Chung cư HN nước nhiễm asen 37 lần: Đã thay nguồn nước

Kinh tếThứ Tư, 03/10/2012 06:41:00 +07:00

(VTC News)-Mặc dù đã được đấu nối nguồn nước sạch nhưng cả phía Công ty và các hộ dân vẫn chưa thống nhất được mức kinh phí mà mỗi bên phải chi trả khi sử dụng.


(VTC News) – Sau khi thông tin về nước ăn nhiễm độc cao gấp 37 lần cho phép tại khu nhà N01 (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội), Công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội đã đấu nối nguồn nước sạch mới cho cư dân ở đây. Tuy nhiên, cả phía Công ty và các hộ dân vẫn chưa thống nhất được mức kinh phí mà mỗi bên phải chi trả khi sử dụng nguồn nước sạch lâu dài.

Trao đổi với phóng viên VTC News, anh Tô Minh Kiên, Tổ trưởng Ban đại diện lâm thời của cụm dân cư Dự án nhà để bán của Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội (chủ căn hộ 605 – nhà N01) cho biết, sau khi các thông tin về nước ăn tại khu vực có chứa hàm lượng asen là 370 µg/l (gấp 37 lần mức cho phép) được phản ánh trên báo chí, thì ngày 21/9 vừa qua, phía Công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội đã đấu nối nguồn nước sạch từ Sông Đà về để người dân sử dụng.

“Người dân bây giờ rất phấn khởi vì sau mấy năm phải sử dụng nguồn nước nhiễm độc thì đến nay đã được dùng nguồn nước sạch do công ty Sông Đà cung cấp”, anh Kiên hồ hơi nói.

Chung cư NO1 bị người dân tố nước nhiễm độc asen cao gấp 37 lần cho phép 
Về đơn giá nước mới sẽ được tính, anh Kiên cho biết, hiện chưa có mức giá cụ thể nào được đưa ra. Bên Công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội nói là sẽ bán theo đơn giá nước của Công ty nước Sông Đà.

“Vì là giá nước sẽ tính theo giá của Công ty nước Sông Đà nên tôi nghĩ không có gì để thỏa thuận nữa. Cái quan trọng nhất là người dân chúng tôi đã có nước sạch để dùng”, anh Kiên cho hay.

Cùng tâm trạng, chị Hương (tầng 8 – nhà NO1) cho biết, từ hơn 10 ngày nay, nguồn nước mới đã được đưa về khu chung cư.

“Trước đây chủ đầu tư không chịu hợp tác với chúng tôi, nhưng từ sau khi báo chí vào cuộc thì họ đã chịu thay đổi. Đến giờ thì chúng tôi cũng tạm thời yên tâm vì nguồn nước mới từ công ty nước Sông Đà khá đảm bảo”, chị Hương nói.

Trạm bơm nước phục vụ người dân 
Gia đình chị Hương chuyển về khu nhà NO1 sống từ năm 2009, nhà chị đã phải dùng nguồn nước nhiễm asen gần 2 năm, vì vậy chị tỏ ra khá lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình.


“Các gia đình khác chuyển về đây từ năm 2007, nhà tôi mới sống 2 năm, dùng nguồn nước nhiễm độc asen trong vòng 2 năm, dù chưa xảy ra chuyện gì, nhưng tôi cũng vẫn khá lo lắng”, chị Hương tâm sự.

Không chỉ khu nhà NO1, các tòa nhà NO2, NO3, NO4, NO5 tại khu vực này cũng đã phải sử dụng nguồn nước nhiễm độc trong nhiều năm.

Theo bác T., một người dân sống tại tòa nhà NO5, nhiều lần cư dân cũng đã kiến nghị lên ban quản lý tòa nhà về việc nguồn nước có dấu hiệu không an toàn, nhưng sau đó kết quả xét nghiệm của chủ đầu tư đều cho kết quả là an toàn.

Thời gian gần đây, khi người dân tự lấy mẫu đi thử thì mới biết được thực hư câu chuyện. “Tôi rất bức xúc vì sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư. Mặc dù sống ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội, thành phố văn minh, hiện đại nhưng người dân vẫn phải dùng nước…giếng khoan và nhiễm độc”, bác T. nói.

Theo người dân tại cụm dân cư NO1, cả 5 tòa nhà NO1, NO2, NO3, NO4, NO5 đều chung 1 trạm bơm và nơi cung cấp nước. Vì vậy, việc công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội chấp nhận đấu nối nguồn nước mới tại đây đã khiến cho hàng trăm hộ dân rất phấn khởi.

Liên quan đến đơn giá nước mới của người dân, ông Ngô Minh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội cho phóng viên VTC News biết, giá nước của người dân sẽ do công ty Sông Đà thu, nếu công ty có tính thì chỉ tính chi phí tiền bơm, tiền chênh lệch giữa đồng hồ tổng và đồng hồ cá nhân.

“Thực chất chúng tôi không kinh doanh bán nước cho người dân, cái này làm là để phục vụ các hộ dân”, ông Tuấn khẳng định.

 
Cũng theo ông Tuấn, về kinh phí cho việc đấu nối nguồn nước phía Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Hà Nội tạm thời chịu 100% ( khoảng 800 triệu đồng). Và cho đến thời điểm hiện tại  cả phía Công ty và các hộ dân vẫn chưa thống nhất được mức kinh phí mà mỗi bên phải chi trả khi sử dụng nguồn nước sạch từ Sông Đà lâu dài.


“Tuy nhiên, khoản chi phí đấu nối này chúng tôi cũng đã nói trong một cuộc họp với người dân rồi. Trong thời điểm khó khăn này, nếu các hộ dân bây giờ đã có nước sạch rồi, mà có tình cảm, sự chia sẻ , hỗ trợ cho chúng tôi thì chúng tôi rất mừng. Trong cuộc họp thì các hộ dân cũng đã nói, các anh cứ làm, chúng tôi sẽ tính toán hỗ trợ. Còn chưa có phương án nào cụ thể, trước mắt phải có nước cho các hộ dân sử dụng, thấy các hộ dân có nước dùng rất phấn khởi”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, hiện bên công ty nước Sông Đà đang triển khai ký hợp đồng với người dân và vẫn chưa xong. Nhưng giá nước bên Sông Đà là giá chung của bên Viwaco (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch), nên các khách hàng có thể yên tâm sử dụng.

“Hệ thống cung cấp nước cho các hộ dân tại khu nhà ở tại xã Mỹ Đình là một hạng mục nằm trong dự án được xây dựng theo đúng thiết kế đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt và được đưa vào sử dụng ổn định từ năm 2007. Trong suốt quá trình sử dụng, Ban quản lý tòa nhà đã thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cung cấp nước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân theo đúng tiêu chuẩn quy định”, ông Tuấn nói.

Về việc đấu nối hệ thống mới, ông Tuấn giải thích thêm, đây là hạng mục phát sinh ngoài Dự án đã được thành phố Hà Nội phê duyệt, nhưng Công ty cũng đã chủ động ký hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch và tạm ứng tiền để đơn vị này triển khai ngay việc thi công đấu nối đường nước từ đường Phạm Hùng tới khu dân cư.

Bài, ảnh: Châu Anh






Bình luận
vtcnews.vn