận trên mạng kiểu như “Ồ, loại tiền đó sắp hết lưu hành rồi à? Thế thì mình phải mua vài tờ làm kỷ niệm vậy!”. Có người không giấu ý định sẽ tìm mua một số lượng đáng kể để làm tiền lì xì tặng bạn bè dịp tết sắp tới cho nó “độc”. Thậm chí một số người sưu tập tiền giấy dạng “amateur” cũng bị bất ngờ.
 
Anh Phạm Minh Hiếu, 32 tuổi, ngụ quận Tân Bình (TP.HCM), kể: “Cách đây 10 ngày, mình quyết định mua tiền cotton 10k và 20k (thuật ngữ chỉ tiền mệnh giá 10.000đ và 20.000đ - NV) vì nghe thông báo sắp hết giá trị lưu hành. Mình mua năm tờ 10k in năm 1993 (mỗi tờ 20k) và một tờ 20k hình như với giá 50.000-70.000đ”.
 
Nhiều người săn tìm hai tờ tiền sắp hết lưu hành vì có màu sắc tương đối đẹp. Tờ mệnh giá 10.000đ màu đỏ còn được giới sưu tập phong “hoa hậu” của các loại tiền giấy Việt Nam đương đại, là tiền lì xì rất phù hợp dịp tết. Thế là cả những nhà kinh doanh chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều lao vào cuộc săn lùng nhóm khách hàng mới.
 
 
Những nhà kinh doanh trẻ
 
Kinh doanh tiền cotton - dẫu giá trị bán buôn nhỏ nhưng số khách hàng lại đông - trở thành mảnh đất khá màu mỡ cho những ai giỏi chớp thời cơ và rành khai thác cách thức quảng bá trên mạng. Số nhà kinh doanh này hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay ở TP.HCM cũng như Hà Nội.
 
Nguyễn Tấn Tài, 23 tuổi, là một trong số đó. Đang học ngành công nghệ thông tin nên Tài tự nhận có nhiều lợi thế trong việc kinh doanh trên mạng. “Tôi tự thiết kế trang web, không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn làm đúng ý mình. Tôi lập trang web muabantien.com từ tháng 8-2008, sử dụng phần mềm quảng cáo tự động trên các trang web rao vặt, đăng một lần mấy trăm trang, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức” - Tấn Tài hào hứng khoe.
 
Kinh doanh tiền xưa Việt Nam, tiền thế giới dạng chuyên nghiệp đã bốn năm qua, nay Tấn Tài đẩy mạnh quảng bá tiền cotton. Mùa tết năm rồi, tính từ giai đoạn Noel đến sau tết một tháng, anh chỉ bán được 8-10 block (mỗi block 100 tờ) tiền cotton 10k và 20k. Nay anh bán được mỗi ngày mười mấy bộ (gồm các loại tiền cotton mệnh giá 10k, 20k, 50k, 100k). “Hầu hết khách hàng cho biết họ mua để làm kỷ niệm và tặng bạn bè” - Tài chia sẻ.
 
Dịp cuối năm thường là mùa làm ăn của người kinh doanh tiền làm kỷ niệm. Nguyễn Nhựt Tấn, sinh viên 21 tuổi một trường ĐH tại TP.HCM, tự đặt chỉ tiêu kiếm khoảng 70 triệu đồng tiền lãi mùa tết năm nay. Theo Nhựt Tấn, đây là mức nằm trong tầm tay vì những năm trước anh đều kiếm kha khá vào dịp tết, vài chục triệu đồng là chuyện thường.
 
Mua bán tiền sắp hết hạn lưu hành không phải là chuyện vi phạm luật pháp (xem box) nên Nhựt Tấn gần như không che giấu bí mật kinh doanh của mình. “Theo chỗ tôi biết, ở TP.HCM hiện chỉ có khoảng bốn người là “tay buôn” chuyên nghiệp tiền cotton và ở Hà Nội khoảng bốn người. Tụi tôi thường đăng hình tiền cần bán lên mạng và giao dịch qua mạng. Tôi cũng biết có khoảng 10 người bán vãng lai vì không có nguồn hàng ổn định, lâu lâu mới giới thiệu lên mạng” - Nhựt Tấn nhận xét.
 
Nhờ có nguồn cung dồi dào, Nhựt Tấn tự nhận mình là một “tổng đại lý” cung cấp hàng cho các đại lý nhỏ hơn để thu lãi nhanh và có thể lời mỗi tờ khoảng 1.500đ. Các nhà kinh doanh tiền chuyên nghiệp dạng “đầu mối” hiện nay thường chọn cách ăn chia tiền lãi bán sỉ các block theo tỉ lệ 5/5 với nguồn cung hàng. “Số lượng tiền giá trị cao thì chia 6/4 với phần thấp thuộc về tôi” - Nhựt Tấn nói. Trong trường hợp mua để bán lẻ thì những “tổng đại lý” như Nhựt Tấn cũng có thể được nguồn cung bớt cho chút đỉnh.
 
Đối với loại tiền cotton sưu tập, gần như chỉ loại tiền “mới cứng” mới được chuộng. Người bán gần như thống nhất giá cả để “ổn định thị trường”. Theo Tấn Tài, nếu khách mua số lượng dưới 10 tờ, giá bán là 20.000-25.000đ cho loại 10k in năm 1993, 40.000đ cho loại 20k, 100.000đ cho loại 50k và 190.000đ cho loại 100k.

Nếu số lượng trên 10 tờ thì bán theo giá sỉ có thương lượng. Các nhà kinh doanh chuyên nghiệp khẳng định thông tin trên mạng rao tờ tiền tứ quý (xêri có bốn số giống nhau) mà rao bán với giá 1 triệu đồng là “thổi giá”, vì giá trị trên thương trường của tờ này chỉ vài trăm ngàn đồng.
 

Đam mê “hái ra tiền”
 
Nguyễn Thị Thu Phương (nickname Pen Phương), 23 tuổi, vừa tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại thương (TP.HCM), là một nhà sưu tập và kinh doanh tiền có trang web riêng (suutamtien.com). Cô nói về thu nhập trong nghề theo cách rất… kinh tế: “Giai đoạn tết bán được rất nhiều, trung bình mỗi tháng tôi kiếm hơn chục triệu đồng. Theo thăm dò từ các anh chị đã ra trường, nếu tôi đi làm theo ngành quản trị kinh doanh thì ba năm nữa mới kiếm được số tiền như bây giờ”.
 
Thông qua trang web, mỗi ngày Thu Phương nhận khoảng 20 cuộc gọi từ khách hàng. “Mua bao nhiêu tôi cũng bán, một tờ cũng bán” - cô khẳng định và cho biết trung bình một ngày bán được cho khoảng năm khách mua lẻ, một tuần có được 2-3 khách hàng mua sỉ (vài triệu đồng).
 
Cách thức giao dịch cũng khá đơn giản: mặc cả qua điện thoại hoặc chat. Nhựt Tấn khẳng định mỗi ngày trung bình nhận khoảng 50 cuộc gọi, hai ngày cuối tuần lên đến cả trăm cuộc, nhưng từ bước trao đổi đến lúc giao dịch thành công tỉ lệ không cao. Nếu khách hàng ở TP.HCM thì hai bên hẹn gần nhà người bán để xem hàng rồi trả tiền, nếu không tiện thì người bán sẽ nhờ nhân viên giao hàng đem đến tận nơi. Nhựt Tấn khẳng định hiện anh giao dịch đến 90% theo kiểu “tiền trao, cháo múc” như thế này.
 
Mua bán trực tiếp như thế đôi khi cũng gặp sự cố khó tin. Thu Phương kể có lần khách hàng đặt mua số tiền cotton trị giá tổng cộng 500.000đ. Lúc đó nhân viên giao hàng bận việc, cô nhờ một chú xe ôm nhưng “mặt chú ấy trông ngầu giống giang hồ nên khách hàng sợ tiền giả, chỉ chịu mua nửa số lượng tiền so với thỏa thuận”.
 
Với khách hàng ở tỉnh, cách giao dịch cũng chẳng phức tạp: qua đường bưu điện. Theo cách này, chữ tín phải đặt lên hàng đầu: khách hàng trả tiền qua tài khoản, người bán chuyển tiền qua phong bì. “Gửi tiền cho khách ở tỉnh tôi thường bỏ vào trong một phong bì trắng, dán keo rất cẩn thận và thường gửi qua bưu điện quen để không bị mất tiền” - Thu Phương tiết lộ cách làm của mình.
 
Nhờ có trang web riêng, các nhà kinh doanh tiền hiện nay cũng dễ dàng thu mua được các tờ tiền trôi nổi trong người dân với giá hời hơn. Thu Phương kể: “Mấy ngày qua, nhiều người gọi điện cho tôi bảo tới mua. Có những người muốn đổi tiền mà ngại ra ngân hàng thì lên mạng tìm ra số điện thoại rồi gọi tôi tới mua”. Cứ thế, chuyện kinh doanh tiền chiếm toàn thời gian của Thu Phương, công việc mà nay cô đã chọn làm nghề.
 
Sưu tập tiền cotton không bị cấm
 
Bà Lê Thị Thanh Hằng, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết đây không phải là lần đầu tiên NHNN đình chỉ lưu hành tiền cotton. Trước đây, khi NHNN đình chỉ lưu hành tiền cotton mệnh giá 50.000đ và 100.000đ, lập tức xuất hiện nhu cầu sưu tập loại tiền này. “Đây là một thú vui bình thường. Hiện nay theo quy định, trừ hành vi hủy hoại đồng tiền, các hành vi khác, kể cả nhu cầu sưu tập, đều không bị cấm” - bà Hằng khẳng định.
 
Cũng theo bà Hằng, việc kê giá bán lên cao hơn giá trị thật của đồng tiền cũng là bình thường, còn quyết định mua hay không là quyền của người sưu tập. Hiện NHNN mới có quy định được đổi ngang giá từ tiền cotton cũ còn giá trị lưu hành sang tiền polymer, còn việc đổi từ tiền polymer sang tiền giấy cotton cũ chưa có. Do vậy, không có chuyện những đối tượng đầu cơ đến ngân hàng đổi từ tiền polymer sang tiền cotton cũ để bán ra trên thị trường với giá cao. Những đồng tiền cotton còn sót lại hiện nay phần lớn do người dân tích lũy từ những năm trước.



Theo Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn