Đề xuất tiếp tục giảm lãi suất

Kinh tếThứ Hai, 09/07/2012 01:07:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia nói lãi suất cần phải hạ tiếp nữa để cứu doanh nghiệp vì mức 15% vẫn còn khá cao.

(VTC News) - Chuyên gia nói lãi suất hạ tiếp nữa để cứu doanh nghiệp vì mức 15% vẫn còn khá cao.

Giám đốc một sàn giao dịch Bất động sản lớn tại Hà Nội nói, việc điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15% một năm và thực hiện ngay từ 15/7 là một giải pháp tích cực để giải quyết “cục máu đông” - nợ xấu. Nếu cơ cấu được nợ, doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn tốt hơn.

Theo DN, mức lãi suất 15%/năm vẫn là rất cao so với khả năng tài chính của các DN hiện nay (Ảnh minh họa internet) 

"Thực tế, mức lãi suất 15% một năm vẫn là rất cao so với khả năng tài chính của các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, động thái giảm này cũng là rất tốt cho các doanh nghiệp hiện nay", vị này nói.

Tuy nhiên, theo vị giám đốc này, cái khó hiện nay chính ở chỗ ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Nếu không có tác động của Nhà nước và không có hướng dẫn cụ thể thì họ cũng phải tính toán khi cho vay.

Hiện nay, cái khó của doanh nghiệp là dù lãi suất giảm nhưng vẫn không thể vay vốn được từ ngân hàng. Một trong những nguyên nhân là do các khoản nợ xấu đang quá cao. Chính điều này đã làm cho các giải pháp về lãi suất mất tác dụng và đặc biệt có thể tác động làm phá sản những doanh nghiệp lớn.

Nợ của các doanh nghiệp, đến hạn không trả được sẽ thành nợ xấu. Nếu ngân hàng thương mại cứ giữ nguyên tắc đó mà làm thì sẽ coi là nợ xấu và không cho doanh nghiệp vay. Mấu chốt ở đây là phải cơ cấu lại các khoản nợ để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn tốt, trả được nợ. Qua đó, thanh khoản của ngân hàng cũng như nền kinh tế sẽ giải quyết được.

Còn ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội thì cho biết: Hiện nay 90% các doanh nghiệp bất động sản hoạt động là dựa vào nguồn vốn vay, nên lãi suất giảm sẽ tác động tới bất động sản là một quy luật của thị trường. Việc giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản, người mua bớt đi áp lực về tài chính. Đây là một động thái tích cực và kịp thời của Chính phủ.

"Thời gian gần đây, các ngân hàng đã có thiện chí trong việc cho vay, nhưng mức lãi suất cho vay để mua bất động sản vẫn phổ biến ở mức 17% - 18%/năm, có ngân hàng cho vay 15% - 17%/năm, nhưng kèm theo điều kiện khắt khe. Đây là mức lãi suất quá cao đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở. Thời gian tới,  hy vọng, mức lãi suất này sẽ dần được hạ thêm", ông Cường nói.

Trao đổi với PV VTC News, TS Cao Sỹ Kiêm -: Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá: Động thái điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15% một năm và thực hiện ngay từ 15/7 là một giải pháp để cơ cấu lại nợ xấu của doanh nghiệp. Trong tình trạng nợ xấu của doanh nghiệp đang tăng cao như hiện nay, thì đây là một giải pháp rất tích cực.

Việc giảm lãi suất này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm mức nợ xấu đang tồn đọng, mà còn cứu sản xuất, đồng thời tạo ra vòng quay nhanh tiền trong lưu thông.

Hiện nay Chính phủ cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như miễn, giảm, giãn thuế, đưa ra các gói hỗ trợ,…nhưng thực tế tác dụng không nhiều.

Thí dụ như gói hỗ trợ trị giá 29.000 tỷ mà Chính phủ vừa công bố, chủ yếu chỉ là giãn thuế, điều này sẽ buộc doanh nghiệp phải tạo ra nguồn nộp cho những năm sau. Về mặt hạch toán tài chính năm sẽ rất mệt cho doanh nghiệp. Nói chung những giải pháp này chỉ xem là biện pháp cấp cứu.

Đồng tình với quan điểm của TS Kiêm, các chuyên gia tại Tọa đàm “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu (DN XNK) trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế” diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng cho rằng, giải pháp tình huống đối với doanh nghiệp hiện nay là chính sách tài chính.

"Bên cạnh các giải pháp cụ thể về phía doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội….có như vậy với giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nền kinh tế tăng trưởng ổn định", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - Nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ khuyến nghị.

TS Cao Sĩ Kiêm thì nhấn mạnh, "khó khăn lớn nhất của doanh nằm ở khâu không bán được hàng, sức mua giảm. Hiện 200.000 DN đã “chết lâm sàng”. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn để kích thích cả người bán lẫn người mua".

"Theo tôi, cái cần nhất của doanh nghiệp hiện nay là lãi suất càng giảm nhanh càng tốt. Với tăng trưởng tín dụng 17% của năm 2012, điều cần làm hiện nay là các ngân hàng nên mở rộng hơn tăng trưởng tín dụng của mình để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay càng nhanh càng tốt. Lãi suất cho vay hạ xuống 15% đã là quá tốt, nhưng thời gian tới nếu có thể nên hạ tiếp nữa để cứu doanh nghiệp vì mức 15% vẫn còn khá cao", TS Kiêm nói.

Cũng theo TS Kiêm, bên cạnh lãi suất, đầu ra cho sản phẩm cũng đang rất nhức nhối. Với những doanh nghiệp bán được hàng, thì động thái hạ lãi suất, giãn, giảm thuế có thể cứu được sản xuất. Nhưng với những doanh nghiệp tồn kho, lỗ vốn thì gần như không có tác dụng.

Châu Anh - Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn