'Thượng đế' nói sự thật gì với Vietnam Airlines?

Kinh tếThứ Hai, 28/05/2012 02:22:00 +07:00

Với nhiều năm đi máy bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, một bạn đọc cho rằng hãng này còn phải làm nhiều hơn để cải tiến dịch vụ của mình.

Với nhiều năm đi máy bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, một bạn đọc cho rằng hãng này còn phải làm nhiều hơn để cải tiến dịch vụ của mình, xứng đáng với câu “đem văn hóa Việt Nam đến thế giới”

Cách bày biện một suất ăn của VNA trông chưa đẹp mắt 

Trong chuyến bay mấy tháng trước, tôi gặp lại người tiếp viên trưởng của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) trong chuyến Sydney - TPHCM, người mà tôi từng có lần khen là rất cầu thị và lịch thiệp.

Trong chuyến bay đó, chị hỏi tôi có gì góp ý để dịch vụ trên máy bay tốt hơn? Tôi hứa với chị sẽ viết ra những suy nghĩ, nhận xét và góp ý thật lòng mình. Dưới đây là những ý kiến mà tôi muốn gửi đến VNA.

Theo nhận xét của tôi, VNA đã tiến triển khá dài về phong cách phục vụ, giờ bay và máy bay. Tôi là người thường di chuyển vì công việc và nếu có điều kiện, tôi chọn VNA vì tôi là người Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ VNA còn phải làm nhiều hơn để cải tiến dịch vụ của mình, xứng đáng với câu “đem văn hóa Việt Nam đến thế giới”.

Có lẽ không nói ra thì các bạn cũng biết rằng VNA đã từng nổi danh trong giới hành khách là “Sorry Airlines” vì có quá nhiều chuyến bay trễ. VNA đã gửi đến “thượng đế” của mình nhiều lời xin lỗi đến nỗi người ta nghĩ hai chữ đó không còn có ý nghĩa thực sự nữa. Mỗi lần chuyến bay khởi hành trễ là mỗi lần gây phiền phức cho biết bao nhiêu hành khách, chưa nói đến những cuộc hẹn trong kinh doanh phải bị thất hứa. Vì vậy, VNA cần nhận thức một cách đúng đắn rằng trễ bay không phải là chuyện nhỏ.

Hầu hết các chuyến bay khác với VNA đều nằm trong tình trạng “mù thông tin”. Hình như có xu hướng chung là cơ trưởng VNA thường tiết kiệm lời. Một nhà bình luận người Úc mới viết trên The Age (một nhật báo lớn của Úc) về VNA, trong đó ông phê bình các cơ trưởng VNA không hề cung cấp thông tin về chuyến bay. Tôi cũng đồng ý với nhận xét này vì cơ trưởng nên cung cấp thông tin về chuyến bay lúc sắp cất cánh, trong khi bay và trước khi đáp xuống phi trường.

Những thông tin sắp cất cánh mà hành khách cần biết có thể bao gồm máy bay sắp cất cánh về hướng nào, kế hoạch bay ra sao, bay cao bao nhiêu mét…? Những thông tin trong lúc bay có thể là về xã hội, chính trị, thể thao… Nếu biết sinh nhật của hành khách, cơ trưởng hay tiếp viên trưởng nên nói một câu chúc mừng. Những thông tin trước khi đáp xuống phi trường như từ hướng nào, nhiệt độ dưới mặt đất là bao nhiêu…?

Hiện nay, tiếp viên VNA chỉ nhìn hành khách lên tàu chứ chẳng nói câu nào. Những lần tôi đi hãng Singapore Airlines đều có ấn tượng đẹp với tiếp viên của họ. Có lần tôi tiếp xúc với một tiếp viên rất sành về rượu và món ăn, chỉ trao đổi đôi ba câu là anh ấy biết tôi thích cái gì! Nói chuyện với khách như anh tiếp viên này thật là thú vị.

Tiếp viên VNA mà làm được như thế là một cách cá nhân hóa phục vụ quá hay.

Khi phục vụ món ăn, không nên làm quá nhanh mà phải để thời gian cho khách thưởng thức. Hiện nay, tiếp viên VNA mới mời món ăn thì chỉ một lát sau họ đi một vòng mời cà phê và trà!

Một món ăn có thể chẳng có gì ngon nhưng được bài trí một cách tinh tế và cách phục vụ thân thiện cũng làm cho khách hài lòng.

Đó là chưa kể cách phục vụ hành khách hạng thương gia còn quá nhiều điều bất cập, đơn giản ở các tiện nghi và cả về phong cách.
 Thái độ phục vụ “ăn đứt” xinh đẹp

Người ta hay nói rằng nữ tiếp viên VNA xinh đẹp nhưng tôi cho rằng điều đó không quan trọng vì hành khách thường quan tâm đến thái độ phục vụ. Tiếp viên VNA tiết kiệm nụ cười nên cần phải xóa bỏ hình ảnh đó. Tôi nghĩ có nhiều cách:

Hiếu khách: Khi khách lên máy bay, các tiếp viên nên tỏ ra thân thiện với họ, nếu được thì cười, nếu không quen cười thì cũng cần bày tỏ ý muốn giúp đỡ.

Chăm sóc: Tiếp viên lúc nào cũng phải tỏ ra sẵn sàng chăm sóc khách chứ không chờ đến khi người ta kêu mới làm.

Theo NLĐ



Bình luận
vtcnews.vn