5 độc chiêu 'móc túi' sinh viên của chủ quán chè vỉa hè

Kinh tếThứ Sáu, 22/06/2012 12:48:00 +07:00

(VTC News) – Sợ mất khách, khách “no xôi, chán chè”, chủ những hàng quán chè tự chọn vỉa hè luôn phải nghĩ ra độc chiêu mới để chiều lòng các thượng đế.

(VTC News) – Sợ mất khách, khách “no xôi, chán chè”, chủ những hàng quán chè tự chọn vỉa hè luôn phải nghĩ ra độc chiêu mới để chiều lòng các thượng đế.


Dưới đây là 5 trong số những tuyệt chiêu hay được họ sử dụng nhất:


1. Mỗi tuần bổ sung một vị chè mới 

Dù đã “đại hạ giá” 10.000 đồng/cốc với mọi loại chè, rẻ hơn rất nhiều so với giá “niêm yết” trong các nhà hàng, nhưng những ông chủ, bà chủ của các quán chè tự chọn trên vỉa hè này vẫn cứ nơm nớp lo sợ khách cảm thấy chán mà bỏ đi.

Chị T, nhân viên của một trong số các quán chè vỉa hè trên đường Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nhiều sinh viên không chỉ ăn lấy no mà còn muốn cốc chè của họ lung linh sắc màu nữa cơ.

Họ chẳng sợ đau bụng, vị gì cũng thử một tí xem có ngon không. Do vậy, chúng tôi phải liên tục update (cập nhật – pv) những vị mới lạ để làm vừa lòng các thượng đế khó tính, nhưng lại thích hàng ngon, bổ, rẻ này”.

 



Còn theo tiết lộ của chị Lan, chủ một quán chè ở khu vực trên thì dù phải bổ sung vị mới liên tục, nhưng họ cũng cân nhắc rất nhiều tới giá cả của các mặt hàng.


Chị Lan nói: “Thường thì chúng tôi bổ sung thêm các loại hoa quả theo mùa, chủ yếu là những loại quả rẻ, dễ kiếm, dễ bảo quản, lại có màu sắc bắt mắt như dưa hấu, dứa, mít …

Thú thật là nếu chọn những loại quả đắt tiền như nho đen, nhãn, cam… thì chúng tôi lấy đâu ra lãi nếu khách hàng chỉ thích ăn mỗi vị quả ấy?!.

Vậy nhưng không có vị mới thì không được. Đến phụ nữ đẹp mà không thay đổi phong cách mỗi ngày, người ta nhìn mãi còn thấy chán nữa là chè.

Do vậy, chúng tôi phải vắt óc nghĩ ra đủ thứ vị mới, sao cho nó vừa đồng giá với các vị khác để còn có lãi, lại vừa thu hút được sự chú ý của nhiều người”.

2. Khuyến mại “khủng”

 



Chị Lan tiết lộ: “Nếu là khách quen, tôi sẵn sàng chỉ lấy 9.000 đồng/cốc, giảm 1.000 đồng so với bình thường để giữ khách. Nếu họ đi theo nhóm đông chừng 5 – 7 người, tôi sẵn sàng tặng thêm một cốc chè nữa.


Hoặc có những khi khách đến muộn, chỉ còn vài vị chè, lại không có thứ họ thích, tôi sẵn sàng cho họ ăn 3 cốc với giá chỉ 20.000 đồng. Nói cách khác, nếu mua 3, tôi tặng 1.

Tôi cũng không ngần ngại cho họ nợ tiền nếu chẳng may khách ruột quên mang theo ví. Bản thân tôi nghĩ 10.000 đồng chả đáng là gì mà họ phải ăn quỵt của mình nên tôi tin tưởng khách tuyệt đối”.

3. Đá chiếm 2/3 cốc chè

Trước khi được tự chọn vị chè yêu thích, chủ quán sẽ đưa cho khách một chiếc cốc trong đó đã có sẵn những cục đá viên được đập vụn.

Bản thân khách hàng dù có sợ bị đau họng, sợ bị nhiễm lạnh hay ghét ăn đá lạnh tới mấy cũng phải chấp nhận để chúng “ngoan ngoãn” nằm trong cốc cho tới khi chọn vị chè xong mới được gạt ra.

 



Theo quan sát của PV VTC News, đá viên chiếm tới 2/3 cốc chè. Chưa kể chủ quán sẵn sàng cho thêm đá với những vị khách ưa lạnh.


Như vậy, mặc dù được tự chọn vị chè với liều lượng các vị khác nhau, nhưng số lượng đồ cho vào cốc đã bị chủ quán giới hạn.

Một nhân viên phục vụ ở quán chị Lan cho hay: “Nhiều khách tham lam lắm. Họ thậm chí còn múc tràn miệng cốc. Do vậy, để tạo sự công bằng giữa các vị khách với nhau, chúng tôi bỏ sẵn một lượng đá tương tự vào mỗi cốc trước khi đưa cho khách. Đây cũng là cách để đảm bảo việc làm ăn của chúng tôi không bị thua lỗ”.

4. Thuê “chân dài” làm nhân viên phục vụ

Để “hút khách”, đặc biệt là phái mạnh tới quán ăn chè, nhiều bà chủ sẵn sàng bỏ ra cả ngày trời để năn nỉ, thuyết phục, ỉ ôi sao cho một chân dài xinh đẹp chịu tới quán làm nhân viên phục vụ.

Nói là nhân viên phục vụ, chứ trên thực tế họ chỉ cần sự có mặt của cô gái và lượng fan hâm mộ của nàng.

 



Bà B, chủ một quán chè vỉa hè ở đây tếu táo nói: “Tới đây, mỗi ngày tôi sẽ nhờ một vài cháu gái xinh đẹp tới làm nhân viên phục vụ hoặc là khách ăn chè miễn phí để thu hút sự chú ý.


Chúng nó được nhiều người thích lắm nên chỉ cần có mặt ở đây là lũ nam sinh kéo nhau tới ầm ầm xin được làm quen này nọ. Rồi đây, nơi này sẽ trở thành điểm hẹn quán.

Đứa nào muốn cưa cháu tôi thì “phải” mời cả phòng nó ra đây ăn chè hoặc chí ít cũng phải trở thành khách ruột của tôi”.

5. Vừa vẫy khách, vừa tranh thủ kết thân

Trong lúc chồng cất xe cho khách, khách chưa yên vị, chị Lan đã kịp nhận vài đồng hương cho cả mình và chồng mình.

Không chỉ kiêm nhiệm vụ “vẫy”, đon đả mời chào khách, người phụ nữ này còn phải tinh tế để ý biển số xe xem quê của khách hàng ở đâu để tiện làm quen.

Chị Lan tâm sự: “Tôi nhớ gần hết biển số xe máy các tỉnh. Lúc thì tôi nhận đồng hương của mình, lúc là đồng hương của chồng, có khi là đồng hương của người giúp việc hay khách ruột ở đây …

 



Nói chung, chỉ là câu chuyện làm quà, nhưng như thế mình sẽ thân với khách hơn và dễ bắt chuyện với họ hơn”.


“Cũng có khi tôi kể chuyện vui trên trời, dưới biển để khách cười vui vẻ. Có lúc lại diễn hài, mắng chồng xơn xơn cho thiên hạ cười. Đôi lúc lại than nghèo, kể khổ chút cho người ta thương, mình dễ làm ăn.

Từ chuyện đời thường, chuyện vợ chồng, tới chuyện ngôi sao này, ngôi sao nọ dính bê bối gì, tôi đều đem ra kể hết. Nói hết những gì tôi biết, tôi đọc được, chỉ cần khách vui và lần sau lại tới để nghe tôi chém gió là ok (được – pv) rồi”, chị Lan chia sẻ.


Bài và ảnh:
Minh Quân


Bình luận
vtcnews.vn