12 nhóm xe phải đóng phí bảo trì đường bộ

XeThứ Bảy, 07/04/2012 07:37:00 +07:00

Mức thu cao nhất đối với ô tô là trên 16 triệu đồng/năm, với xe máy là 180 ngàn đồng/năm.

Mức thu cao nhất đối với ô tô là trên 16 triệu đồng/năm, với xe máy là 180 ngàn đồng/năm.

Theo dự thảo Thông tư về hoạt động thu - chi của Quỹ Bảo trì đường bộ vừa được Bộ GTVT hoàn tất gửi Bộ Tài chính thì mức thu cao nhất đối với ô tô là trên 16 triệu đồng/năm, với xe máy là 180 ngàn đồng/năm. Sẽ có 8 nhóm ô tô và 4 nhóm xe máy phải đóng phí.

8 nhóm ô tô, 4 nhóm xe máy phải đóng phí

“Quy định đóng hàng tháng hoặc 6 tháng trở lên theo chu kỳ đăng kiểm và được chiết khấu giảm % mức đóng của các tháng tiếp theo đã “gỡ” khó cho doanh nghiệp. Nếu cứ quy định đóng 6 tháng/lần, xe cao nhất là trên 1,4 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có 200 xe thì phải vay ngân hàng để đóng tiền. Trước đó, Hiệp hội vận tải Việt Nam cũng đã kiến nghị bỏ thu phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, xem xét lại mức thu với xe từ 18 tấn trở lên” – ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HHVT ô tô Việt Nam.
 

Cụ thể, với ô tô sẽ chia thành các nhóm với mức thu gồm: Xe chở người dưới 10 chỗ, xe tải kể cả xe 4 bánh có gắn động cơ 1 xilanh, rơ moóc và ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ dưới 4 tấn đóng 180.000 đồng/tháng hoặc 2.090.000 đồng/năm.

 Xe chở người từ 10 đến 24 chỗ; xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 4 tấn đến dưới 8,5 tấn; xe đầu kéo có trọng lượng bản thân dưới 8,5 tấn đóng 270.000 đồng/tháng hoặc 3.140.000 đồng/năm. Xe chở người từ 25-40 chỗ; xe tải, rơ moóc và ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 8,5 tấn đến dưới 13 tấn; xe đầu kéo có trọng lượng bản thân từ 8,5 tấn trở lên đóng 396.000 đồng/tháng hoặc 4.600.000 đồng/năm.

Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, rơ moóc và ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 13 tấn đến dưới 19 tấn đóng 590.000 đồng/tháng hoặc 6.860.000 đồng/năm.

Xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 19 tấn đến dưới 27 tấn đóng 720.000 đồng/tháng hoặc 8.380.000 đồng/năm. Sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ dưới 27 tấn đóng 720.000 đồng/tháng hoặc 8.380.000 đồng/năm.

Sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên đóng 1.044.000 đồng/tháng hoặc 12.100.000 đồng/năm. Xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên đóng mức 1.440.000 đồng/tháng hoặc 16.760.000 đồng/năm. Đây cũng là mức đóng cao nhất đối với nhóm ô tô.

Ô tô sẽ đóng trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đơn vị được giao thu phí với ô tô là các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

Ô tô sẽ được cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và vệ sinh cho chủ phương tiện khi nộp đủ loại phí này. Các trung tâm đăng kiểm sẽ được hưởng 1% số thu để chi cho công tác thu. Chủ phương tiện có thể đóng phí theo tháng hoặc 6, 12, 18, 24 hoặc 30 tháng; nếu đóng từ 6 tháng trở lên sẽ được chiết giảm % tiền phí của các tháng tiếp theo.

Dự thảo của Bộ GTVT chia mô tô, xe máy thành 4 loại tương ứng với 4 mức thu khác nhau thay vì chỉ có 3 mức như đề xuất trước đây.

Cách thu, mức thu cụ thể đối với mô tô, xe máy sẽ do UBND cấp tỉnh quy định dựa trên đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương.

Theo đó, xe có dung tích xy lanh dưới 70 cm3 đóng 80.000-100.000 đồng/năm; Dung tích xy lanh 70 cm3 - 100 cm3 đóng mức 100.000 – 120.000/năm; Dung tích xy lanh trên 100 cm3 - 175 cm3 đóng mức 120.000 – 150.000 đồng/năm; Dung tích xy lanh trên 175 cm3 đóng 150.000 – 180.000 đồng/năm.

Ô tô đã đăng kiểm sẽ bị truy thu


Các đối tượng khác như xe của quốc phòng, công an, xe tạm nhập lưu hành ở Việt Nam cũng được quy định đối tượng thu cụ thể. Theo đó, với xe ô tô quốc phòng, công an thì Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức thu và nộp về tài khoản quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Ô tô nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam sẽ thu phí trực tiếp theo đầu phương tiện khi làm thủ tục nhập cảnh để lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam theo chủng loại phương tiện.

Cơ quan thu phí sử dụng đường bộ là các trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở GTVT. Với ô tô đã đăng kiểm trước ngày 1/6/2012, ô tô đã được cấp chứng nhận Đăng kiểm đang còn hiệu lực thì sẽ bị truy thu trong lần Đăng kiểm tiếp theo.


Bộ GTVT dự kiến, Quỹ Bảo trì sẽ thu được hơn 6.800 tỷ đồng/năm từ ô tô và 2.400 tỷ đồng từ 50% số mô tô, xe máy đã đăng ký trong năm đầu thực hiện.

Cùng đó, hàng năm ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho quỹ hơn 3.200 tỷ đồng để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho bảo trì đường bộ.

Về hình thức chi vốn từ quỹ, Nghị định Quỹ Bảo trì đường bộ quy định tiền thu được từ mô tô tại địa phương nào bổ sung vào quỹ địa phương đó. Tiền thu từ ô tô sẽ dành cho quỹ Trung ương 65%, số còn lại 35% dành cho quỹ địa phương.

Có 22 đầu việc sẽ được sử dụng nguồn thu của quỹ với ba loại cơ bản gồm chi bảo trì công trình đường bộ, chi quản lý công trình đường bộ và chi bộ máy quản lý. Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương sẽ do Bộ trưởng Bộ GTVT làm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch khác sẽ do lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đảm trách. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô sẽ tham gia Hội đồng quản lý Quỹ Trung ương với tư cách ủy viên.


Công Tâm

Bình luận
vtcnews.vn