Việt Nam mạnh về CNTT-TT: Đặt con người làm điểm nhấn

Kinh tếThứ Ba, 15/01/2013 06:18:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù vẫn còn bộn bề thử thách, nhưng Ông Đỗ Trung Tá bày tỏ sự lạc quan vào Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.

(VTC News) - Mặc dù vẫn còn bộn bề thử thách, nhưng Ông Đỗ Trung Tá bày tỏ sự lạc quan vào Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ Thông tin & Truyền thông, trong đó nhấn mạnh yếu tố con người sẽ giúp đề án đạt được mục tiêu đã đề ra, đáp ứng kì vọng của Chính phủ.


Đặc biệt nhấn mạnh đến tiềm năng của chính những con người Việt Nam, GS.TSKH. Đỗ Trung Tá bày tỏ tin tưởng hoàn toàn ở sự thành công của Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ Thông tin và Truyền Thông”, dù ông cũng chỉ ra bộn bề những thử thách mà ngành CNTT-TT nói chung và lĩnh vực nội dung số (NDS) nói riêng đang phải đối đầu khi gấp rút triển khai Chính phủ Điện tử, Giáo dục Điện tử, Y Tế Điện Tử, Thương mại Điện tử.

Lật lại thời kỳ internet mới vào Việt Nam, khi đó nỗi lo lớn nhất về Internet là sự phát triển và bùng nổ của nó sẽ là môi trường thuận lợi cho việc phát tán các thông tin xấu, truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ, ảnh hưởng an ninh quốc gia… Đến nay, sau 15 năm phát triển, internet lại được đặt trước một bước ngoặt mới. Phải là công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện mục tiêu “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”.

Ngay sau khi Đề án được triển khai, GS.TSKH Đỗ Trung Tá – Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia, người có đóng góp quan trọng cho sự du nhập và phát triển Internet tại Việt Nam, đã dành một chút thời gian trao đổi về những kỳ vọng và trăn trở của ông về sự phát triển của ngành CNTT-TT VN, mà đặc biệt là lĩnh vực nội dung số.

- Internet vào Việt Nam cũng là thời kỳ ông đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT và sau này là Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn Thông. Khi ấy, ông dã giải quyết những khó khăn này như thế nào để mở đường cho Internet du nhập và phát triển?


Tôi còn nhớ, khi ấy, Hội nghị Trung ương 2 Khoá VIII bàn về định hướng chiến lược phát triển Giáo dục – Đào tạo và Khoa học và Công nghệ diễn ra vào thời điểm cuối năm 1996.

Ông Đỗ Trung Tá cho rằng, thế mạnh của Việt Nam chính là yếu tố con người
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh, coi 2 lĩnh vực này là quốc sách hàng đầu. Trong Hội nghị tôi có kiến nghị Trung ương 3 vấn đề lớn.

Thứ nhất, đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung ương không dùng hệ thống điện thoại vô tuyến kéo dài để làm việc, vì nó quá lộ bí mật. Điều này được Trung ương chấp thuận.

Đề xuất thứ hai, Việt Nam cần có một chiến lược cáp quang hoá trên phạm vi cả nước, vì cáp quang không chỉ là hạ tầng truyền dẫn băng rộng bảo đảm cho sự hội tụ các dịch vụ viễn thông, Internet và phát thanh truyền hình trên đường truyền, mà cơ bản, về mặt chiến lược thì hệ thống cáp quang là phương tiện truyền tải thông tin chất lượng nhất, không bị ảnh hưởng nhiễu của sóng điện từ, không thể nghe trộm thông tin như từ đường dây đồng thông thường và do đó giữ gìn được an toàn bí mật cả khi xảy ra chiến tranh điện tử.

Đề xuất thứ ba là xin cho mở Internet ở Việt Nam, với những trình bày chi tiết cả về sơ đồ dự kiến, cả về ảnh ưởng tích cực và tiêu cực (có phòng thăm quan trực tiếp tại Hội nghị do Cục Bưu điện Trung ương và VDC thực hiện) đã khẳng định internet trước hết là công cụ phát triển Giáo dục – Đào tạo Khoa học và Công nghệ vì nó khai thác được kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.

Mặt khác, các ứng dụng trên internet sẽ là môi trường hữu hiệu cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự giao lưu văn hoá giữa các nước trên toàn thế giới. Những tiêu cực trên internet không phải chỉ là do khách quan, mà nó phần lớn nằm trong cái chủ quan của người sử dụng, người có ý đồ xấu, lạm dụng nó.

Sau khi Internet phát triển mạnh ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước “cắm đầu” làm hạ tầng. Thời điểm đó, ông đã nhận định rằng tương lai sẽ là của nội dung số và khuyên các doanh nghiệp nên bắt tay triển khai, kẻo mất thị trường. Thực tế thời điểm đó như thế nào để ông có nhận định đón đầu như vậy, thưa ông?

Thực ra thì lúc đó, nhất là các doanh nghiệp mới ra đời, ai cũng muốn có một hạ tầng mạng riêng nhưng đầu tư rất tốn kém.

 
Phải lấp đầy mạng băng thông rộng bằng các dịch vụ nội dung, bởi đó mới là hướng đi chính cho hiệu quả kinh tế xã hội cao.
 
Ngoài ra, những thương lượng giữa các doanh nghiệp mới với những doanh nghiệp cũ gặp khó khăn, nhất là trong cước kết nối và thanh toán.

Tôi có gợi ý các doanh nghiệp mới lúc đó là đừng mải mê về hạ tầng mà cố gắng gắng đàm phán sử dụng chung hạ tầng lúc ấy còn tương đối tốt, đủ cho nhu cầu sử dụng. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải tập trung cho triển khai các dịch vụ trên đường truyền ấy (VOIP là một ví dụ).

Thời đó, cáp quang cũng đã phát triển xuống đến các tỉnh, huyện, mạng cáp quang chạy song song nhau theo kiểu 1+1, nghĩa là 1 đường chạy và 1 đường dự phòng.

Tôi cũng đã lưu ý các doanh nghiệp hết sức chú ý đến nội dung số, vì nó sẽ mang lại nguồn thu lớn do được sử dụng trên mọi lĩnh vực, cho cả kinh tế - xã hội lẫn an ninh quốc phòng và các hoạt động khác.

Để tạo điều kiện cho nội dung số phát triển, chúng ta đã ban hành Luật CNTT (2006) và nghị định 26 về chữ ý số và dịch vụ chứng thực số (2007)… ngay cả tiến đến 3G như bây giờ, thì cái được lớn nhất cũng là nội dung số, tức là tạo ra được nhiều dịch vụ cho người dân với nội dung phong phú, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.

Phải nhắc lại là từ tháng 5/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 56 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số đến năm 2010 để thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển một ngành công nghiệp tiềm năng này của Việt Nam.

Đón đầu để nắm thị trường


- Tuy phát triển trong những năm gần đây, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, ngành nội dung số phát triển chưa có điểm nhấn, phải chăng ngành phát triển không có mũi nhọn?


Cũng không hẳn như vậy vì ở nước ta đã có nhiều ngành làm tốt. Về mặt kỹ thuật, nội dung số chính là nội dung được tạo lập bằng phương pháp dung tính hiệu số để chuyển tải được một nội dung thông tin cần thiết trên một mạng lưới viễn thông số.

Chính vì thế, khi ứng dụng CNTT ở lĩnh vực nào thì đều cần nội dung số tương ứng và việc của các doanh nghiệp phần mềm và các doanh nghiệp làm dịch vụ nội dung là chọn đúng lĩnh vực để thể hiện thế mạnh của mình.

"Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT ra đời giữa bộn bề lo toan, nhưng tôi lạc quan về sự thành công"

Nhìn về nguồn thu, các nước trên thế giới đã tập trung làm game, cá cược trên mạng và mang lại doanh thu lớn. Còn Việt Nam đang trong quá trình phát triển, các khuôn khổ pháp lý vẫn đang trong gai đoạn hoàn thiện, nhận thức của người sử dụng còn nhiều hạn chế, nên nếu chỉ tập trung cho những trò chơi nhập ngoại thì rất nguy hiểm, nó có thể làm hỏng cả một lớp trẻ.

Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực xây dựng được các trò chơi điện tử thể hiện văn hoá Việt Nam, các câu chuyện lịch sử, câu chuyện dân gian thông minh, làm khơi gợi và gia tăng lòng tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân.

Nếu chúng ta làm chậm tiến trình sản xuất các nội dung số thuần Việt, các nước khác họ sẽ vào làm và chúng ta sẽ mất thị trường, vì các doanh nghiệp nước ngoài có sẵn kinh nghiệm và kĩ năng quản lý tốt hơn ta.

- Vậy thì ngành nội dung số cần đặt điểm nhấn chính ở đâu, thưa ông?


Việc lớn hơn cả của Việt Nam hiện nay chính là ứng dụng CNTT trong điều hành của Chính phủ. Sử dụng CNTT để thúc đẩy cải cách hành chính. Vì CNTT bảo đảm tính minh bạch, trung thực, làm cho người dân tin tưởng, vừa tránh phiền hà cho dân, lại góp phần tích cực chống tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, nước nào cũng vậy, muốn an ninh xã hội thì cần chú ý đến giáo dục, y tế và việc làm. Internet không chỉ giúp cho các học sinh, sinh viên học hành tốt, giúp tư duy được đổi mới, giúp các em tiếp cận với kho tàng kiến thức của thế giới, mà cơ bản hơn cả là internet và dịch vụ CNTT tạo cho con người những suy nghĩ sáng tạo, nâng cao khả năng tự học hỏi và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Y tế điện tử cũng có tác dụng lớn như vậy. Các bác sỹ sẽ có thể chẩn đoán chữa bệnh từ xa mà vẫn chính xác. Không những thế, khi triển khai Y tế điện tử thì các bác sĩ tuyến dưới, đặc biệt bác sĩ ở xã mới thường xuyên được tiếp cận công nghệ mới, được cập nhật thông tin, được học hỏi kinh nghiệm để không lạc hậu.

Chính vì thế, Giáo dục – y tế phải được đi đầu, sau đó mới là giải trí.

 
Sự phát triển của công nghiệp CNTT có đóng góp lớn của công nghiệp nội dung số, vì hiện nay, IPTV đang lan toả mạnh, 3G phát triển nhanh và internet tốc độ cao đang dần phổ biến.
 
Lúc nào tôi cũng kêu gọi phải lấp đầy mạng băng thông rộng bằng các dịch vụ nội dung, bởi đó mới là hướng đi chính cho hiệu quả kinh tế xã hội cao. Phải chuyển việc quản lý dựa trên số lượng thuê bao sang quản lý bài toán lưu lượng thông tin và như vậy là chúng ta đã đặt ngành công nghiệp nội dung số vao đúng vị thế của nó, trong một mạng lưới viễn thông thế hệ mới mà Việt Nam đang xây dựng.

Đề cao khả năng nghiên cứu, sáng tạo


- Như ông vừa nói, có thể thấy ngành CNTT-TT phát triển trong bộn bề những lo toan của đề án. Cũng vì thế, có ý kiến cho rằng chúng ta đã quá lạc quan, thậm chí là chủ quan khi tự đặt ra những mục tiêu của đề án?


Tôi không cho là thế. Thực ra, đề án này muốn nhấn mạnh về tiềm năng con người Việt Nam thể hiện qua khả năng về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN mới để có thành quả về kinh tế, xã hội, đóng góp cho đất nước. Để ngành phát triển thì cần những con người có hiểu biết, có khả năng quản lý, có kỹ năng thực hiện đề án trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, người dân cũng có sự hiểu biết nhất định về CNTT và kỹ năng sử dụng internet. Đó chính là điều tiên quyết cho các lĩnh vực tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đồng thời, các nước trên thế giới đi trước ta rất nhiều và đã thành công thì ta phải liên kết, hợp tác phát triển, trong đó, đặc biệt là các lĩnh vực về công nghệ nội dung số.

Trong kỳ vọng về Công nghệ - CNTT nói chung, tôi đặc biệt tin tưởng ngành công nghiệp nội dung số sẽ thành công. Vì phần cứng hiện nhiều nước đã đi trước Việt Nam quá xa, độ cạnh tranh quá khốc liệt nên nếu ta đầu tư để sản xuất ra các phần cứng như của họ thì cực kỳ tốn kém mà lại không có thị trường. Vì thế, ta phải lựa chọn và chủ động tham gia phân công lao động quốc tế trong lĩnh vực này.

Về phần mềm đóng gói thì với nguồn nhân lực như hiện nay, chúng ta chưa thể làm được ngay mà mới chỉ giải quyết được một số phần mềm ứng dụng ở phạm vi trong nước. Chỉ có ngành nội dung số là có cơ hội phát triển nhanh, thậm chí doanh nghiệp nước ngoài muốn làm cũng phải hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.

Cho đến giờ, tôi tin rằng sự phát triển của công nghiệp CNTT có đóng góp lớn của công nghiệp nội dung số, vì hiện nay, IPTV đang lan toả mạnh, 3G phát triển nhanh và internet tốc độ cao đang dần phổ biến. Cả 3 dịch vụ này đều tạo môi trường cho nội dung số phát triển.

Vì thế, ý nhấn mạnh “nước mạnh về CNTT” chính là tập trung điểm nhấn vào khả năng học tập, nghiên cứu, sáng tạo của con người Việt Nam trong lĩnh vực này để có các sản phẩm, dịch vụ CNTT do Việt Nam sản xuất, còn hạ tầng và ứng dụng cũng như việc tạo lập thị trường CNTT là rất quan trọng nhưng sẽ “lao theo” khi trình độ, nhận thức và năng lực ứng dụng CNTT-TT của con người Việt Nam tăng lên.

- Là người có phần lớn thời gian đóng góp vào sự phát triển của ngành, và luôn quan tâm, theo dõi sát sao đề án, bản thân ông có hoàn toàn lạc quan ở sự thành công của đề án?


Trong tất cả các ngành Công nghệ cao, CNTT-TT của Việt Nam là ngành có tiềm năng nhất. Từ giữa năm 2007 lãnh đạo Bộ Bưu Chính – Viễn thông lúc đó đã bàn bạc chuẩn bị cho chiến lược cất cánh ICT từ năm 2010 đến năm 2020 với mục tiêu đạt ngưỡng trung bình của 10 nước công nghiệp phát triển. Tuy khó thật đấy, nhưng đây là quyết tâm vươn tới của toàn ngành.

CNTT-TT nước ta tuy đang còn ở vị trí trung bình của thế giới, nhưng nay được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh với mục tiêu nhanh hơn, cao hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sẵn sàng chỉ huy, các doanh nghiệp nói riêng và giới CNTT-TT nói chung là đang rất hưởng ứng. Những điều đó làm tôi càng lạc quan thêm về sự thành công.

Anh Lê - ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn