Định giá điện: Vừa đá bóng, vừa thổi còi

Kinh tếThứ Ba, 29/05/2012 06:11:00 +07:00

(VTC News) – Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu Tập đoàn điện lực Việt Nam, vừa kiểm soát giá, vừa hoạch định các chính, rất dễ thiếu khách quan.

(VTC News) – Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu Tập đoàn điện lực Việt Nam, vừa kiểm soát giá, vừa hoạch định các chính, rất dễ thiếu khách quan.

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giá.

Nội dung được nhiều ĐB quan tâm thảo luận là về giá điện, quan điểm của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, tại điều 19 của dự luật về hàng hóa, dịch vụ cho Nhà nước định giá, cần xem xét kỹ thêm các quy định về các loại giá điện như giá truyền tải điện, giá dịch vụ, phụ trợ hệ thống điện.

Theo ĐB Thành, nếu thống nhất như theo dự luật “đương nhiên chấp nhận rất nhiều giá đối với các khâu truyền tải, phân phối và phát điện, nếu như vậy thì nguy cơ đẩy giá bán lẻ điện đối với người tiêu dùng sẽ nâng cao”.

Chung ý kiến này, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, dự thảo quy định nhà nước hiện chỉ định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện và giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện còn các loại giá khác như giá phát điện, giá bán lẻ điện bình quân chỉ được nhà nước quy định về khung giá.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) - Ảnh: TTXVN. 
ĐB Hải phân tích, hiện nay Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam, vừa là cơ quan có chức năng kiểm soát giá, lại vừa hoạch định các chính sách - rất dễ có khả năng dẫn tới các xung đột về lợi ích, thiếu khách quan, khó thực hiện chức năng kiểm soát với một thị trường điện chưa thực sự có tính cạnh tranh như hiện tại.

“Vì vậy, giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể sẽ có khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập.

Hiện nay chức năng kiểm soát về giá được giao cho Cục điều tiết điện lực, tuy nhiên Cục điều tiết điện lực vẫn là một cơ quan nằm trong Bộ Công thương thì tôi nghĩ chức năng độc lập giám sát và bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, đặc biệt là người tiêu dùng chưa được thể hiện rõ” – ĐB Hải nói.


ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) cũng đồng ý với chuyện Nhà nước phải định giá giá bán lẻ của điện, bởi vì chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không có định giá.

Theo ĐB Mạo, giả sử giá bán lẻ điện Nhà nước không quy định mà để cho ngành điện thì chắc chắn nó sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp.


Liên quan đến giá điện, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, các hình thức định giá Nhà nước sẽ có định giá cụ thể, có quy định khung giá bán lẻ bình quân hay là mức giá tối đa, tối thiểu.

Sắp tới Quốc hội sẽ bàn về Dự thảo Luật Điện lực, về nguyên tắc đa số thống nhất là giá điện Nhà nước phải quản lý và phải tham gia định giá vì đây là một mặt hàng độc quyền của Nhà nước ở một số khâu. Tuy nhiên đề nghị phương pháp tính như thế nào, định giá như thế nào, nhất là khung giá bán lẻ điện bình quân phải cho phù hợp và có tính khả thi.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn