Xăng tăng: Cây xăng vắng khách, chuyên gia 'lại tăng à'

Kinh tếThứ Hai, 13/08/2012 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Trước khi xăng chính thức tăng thêm 1.100 đồng/lít, nhiều cây xăng vừa và nhỏ vẫn thưa khách.

(VTC News) - Trước khi xăng chính thức tăng thêm 1.100 đồng/lít, nhiều cây xăng vừa và nhỏ vẫn thưa khách. Khi được hỏi về thông tin xăng chuẩn bị tăng giá, phần lớn người dân đều tỏ ra bất ngờ và khẳng định chưa biết việc này.

Dân bất ngờ, cây xăng vắng khách

Đến 16h45 chiều nay 13/8, các cây xăng ở Hà Nội bắt đầu đóng cửa để tiến hành kiểm kê hàng và chuẩn bị niêm yết giá mới.
Nhiều người dân không biết thông tin xăng sắp tăng giá, cửa hàng xăng vẫn thưa khách dù sắp tới giờ điều chỉnh giá xăng. 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai Lan, ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, xăng hết nên chị đi đổ chứ không biết về thông tin xăng tăng giá.

“Xăng tăng nhiều và liên tục thế này, giá cả lại leo thang mất thôi”, chị Lan thở dài.


Khác với chị Lan, anh Tuấn, lái xe taxi cho hãng Ba Sao vừa được bạn bè chia sẻ thông tin xăng tăng giá nên tranh thủ đưa xe đi đổ dù bình xăng vẫn còn non nửa.

Cũng theo khảo sát của PV VTC News tại các cây xăng khá là 'điểm tĩnh trước giờ G'. Tại cây xăng số 2 Giảng Võ vào lúc 16h55', mọi hoạt động mua bán vẫn diễn ra rất bình thường thậm chí còn có phần khá là vắng khách, đó là do việc tăng giá lần này khá... bí mật cho đến giờ chót.

Tấm biển báo 'Đang điều chỉnh giá' tại cây xăng Ngọc Khánh ngăn cách hai nhóm người mua xăng khác nhau

Tuy nhiên, đến 17h, các cửa hàng xăng đồng loạt tạm ngừng giao dịch và dùng biển báo "đang điều chỉnh giá" để tách dòng người mua xăng ra làm 2 nhóm, một nhóm nằm trong khu vực cây xăng thì được tiếp tục mua với giá cũ, nhóm thứ 2 bắt buộc phải mua với giá mới.

Tại cây xăng Ngọc Khánh, một người phóng xe ôm chạy vụt qua và ngoảnh lại suýt gây tại nạn khi nhìn thấy phóng viên giơ máy ảnh và camera tác nghiệp tại cây xăng, anh này la lên: "Ơ! lại tăng à, chết rồi... xăng lại tăng à" rồi tiếp tục phóng thẳng.

"Tăng thì tăng nhanh, giảm thì giảm chậm, tăng thì nhiều mà giảm lại ít quá", chú Trần Viết Bình (Ngọc Khánh - Hà Nội) cho biết, chú phân vân: "Kinh tế năm nay thì khó khăn, mớ rau con cá đều tăng giá, xăng tăng như này mọi thứ lại tăng theo, gia đình lại mệt mỏi".

Nhân viên cửa hàng xăng đang điều chỉnh lại thông số của cây bán xăng tự động 

"Một ngày em đi hết khoảng 250km, xe em 100km/ngốn gần 2 lít rưỡi...", anh Lê Văn Thịnh (Mĩ Đình - Hà Nội) chia sẻ.

Nhẩm tính nhanh thì mỗi ngày anh mất thêm khoảng 6.500 đồng cho chiếc xe SYM cà tàng của mình, tính ra một tháng Thịnh sẽ phải chi phí thêm 195.000 đồng chi phí cho chiếc xe của anh, "tăng giá lên thì mất khách, người ta chẳng dám đi hoặc đi taxi hết... chán lắm anh ơi, bây giờ thì chỉ có mang bình đi theo để đựng nước uống chứ chẳng còn trà đá mà uống nữa rồi", Thịnh nói thêm.

Thịnh hiện làm xe ôm và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình anh, trong khi chị vợ làm công nhân ở khu Công nghiệp Thăng Long - gia đình chẳng dư dả gì.


Chuyên gia: Lại tăng nữa à?


Giá xăng tăng, các chuyên gia kinh tế khá bất ngờ dù trước đó, một số doanh nghiệp đã rậm rịch lên kế hoạch xin điều chỉnh giá xăng dầu với lý do chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ lên tới 700 đồng -1.300 đồng mỗi lít. Khi được hỏi, các chuyên gia hỏi ngược: “Lại tăng nữa à?”.

Đến 16h45, các cửa hàng xăng bắt đầu đóng cửa kiểm kê hàng và chuẩn bị niêm yết giá mới.  

TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả cho biết, việc các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu liên tục điều chỉnh giá xăng tăng như vậy là điều không nên. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngân sách người tiêu dùng hạn chế, nền kinh tế giảm phát, việc tăng giá này ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân.

Giữ nguyên mức thuế nhập khẩu và mức trích Quỹ bình ổn

Bộ Tài chính vừa có văn bản chính thức số 10870  về việc điều hành kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu như quy định hiện hành.

Cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng A92 tính cho lượng xăng A92 thực tế bán ra là 300 đồng/lít tính từ 17h ngày 13/8/2012.

Theo ông Long, giá xăng tăng ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp tới nền kinh tế. Ảnh hưởng trực tiếp đó là người dân phải chi trả nhiều hơn cho xăng dầu. Trong khi đó, xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của rất nhiều ngành nghề, sản phẩm nên khi giá xăng tăng, giá các mặt hàng khác có nguy cơ tăng theo.

Điều đáng nói là trong thời gian qua chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng giá xăng lại tăng. Ông Long đánh giá đây là điều bất ổn. Khi giá thế giới biến động, doanh nghiệp có nhiều cách tác động vào giá, không nhất thiết chỉ tăng. Đó là điều chỉnh thuế, quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức của các đại lý, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Còn việc tăng giá xăng vào thời điểm này có hợp lý hay không thì không thể đánh giá, vì theo ông Long chỉ kiểm toán mới làm rõ được.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, nếu giá thế giới tăng thì giá xăng tăng là chuyện bình thường nhưng nếu giá thế giới không tăng mà giá trong nước tăng thì đó là sự biểu hiện cho sự độc quyền.

Tuy nhiên, thực tế thì giá xăng dầu trong nước đang tăng theo thế giới. Trong thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore liên tục tăng. Từ đầu tháng 8 tới ngày 10/8, mặt hàng xăng RON 92 tăng từ 116,4 đôla/thùng lên 127,63 đôla/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8 tăng gần 8 đôla/thùng lên mức 113,29 đôla/thùng.

Khánh Hòa - Bích Vân

Bình luận
vtcnews.vn