Hào quang 15 năm của nguyên Tổng giám đốc ACB

Kinh tếThứ Bảy, 25/08/2012 06:34:00 +07:00

(VTC News) - Dù đang bị tạm giam nhưng nguyên Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cũng đã để lại rất nhiều dấu ấn tốt đẹp cho ngân hàng này.

(VTC News) - Dù đang bị tạm giam nhưng nguyên Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cũng đã để lại rất nhiều dấu ấn tốt đẹp cho ngân hàng này.

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà Nội, quê quán ở Bình Định và đang sinh sống tại TP.HCM. Ông Hải tốt nghiệp bộ môn vật lý lý thuyết Khoa Vật lý Trường Đại học tổng hợp Quốc gia Belarus vào năm 1989.

Năm 1993, ông bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành vật lý và toán học. Ông còn có học vị Thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành ngân hàng và tài chính, của Trường Đại học ESCP Europe và Trường Đại học Paris-Dauphine. Ông tham gia ACB từ năm 1996 và trở thành Tổng giám đốc của ngân hàng này từ năm 2005.

Đánh giá về ông Hải, ACB có viết: “Với kiến thức về lĩnh vực tài chính – ngân hàng sâu rộng, khả năng lãnh đạo và nhanh chóng nắm bắt được xu hướng phát triển của ngành, ông Lý Xuân Hải đã những có đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển của toàn hệ thống ACB”.

Giúp Ngân hàng Á Châu, Chi nhánh Hải Phòng thăng hoa

Trong khoảng thời gian (1993 - 1995), ông Lý Xuân Hải làm việc cho Công ty Trimex – Moscow. Ngay sau khi tham gia Ngân hàng Á Châu (ACB) ông đã nắm giữ chức vụ Phó Giám đốc ACB, Chi nhánh Hải Phòng. Ông “tại vị” trong hai năm 1996 và 1997. Từ năm 1998, ông được thăng chức lên Giám đốc tại chi nhánh này. Ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong “nhiệm kỳ” 1998 - 2002.

Chi nhánh Hải Phòng được thành lập từ năm 1995, dưới tài lãnh đạo của ông Hải và các lãnh đạo cấp cao ACB, tới năm 1997 đã được “nâng cấp” lên Sở Giao Dịch Hải Phòng.

Tính đến ngày 12/03/2007, tổng tài sản của Sở giao dịch Hải Phòng đạt 48.097 tỷ đồng; tổng vốn huy động 42.892 tỷ đồng; dư nợ cho vay 17.500 tỷ đồng, Lợi nhuận trước thuế trong hơn 2 tháng đầu năm đạt 309,153 tỷ đồng.

Nguyên Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải 

Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB

Trước đó, từ năm 2002 đến 2004, khi chứng khoán còn là một lĩnh vực mới tại Việt Nam, ông Lý Xuân Hải đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc ACBS, đưa ACBS trở thành công ty chứng khoán phát triển theo hướng chuyên nghiệp sớm nhất tại Việt Nam.

Kết quả đạt được là ACBS trở thành công ty chứng khoán có uy tín, nằm trong nhóm các công ty chứng khoán hàng đầu về số lượng giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác. Để tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, ACBS đã ký kết với nhiều tổ chức môi giới quốc tế nhằm thực hiện các giao dịch trực tiếp.

Ông Hải giữ vai trò làm đầu tàu của ACBS từ năm 2002 tới 2005.

Vị Phó tướng tỏa sáng

Mặc dù chưa đứng ở vị trí cao nhất nhưng với việc giữ hai cương vị Phó tổng giám đốc và Giám đốc Tài chính, ông Hải có rất nhiều “đất diễn”. Với sự góp sức của ông, trong 2 năm 2005 và 2006, ACB đã gặt hái được rất nhiều thành tựu. Hàng chục chi nhánh, phòng giao dịch mọc lên khắp đất nước, rất nhiều dịch vụ, công cụ, sản phẩm mới xuất hiện nhận được sự đánh giá cao từ phía khách hàng.

Nhưng đáng kể nhất vẫn là việc ACB nhận được sự hợp tác từ nhiều đối tác quốc tế lớn. ICF chấp thuận đầu tư 5,5 triệu USD để mua cổ phiếu ACB. Ngoài ra, còn bắt tay với HSBC và Standard Chartered Bank.

Trong vòng 3 năm, ACB nhận được rất nhiều bằng khen, giải thưởng từ Chính phủ và các tổ chức trong, ngoài nước.

Trong khoảng thời gian này, ACB có tốc độ tăng vốn rất nhanh. Trong 3 năm, ACB đã tăng vốn điều lệ từ dưới 500 tỷ đồng lên 948,32 tỷ đồng vào ngày 23/8/2005.

Sóng gió đang qua đi với ACB 

Cùng ACB lên tầm cao mới

 

“Tôi là một phần của “cỗ máy” ấy. Thể chế mà ACB đang xây dựng là làm sao để mọi thứ vận hành mà không phụ thuộc vào những con người cụ thể nữa. Đó chính là sự an toàn, ổn định của một hệ thống.

Ông Lý Xuân Hải

Tuy nhiên, dấu ấn mà ông Hải để lại nhiều nhất có lẽ là trong giai đoạn từ năm 2005 tới nay, giai đoạn ông giữ chức Tổng giám đốc ACB.

Đây cũng là thời kỳ ACB nói riêng, nền kinh tế nói chung phải đương đầu với muôn vàn khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thậm chí, tới thời điểm này, cuộc khủng hoảng vẫn chưa đến hồi kết.

Từ năm 2005 tới 2007, khi thị trường chứng khoán bắt đầu tăng mạnh và đạt đỉnh, dưới sự điều hành của ông Hải, ACB đã phình to từ số vốn dưới 1.000 tỷ đồng vọt lên hơn 2.600 tỷ đồng vào cuối năm 2007.

Dưới “triều đại” ông Hải, ACB nhận cúp vàng Top Ten Thương hiệu Việt, nhận 03 giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2005” do tạp chí The Banker, The Asian Banker và tạp chí Euromoney trao tặng, nhận giải “Doanh nghiệp ASEAN xuất sắc nhất” - hạng mục Sử dụng người lao động (Singapore).

Bản thân ông Hải cũng nhận được phần thưởng xứng đáng là giải thưởng nhà lãnh đạo xuất sắc của ngành tài chính ngân hàng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương “The Best Leader for Vietnam 2006” tại Indonesia”.


Ông Hải cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm khi quyết định niêm yết cổ phiếu trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở giao dich chứng khoán Hà Nội) từ năm 21/11/2006. Quyết định sáng suốt này giúp cho ACB dễ dàng huy động vốn.
Nhưng kể từ năm 2007, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, ACB cũng như nhiều doanh nghiệp khác gặp muôn vàn khó khăn.

Ông Hải chia sẻ: “Tôi ở Đông Âu vào những năm đầu 90, chứng kiến ở đó sự sụp đổ của những tượng đài (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Năm 2008 tôi lại có điều kiện đứng gần tâm điểm của bão tố tài chính và chứng kiến sự sụp đổ của những tượng đài tài chính. Khi cơn bão đang tàn phá mọi thứ, câu hỏi duy nhất phải trả lời là làm gì để sống sót.

Cơn bão qua đi, câu hỏi dai dẳng sẽ là tiếp tục phát triển như thế nào và làm sao tránh những di chứng của cơn bão để lại. Năm 2009 sẽ khó khăn hơn 2008 do cả yếu tố trong và ngoài nước gây ra và một phần lớn là bởi những hậu quả mà cơn bão để lại”.

 

Vai trò cá nhân của tôi cũng như của bao con người ACB khác: vai đã được phân và “diễn viên” phải đóng tốt, cố gắng thực hiện tốt chức năng của mình trong “cỗ máy ACB”

Ông Lý Xuân Hải

Ông Hải cho biết đây là lúc cần những con người có máu kinh doanh thật sự. Những người dám ra quyết định và chấp nhận rủi ro. Trong điều kiện bình thường các quyết định kinh doanh được đưa ra trên cơ sở các lý thuyết kinh doanh của điều kiện bình thường đó.

2008 là năm các cổ đông sáng lập chuyển giao trên thực tế một phần công tác vận hành, nhưng “cỗ máy” thì đã hình thành từ lâu. Việc chuyển giao tương đối nhẹ nhàng và mềm để những người ở lại yên tâm, nhất là bởi những con người đó vẫn luôn bên cạnh.

Điều giúp cho ACB đứng vững chính là ông Hải đã điều khiển “cỗ máy” vận hành trơn tru, kỷ luật và những con người là nhân viên các cấp của ACB rất máu lửa, tâm huyết vì ACB.

Khi được hỏi về vai trò của mình tại ACB, ông Hải rất khiêm tốn: “Tôi là một phần của “cỗ máy” ấy. Thể chế mà ACB đang xây dựng là làm sao để mọi thứ vận hành mà không phụ thuộc vào những con người cụ thể nữa. Đó chính là sự an toàn, ổn định của một hệ thống.

Tất nhiên, ở trong đó đã bao hàm những “cái tôi”, những yếu tố con người. Tôi may mắn được đặt vào chỗ ngồi này để ngày hôm nay đóng vai trò của người cầm gậy chạy đầu của một cuộc chạy tiếp sức, được thừa hưởng rất nhiều thành quả của những người đi trước và của các cộng sự hôm nay.

Vai trò cá nhân của tôi cũng như của bao con người ACB khác: vai đã được phân và “diễn viên” phải đóng tốt, cố gắng thực hiện tốt chức năng của mình trong “cỗ máy ACB””.

Mặc dù thành đạt trong sự nghiệp nhưng ông lại gặp nhiều điều không may trong cuộc sống riêng khi từng ly hôn.

Tháng 8/2012, khi sự nghiệp vẫn đang tiến triển tốt, ông Hải đã bị bắt tạm giam 4 tháng vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" chỉ sau vài giờ nộp đơn từ nhiệm.

Trước khi đón nhận thông tin bầu Kiên và ông Hải bị bắt giữ, cổ đông của ACB rất hân hoan với tin lợi nhuận quý 2/2012 của ACB đạt 775,26 tỷ đồng, tăng mạnh 37,56% so với cùng kỳ nâng lũy kế 6 tháng đạt 1.612,47 tỷ đồng, tăng 34,4%.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn