Các sếp lớn ngân hàng từ nhiệm: Không nên nghe tin đồn

Kinh tếThứ Bảy, 22/09/2012 07:30:00 +07:00

(VTC News) - 4 sếp lớn của ACB và EIB vừa từ nhiệm làm không ít nhà đầu tư lo lắng. Theo chuyên gia tài chính, nhà đầu tư không nên nghe theo tin đồn.

(VTC News) - 4 sếp lớn của ACB và EIB vừa từ nhiệm làm không ít nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính, nhà đầu tư không nên nghe theo tin đồn rồi hoang mang.

Ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của EIB (Ảnh internet)  
4 sếp lớn từ nhiệm vì liên quan tới ACB

Chỉ trong một ngày, thị trường đón nhận thông tin từ nhiệm của 4 sếp lớn tại ngân hàng đang nằm trong “tâm bão” hiện nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB).

Đầu tiên, ACB công bố ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch Hội đồng quản trị từ nhiệm vì lý do sức khỏe, ông Lê Vũ Kỳ và ông Trịnh Kim Quang - 2 Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Điều đáng nói ở đây, ACB còn cho biết thêm rằng các vị này "có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện việc nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào Ngân hàng Công thương Việt Nam".

Không lâu sau đó, EIB cũng thông báo ông Phạm Trung Cang – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của EIB đã có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 19/09/2012. Trong đơn từ nhiệm viết tay, ông Cang cho biết lý do xin từ nhiệm là “việc riêng cá nhân”.

EIB cho biết, ông Cang là đại diện phần vốn góp cho nhóm cổ đông ACB tại EIB. Theo EIB, hiện nhóm cổ đông này đang nắm giữ khoảng từ 7 - 8% cổ phần của EIB.

 

Dĩ nhiên dư luận có đồn đại rất lớn về chuyển động của những tổ chức tín dụng có liên quan vì "không có lửa làm sao có khói". Nhưng trong kinh doanh, dù phải nghe ngóng nhưng không nên dựa vào tin đồn.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính
 
Các thành viên trong Hội đồng quản trị của EIB đã đồng thuận về việc xin từ nhiệm của ông Cang và đang gửi công văn chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Phát biểu về vụ việc này, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch EIB lại cho rằng nguyên nhân có thể do ông Cang có liên quan đến một số trách nhiệm trong thời kỳ ông Cang còn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ở Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Ông Dũng khẳng định việc từ nhiệm của ông Cang, nếu có ảnh hưởng đến hoạt động, quản trị điều hành của EIB là chỉ một phần nhỏ, không đáng kể.

Tuy nhiên có thông tin cho rằng sự việc này có thể là có liên quan đến vụ bà Huỳnh Thị Huyền Như mà cơ quan chức năng đã chính thức khởi tố từ tháng 10 năm 2011 và vẫn đang tiếp tục điều tra.Tổng số tiền thất thoát ban đầu của vụ này được cơ quan chức năng công bố lên đến 4.600 tỉ đồng.

Thông tin này khiến không ít nhà đầu tư lo ngại. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở vì trước đây, ngay sau khi gửi đơn từ nhiệm, nguyên Tổng giám đốc ACB ông Lý Xuân Hải đã… bị bắt.

Có gây nên chấn động?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cho biết việc cùng một lúc cả 4 sếp lớn của 2 ngân hàng “rủ” nhau từ nhiệm đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, vấn đề này cần được xem xét dưới nhiều góc độ.

Thứ nhất, dưới góc độ tổ chức, việc các ngân hàng thay đổi lãnh đạo là điều rất bình thường. Nó cũng giống như một tổ chức bất kỳ đổi lãnh đạo mà thôi.

Gần đây có 3 lãnh đạo ACB, và 1 lãnh đạo EIB từ nhiệm. Rõ ràng, việc 4 sếp lớn ngân hàng “rủ nhau” từ nhiệm, theo ông Hiếu, là điều bất bình thường. Tuy nhiên, ông Hiếu khẳng định đó chưa phải là dấu hiệu chứng tỏ ngân hàng đó đi vào khủng hoảng hay gặp khó khăn.

ACB là ngân hàng thay lãnh đạo nhiều nhất kể từ khi bầu Kiên bị bắt (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Điều ảnh hưởng lớn nhất chính là việc thay đổi lãnh đạo cấp cao có thể khiến một số kế hoạch của ngân hàng phải thay đổi theo.

Dưới góc độ khách hàng, cũng không có nhiều điều phải lo ngại vì ông Hiếu cho rằng vấn đề này không tác động nhiều tới thanh khoản hoặc hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Trước đây, sau khi ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB và ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị bắt, hoạt động của ngân hàng ít nhiều bị ảnh hưởng. Người dân tới ACB rút tiền rất nhiều.

Theo ông Hiếu, chấn động đó chỉ là tạm thời. Tình hình ổn định rất nhanh, hiện tượng rút tiền hàng loạt không còn nữa. Thanh khoản ổn định.

Nhưng trong trường hợp này, tình hình sẽ không tệ như vậy. Ông Hiếu cho biết có thể các cá nhân kể trên có liên quan tới giao dịch nào đó nhưng thanh khoản các ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng.

Ông Hiếu khẳng định, dưới góc độ người gửi tiền, ông không thấy có dấu hiệu lo ngại dù ban đầu tất cả mọi người đều quan tâm theo dõi. Vì vậy, sự kiện các sếp lớn ngân hàng đồng loạt từ nhiệm không gây chấn động hay khó khăn cho ngân hàng nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Theo ông Hiếu, hiện nay bên ngoài chắc chắn có nhiều thông tin, tin đồn liên quan đến giao dịch nào đó của các sếp lớn dù lúc này nguyên nhân chính thức được đưa ra vẫn chỉ là lý do cá nhân và lý do sức khỏe. Ông Hiếu khuyên nhà đầu tư nên chờ thông tin thực sự chứ không nên nghe theo tin đồn.

Ông Hiếu nói: “Dĩ nhiên dư luận có đồn đại rất lớn về chuyển động của những tổ chức tín dụng có liên quan vì "không có lửa làm sao có khói". Nhưng trong kinh doanh, dù phải nghe ngóng nhưng không nên dựa vào tin đồn”.

Ông cho biết nếu là khách hàng của ACB, ông sẽ có thái độ bình tĩnh hơn là chạy đi rút tiền.

Khánh Hạ

Bình luận
vtcnews.vn