"Doanh nghiệp giải thể là chuyện bình thường"

Kinh tếThứ Hai, 02/04/2012 11:13:00 +07:00

(VTC News) - “Lập doanh nghiệp mới, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể là chuyện bình thường", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết.

(VTC News) - “Lập doanh nghiệp mới, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể là chuyện bình thường. Hướng điều hành của Chính phủ không chỉ năm nay mà những năm tới vẫn theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Số doanh nghiệp nhiều hay ít không quan trọng bằng tính hiệu quả của cả nền kinh tế”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP quý 1 ước đạt 4%, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể lên tới trên 2.200 và ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế là 9.700.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Vũ Đức Đam 
Báo cáo này cũng cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm dẫn tới tồn kho còn lớn làm thu hẹp quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Đam, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động thời gian gần đây là có thật, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô rất nhỏ, vì thế không ảnh hưởng nhiều đến lao động và việc làm, cũng như tăng trưởng của nền kinh tế.
Thực tiễn nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm qua đã hoạt động không nộp thuế. Có hiện tượng một người hoặc một doanh nghiệp lớn lập ra rất nhiều doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp đã ngưng trệ sản xuất từ trước. Tới khi Chính phủ triển khai loạt chính sách điều hành mới họ đã phải ngưng hoạt động.

“Lập doanh nghiệp mới, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể là chuyện bình thường. Hướng điều hành của Chính phủ không chỉ năm nay mà những năm tới vẫn theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Số doanh nghiệp nhiều hay ít không quan trọng bằng tính hiệu quả của cả nền kinh tế”, Bộ trưởng Đam khẳng định.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ tiền tệ, đến thuế, thủ tục hành chính. Vì vậy, Chính phủ cũng đang xem xét một số giải pháp khác ngoài tiền tệ.

Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét giải pháp giãn thuế, hoãn thuế cho doanh nghiệp, có tính đến cả các doanh nghiệp không có thu nhập phát sinh thuế để sắp tới sẽ trình Quốc hội quyết định.

Một giải pháp cụ thể khác được Bộ trưởng Vũ Đức Đam dẫn ra sắp tới có thể sẽ triển khai một số công trình giao thông xử dụng xi măng để giải quyết đầu ra và tồn kho cho các doanh nghiệp ngành này.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, ông Đam cũng cho biết, Chính phủ đã nghe dự thảo Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch Đầu tư trình.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn