Thống đốc Bình: Nợ xấu chưa đến mức hốt hoảng

Kinh tếThứ Ba, 21/08/2012 04:50:00 +07:00

(VTC News) - Thống đốc Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết nợ xấu chưa đến độ “hốt hoảng”, và "đến cuối nhiệm kỳ, nợ xấu sẽ được đi về chuẩn".

(VTC News) - Trả lời tại Thường vụ Quốc hội chiều 21/8, Thống đốc Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết nợ xấu chưa đến độ “hốt hoảng”, và "đến cuối nhiệm kỳ, nợ xấu sẽ được đi về chuẩn".

Chênh lệch số liệu nợ xấu phát sinh từ lâu

Bắt đầu phiên chất vấn, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hỏi gần đây các Ngân hàng thương mại báo cáo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống là 4,47%, tương ứng với số tiền 117.000 tỷ đồng nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại công bố tỷ lệ nợ xấu là 8,6% lên tới 202.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với báo cáo của các tổ chức tín dụng.

Các tổ chức quốc tế đánh giá nợ xấu của Việt Nam lên tới 13%. Có sự chênh lệch này là do một số tổ chức tín dụng phân loại nợ, ghi nhận nợ để giảm chi phí trích lập rủi ro. Ông Hiển hỏi việc làm như vậy có bị coi là vi phạm các luật TCTD, luật kế toán hay không.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết thực tế luôn có tỷ lệ nợ xấu khác nhau. Thực tế này không phải mới phát sinh mà đã xuất hiện trong suốt quá trình hoạt động, chỉ có điều bây giờ mới được công bố công khai.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, số liệu nợ xấu do NHNN cung cấp là có tín xác thực nhất. 
“Tôi đã làm việc 3 năm trong ngành và 30 năm đều có sự chênh lệch này.

Trước đây các tổ chức kiểm toán, xếp hạng lớn chưa vào Việt Nam nhưng trong nội bộ đã có hai số liệu. Từ khi hội nhập, các tổ chức kiểm toán, xếp hạng xuất hiện, tỷ lệ nợ xấu đã có chỉ số thứ ba” - Thống đốc cho biết.

Cùng chủ đề

>> Video: Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời những vấn đề 'nóng'

>> Giảm mạnh lãi nợ cũ, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng

>> Nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 117,7 ngàn tỷ đồng

>> Sự thật nợ xấu bất động sản ngân hàng

  
Sở dĩ tỷ lệ nợ xấu có nhiều con số khác nhau - Thống đốc giải thích - là do từ năm 2005 trở lại đây, NHNN ban hành quyết định 497 về phân loại nợ.

Nợ được phân loại thành 5 nhóm. Nhóm 1 là nhóm tốt, nhóm 2 là nhóm nợ có vấn đề, từ nhóm 3 đến nhóm 5 gọi là nợ xấu. Có nhiều yếu tố định lượng và định tín xác định nợ xấu.

Ví dụ nợ bình thường, nợ quá hạn không tới 10 ngày thì sẽ thuộc nhóm 1. Nợ quá hạn từ 90 tới 180 ngày là nhóm 2, nợ trên 360 ngày là thuộc nhóm 5. Đó là tiêu chí định lượng.

Nhưng cũng có những tiêu chí định tính. Ví dụ một khoản nợ ở nhóm 1 nhưng tổ chức tín dụng đánh giá môi trường kinh doanh, cú sốc kinh tế,… thấy khả năng trả nợ của doanh nghiệp không được đảm bảo nên dù nợ chưa quá hạn ngày nào nhưng vẫn có thể đưa vào nhóm cao hơn.

Một tổ chức có nhiều khoản nợ, nhưng có một khoản nợ ở mức cao, tất cả các khoản nợ còn lại đều bị đẩy lê mức nợ cao nhất.

Do đó dẫn tới việc các tổ chức khác nhau đánh giá nợ của 1 tổ chức tín dụng ở mức khác nhau. Vậy mới có chuyện 1 tổ chức khi có 2 tổ chức kiểm toán trong cùng thời điểm có thể có 2 kết quả khác nhau.

Bên cạnh đó, có yếu tố mang tính chủ quan đó là do ý thức người phân nhóm nợ, do chính tổ chức tín dụng. Khi nhóm nợ tăng thì trích lập dự phòng tăng. Ví dụ nhóm 2 phải trích lập dự phòng 55% nhưng nhóm 5 trích lập đủ 100%.

Đôi khi vì mục tiêu lợi nhuận, tổ chức tín dụng không muốn xếp nợ nhóm cao hơn, che giấu khoản nợ để xuống mức thấp hơn. Có tổ chức tín dụng không biết khách hàng có vay tiền của tổ chức tín dụng khác hay không. Bây giờ NHNN có trung tâm tín dụng CIC, cung cấp đủ tình trạng nợ của khách hàng.

Thống đốc cho biết vừa qua NHNN xử lý 6 tổ chức tín dụng, đang trong quá trình 9 tổ chức tín dụng.

Thống đốc cho biết: "Theo báo cáo của bản thân các tổ chức tín dụng, nợ xấu của họ đều không quá 2,5% và đều có lãi. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước thanh tra thì có tổ chức tín dụng nợ xấu lên 30% và thậm chí tới 60%. Có những ngân hàng mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ".

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh hỏi trong 3 con số kể trên, con số nào đáng tin cậy nhất, Thống đốc khẳng định số liệu do NHNN cung cấp là có tín xác thực nhất.

Chưa đến mức "hốt hoảng"

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam có ở ngưỡng an toàn không? Các giải pháp thống đốc nêu ra, giải pháp nào quan trọng?

(Ảnh internet, chỉ có tính minh họa) 

Thống đốc cho biết với tỷ lệ nợ xấu như hiện nay, theo kinh nghiệm nhiều năm, nợ xấu không đến mức độ hốt hoảng, nguy kịch. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, năm 1998, tỷ lệ nợ xấu của Hàn Quốc là 17%, của Indonesia là 50%. Tỷ lệ nợ xấu của chúng ta chưa đến mức báo động.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về trách nhiệm của NHNN và cá nhân Thống đốc khi để xảy ra nợ xấu cao và một số sai phạm trong hệ thống, Thống đốc thừa nhận một trong những nguyên nhân nợ xấu cao có xuất phát từ Ngân hàng Nhà nước khi chưa thanh tra giám sát hiệu quả.

"Tôi xin nhận trách nhiệm của NHNN và với tư cách là thống đốc hiện nay, tôi cũng xin nhận trách nhiệm về các lĩnh vực đó".


Thống đốc cũng cho biết doanh nghiệp cũng “góp phần” tạo nên nợ xấu. Tài chính của doanh nghiệp phần lớn là yếu kém, khả năng xây dựng kế hoạch hạn chế, sử dụng nguồn vốn không hợp lý. Nợ xấu được tích lũy qua nhiều năm.

T
heo Thống đốc, trong tháng 8 và tháng 9, NHNN sẽ ban hành đầy đủ một số văn bản liên quan đến ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng định hướng hoạt động. Các văn bản này sẽ có hiệu lực vào năm 2013.

Ví dụ trước đây quy định sử dụng vốn vay không rõ. Bên vay rút ra bằng tiền mặt có thể chi bất cứ vào việc gì. Tiền vay dự án có thể đưa vào bất động sản, chứng khoán gây ra các hệ lụy. Điều này sẽ được hạn chế.

Về biện pháp kinh tế xử lý ngay nợ xấu, Thống đốc cho biết ngay từ đầu năm tăng trưởng tín dụng vô cùng khó, NHNN phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, phát hành trái phiếu Chính phủ, đẩy nhanh tốc độ đầu tư công, chi tiêu ngân sách khoảng 70%, giúp giải phóng hàng tồn kho, đặc biệt liên quan tới xây dựng.

NHNN nâng cao việc giám sát các tổ chức tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro có nguồn vốn đáng kể, phối hợp chính quyền địa phương, tòa án để phát mãi tài sản thế chấp. Khuyến khích mua bán nợ, khuyến khích đàm phán biến nợ thành cổ phần.

Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi liệu đến cuối năm, sang năm, tỷ lệ nợ xấu có giảm không? giảm xuống bao nhiêu, Thống đốc chỉ trả lời đến cuối nhiệm kỳ, nợ xấu sẽ được đi về chuẩn. Câu trả lời này không nhận được sự đồng tình của một số đại biểu.

Bích Vân
Bình luận
vtcnews.vn