“Giành giật” 1.000 tỷ đồng: Phần thắng thuộc về ai?

Thời sựChủ Nhật, 03/06/2012 01:02:00 +07:00

(VTC News) – Luật sư Nguyễn Thành Công, đoàn luật sư TP.HCM, nói về khả năng ai sẽ được hưởng 1.000 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank.

(VTC News) – Luật sư Nguyễn Thành Công, đoàn luật sư TP.HCM, nói về khả năng ai sẽ được hưởng 1.000 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank.




 
Để giải đáp những thắc mắc của độc giả về việc tranh chấp tài sản 1.000 tỷ đồng của nữ đại gia Sài Gòn, bà T.K.P (66 tuổi, ở Tân Phú, TP.HCM), VTC News phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, đoàn luật sư TP.HCM.

- Thưa ông, bà P chết đột ngột nên không kịp viết di chúc giao toàn bộ tài sản của bà cho chị T.H.H.L (25 tuổi) hay những người anh em trong gia đình. Vậy theo luật, chị L có được thừa hưởng toàn bộ số tài sản của bà P?

Ngôi trường mầm non, được bà P góp vồn xây dựng ngay trên đất của bà 

Vì bà P chết không để lại di chúc nên tài sản của bà P (khối tài sản 1.000 tỷ đồng) sẽ được phân chia theo điều 676 của Bộ luật dân. Bộ luật quy định về quyền của người thừa kế như sau: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Vì thế, căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế theo pháp luật và theo thông tin thực tế mà tôi nhận được thì người ở hàng thừa kế thứ nhất và cũng là người duy nhất được hưởng tài sản do bà P để lại. Chị L là con nuôi của bà P đã được pháp luật thừa nhận thì có nghĩa chị L sẽ được thừa hưởng toàn bộ số tài sản của bà P để lại.

- Có thông tin nói số tài sản bà P hiện có là do một phần của ba mẹ bà để lại, bà P là người đứng tên. Một số thông tin khác thì lại cho rằng những tài sản của bà P là do anh em họ hàng cùng “góp sức”. Vậy họ có được thừa hưởng số tài sản của bà P để lại?

Về mặt pháp luật và thực tế thì những tài sản của bà P, đặc biệt là sổ tiết kiệm, nhà xưởng, nhà ở, đất đai… đều do bà P đứng tên (do bà tự tạo ra và có thể có một phần do ba mẹ bà tặng cho riêng bà – để lại cho riêng bà) nên bà P là chủ sở hữu đối với tài sản và là người có toàn quyền sử dụng đối với đất.


Việc các anh chị em của bà có tranh chấp về phần tài sản (cho rằng, số tài sản của bà hiện có là có sự “chung sức” của các anh chị em) thì phải chứng minh rằng bà P có hành vi chiếm đoạt phần tài sản của họ để chiếm hữu, hợp thức hóa toàn bộ tài sản trên dưới tên mình hoặc có căn cứ chứng minh là có phần của họ trong số tài sản này, còn không thì số tài sản mặc nhiên là của bà P.

Nếu chứng minh được thì họ sẽ được chia lại phần tài sản mà họ đã đóng góp tương ứng theo hình thức sở hữu chung theo phần (theo Điều 216 Bộ luật dân sự). Và như đã nói ở trên thì họ không phải là những người được thừa kế - thừa hưởng tài sản của bà P để lại, mà người duy nhất được thừa kế tài sản của bà P là cô L.

- Phân chia số tài sản của bà P mỗi bên một nửa có hợp lý không thưa ông?

Sẽ là hợp lý nếu anh chị em của bà P có đủ bằng chứng chứng minh rằng trong khối tài sản của bà P có đến một nửa là do họ đóng góp vào.

- Số tài sản này có thể trích một phần vào công quỹ của nhà nước không?

Số tài sản mà bà P có thể trích một phần vào công quỹ nhà nước nếu người thừa kế của bà là chị L đồng ý và sau khi tranh chấp tài sản giữa chị L và các anh chị em đã được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật thì việc trích phần trăm để làm từ thiện là tùy vào quyết định của chị L.

- Đứng dười góc độ là một luật sư, ông nhìn nhận vụ này thế nào?

Bà P chết để lại một khối tài sản có giá trị vô cùng lớn nên tranh chấp xảy ra được nói là đương nhiên, cho dù bà P có để lại di chúc hay không để lại di chúc.

Tôi được biết là cha mẹ bà P có nghề làm bún gạo nên đã truyền nghề lại cho các con, trong đó có bà P và bà P đã tự tay làm bún và làm thủ công. Sau khi việc kinh doanh phát triển, bà P mới mở rộng quy mô rồi bỏ để đầu tư vào bất động sản, tức khối tài sản là do bà P tự tạo ra.

Các anh chị em của bà P cũng tự làm bún và tự mở rộng quy mô của mình (tự kinh doanh riêng) nên khó có thể chứng minh là có phần của họ trong khối tài sản của bà P. Do đó, thiết nghĩ phần thắng của họ trong vụ kiện là thấp.

- Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thân (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn