Dự án cù nhầy: Tiếng kêu cứu rơi vào im lặng đáng sợ

Kinh tếThứ Sáu, 02/11/2012 07:20:00 +07:00

(VTC News) – Trót mua phải những dự án nhà 'cù nhầy', có dấu hiệu chiếm đoạt tiền, nhưng người mua sau nhiều năm 'chống gậy sắt' đi đòi tiền cũng đành bất lực.

(VTC News) – Trót mua phải những dự án nhà 'cù nhầy', có dấu hiệu chiếm đoạt tiền, nhưng người mua sau nhiều năm 'chống gậy sắt' đi đòi tiền cũng đành bất lực.

>> Chiêu "cù nhầy" chiếm đoạt tiền mua nhà chung cư
Nhan nhản dự án sai phépMột trong những dự án khiến nhiều khách hàng bức xúc nhất là dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty Cơ khí và Xây lắp số 7 (Coma7) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ những năm 2003-200 và chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán căn hộ với hàng chục khách hàng. Số tiền đóng đợt 1 của mỗi căn hộ là khoảng 80 - 100 triệu đồng (trị giá lúc đó tương đương với trên dưới 20 cây vàng).

Theo dự kiến, dự án này sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào năm 2005. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 8 năm, dự án này vẫn chưa có dấu hiệu trở thành hiện thực. Nhiều người dân cho biết, từ năm 2003, có người đến khoan cọc làm móng, xong rồi từ đó, móng cọc được đắp chiếu, thành bãi đất trống cho đến nay.


Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, dự án ban đầu được thiết kế là 19 tầng, nhưng sau đó chủ đầu tư xin phép nâng lên thành 25 tầng. Do thủ tục cấp phép kéo dài cùng với sự xuống dốc của thị trường bất động sản nên dự án đã chậm tiến độ gần 10 năm.

Điều đáng nói, dù dự án không được triển khai như trong hợp đồng, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chịu trả số tiền đã huy động của khách hàng. Nhiều người mua đã nhiều lần đến Coma 7 để "đòi nợ" nhưng phía chủ đầu tư vẫn chây ỳ.

Lý do được đại diện công ty tỉnh bơ đưa ra
là số tiền huy động của khách công ty đã phân bổ đi làm các công việc khác như: sửa chữa nhà xưởng, đầu tư máy móc, và rằng các khoản chi này đều có hóa đơn chứng từ rõ ràng.

Chính vì thế, đến nay công ty chưa có tiền để trả cho khách. Số tiền này muốn trả phải có lộ trình cụ thể.

Như vậy, việc chủ đầu tư đang cố tình chiếm dụng vốn của khách hàng là đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay, khách hàng vẫn đành bất lực vì không biết phải đòi tiền của mình ở đâu.
Dự án khu tập thể Coma 7 bỏ hoang gần 10 năm 
Một dự án khác là Sky Garden (Định Công, Hà Nội) cũng khiến nhiều khách hàng phải “ngã ngửa” khi dự án chưa xây xong móng đã chuyển sang ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng.


Dự án Sky Garden do Công ty TNHH Định Công (Công ty Định Công) làm chủ đầu tư (do 2 thành viên là Viện khoa công nghệ tàu thủy và CTCP Thép Vân Thái –Vinashin góp vốn có vốn điều lệ 129,3 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ góp vốn lần lượt là 45% và 55%).

Mặc dù trên website của dự án thì dự kiến ngày hoàn thành móng sẽ là 15/6/2012, nhưng đến nay dự án đã phải tạm dừng và móng vẫn chưa xong vì chưa giải tỏa được dãy nhà 8 gian của Viện khoa học công nghệ tàu thủy.


Theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 9 của Nghị định 71 thì: “Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo lên Sở Xây dựng.”

Với hiện trạng trên, rõ ràng dự án Sky Garden chưa đủ điều kiện để bán, vậy nhưng cách đây hơn 3 tháng, ngày 09/07/2012  ông Hồ Anh Thái, Tổng giám đốc của Công ty Định Công đã ký Hợp đồng số 041/2012/ĐC-HĐMB với khách hàng Đào Ngọc Tú để giao dịch mua bán căn hộ 1509 tại dự án này.

Mới đây, dự án La Fontana tại Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội lại bị báo chí “vạch mặt” khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư đã tiến hành huy động vốn.

Cuối năm 2008 Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra về quy hoạch kiến trúc khu đất gần 8000m2 mà Cổ phần Đầu tư Gia Tuệ đề nghị được lập dự án La Fontana.

Đến 30/7/2009, Sở Quy hoạch kiến trúc mới ra văn bản hướng dẫn Gia Tuệ làm các thủ tục chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện Dự án.

Như vậy có thể thấy, mặc dù chưa được Thành phố chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án, chấp thuận về điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất, chưa có sự thống nhất, thỏa thuận của người dân đang có đất tại dự án. Nhưng Gia Tuệ vẫn thực hiện huy động vốn từ các nhà đầu tư.

Tiếng kêu cứu và sự im lặng

Trên đây, chỉ là một số các dự án bất động sản huy động vốn trái phép được khách hàng tố với các quan báo chí. Thực tế, những vụ kiện tụng liên quan đến dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư chiếm dụng vốn của khách hàng thời gian gần đây liên tục được các báo, đài đăng tải.

Tuy nhiên, điều đáng nói là số vụ được các cơ quan chức năng xử lý có lẽ không phải là nhiều. Ngay cả những vụ việc dấu hiệu sai phạm đã quá rõ ràng như một số vụ việc nêu trên thì theo thông tin trên báo chí, cũng chưa thấy vụ việc nào được xử lý dứt điểm và đăng tải công khai để các nhà đầu tư “yên lòng”.

Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến cho rất nhiều khách hàng khi được hỏi vì sao giá bất động sản giảm mạnh như hiện nay, nhưng họ vẫn không dám “xuống tiền”. Bởi lẽ, việc mua nhà trên giấy đối với nhiều nhà đầu tư hiện nay là quá mạo hiểm. Nếu dự án chưa đủ thủ tục pháp lý hoặc chậm tiến độ thì khách hàng cũng không biết phải “kêu” ai, trong khi tiền đầu tư thì “không cánh mà bay”.

Mới đây, trao đổi với phóng viên VTC News, luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư BQH và cộng sự cũng thừa nhận, nếu “trót” mua phải các dự án cù nhầy, khách hàng thường luôn là đối tượng chịu thiệt thòi.

“Ngay cả trong trường hợp xấu nhất là thu hồi đất và dự án thì khách hàng đều sẽ gặp phải khó khăn. Thông thường các công ty huy động vốn của khách hàng mà không triển khai dự án, thì nguồn vốn thường được đầu tư vào lĩnh vực khác. Do vậy, nếu dự án đổ bể, chủ đầu tư cũng khó có thể có tiền để trả lại cho khách hàng”, ông Hưng cho biết.

Mới đây, trước thông tin phản ánh của khách hàng về dự án Khu tập thể Coma 7, phóng viên VTC News đã liên hệ với Phòng cảnh sát kinh tế Hà Nội (PC46), được biết hiện bên công an đang tìm hiểu để làm rõ sự việc và sẽ thông tin sau khi có kết quả.

Ngọc Vy (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn