Thêm nhiều ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất

Kinh tếThứ Sáu, 09/03/2012 01:15:00 +07:00

(VTC News) – Trước việc nhiều ngân hàng bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài thi nhau giảm lãi suất, một số doanh nghiệp quyết định trả nợ cũ để vay nợ mới.

(VTC News) – Trước việc nhiều ngân hàng bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài thi nhau giảm lãi suất, một số doanh nghiệp quyết định trả nợ cũ để vay nợ mới.

“Đua” giảm lãi suất

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ giảm trần lãi suất huy động xuống 13%, ngày 7/3, một số ngân hàng nước ngoài đã đưa lãi suất huy động xuống dưới mức trên.

Cụ thể, ngân hàng ANZ Việt Nam đã chính thức áp dụng biểu lãi suất mới, trong đó, mức tối đa chỉ là 13%/năm. Với các khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 12,7%.

Theo giải thích của nhân viên ngân hàng này thì việc giảm lãi suất tiền gửi là do quy định giảm lãi suất 1 điểm phần trăm của Ngân hàng Nhà nước đưa ra và cũng nói thêm là nên gửi sớm vì lãi suất tiền gửi có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, và khách hàng nếu có gửi khoản tiền lớn thì sẽ được lãnh mức lãi cao hơn, nhưng vẫn chỉ đến mức 13%.

 

Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng đã bắt đầu hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trong đó mức bình quân của đa phần các kỳ hạn là 12,8%, mức cao nhất là 13% cho các khoản tiền gửi từ 1 đến 3 tháng. Theo thông điệp phát đi từ Ngân hàng HSBC Việt Nam thì ngân hàng này cũng đang có kế hoạch giảm lãi suất huy động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.Và trong một hai ngày tới, ngân hàng sẽ công bố mức lãi suất huy động cụ thể.

Cũng trong ngày 7/3, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) công bố quyết định giảm lãi suất cho vay VND. Theo đó, mức giảm tối đa là 1%/năm đối với các khách hàng vay vốn lưu động, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và mục đích sử dụng vốn vay vào các ngành và lĩnh vực kinh tế như: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ… Theo từng điều kiện cụ thể khách hàng có thể được vay vốn với lãi suất 17%/năm.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank, cho biết trong năm 2012 sẽ dành hơn 6.000 tỷ đồng để cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn. Những cá nhân vay vốn theo đề án tín dụng nông nghiệp, nông thôn sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất 1%/năm.

 

Ngày 7/3, OceanBank cũng đã cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lâm, ngư, diêm nghiệp vay với mức lãi suất giảm 2% - 3%/năm so với lãi suất các khoản tín dụng thông thường. Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng có chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh trả góp hoặc vay bổ sung vốn lưu động. ABBank sẽ giảm ngay 1,5% lãi suất so với lãi suất ban hành của sản phẩm từng thời kỳ trong kỳ lãi đầu tiên ngay khi giải ngân đối với khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh cá thể.

Ngoài việc giảm lãi suất, ABBank cũng cho vay tối đa lên đến 80% giá trị đảm bảo, thời hạn vay tối đa 120 tháng. LienVietPostBank cũng giảm lãi suất cho vay VNĐ với mức giảm tối đa 1%/năm đối với khách hàng vay vốn lưu động, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và mục đích sử dụng vốn vay vào các ngành và lĩnh vực kinh tế như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ… Tùy điều kiện cụ thể, khách hàng có thể được vay vốn với lãi suất 17%/năm.

Chiều 8/3, Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết ngân hàng này đang dành hạn mức tín dụng lên đến 7.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đối tượng là khách hàng cá nhân và gia đình. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng 17% do Ngân hàng Nhà nước cho phép, trong năm 2012, ACB sẽ tập trung nguồn vốn để đẩy mạnh cho vay phục vụ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của các cá nhân/hộ kinh doanh/doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhu cầu về nhà để ở của khách hàng cá nhân.

 

Để thực hiện mục tiêu này, ngày 7/3, ACB đã giảm lãi suất cho vay trung bình đến 1,5%/năm so với lãi suất đang áp dụng từ đầu năm 2012.

Ngày 8/3, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố triển khai chương trình áp dụng lãi suất ưu đãi đặc biệt, thấp hơn trung bình 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường đối với các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống.

Doanh nghiệp kêu khó, trả nợ cũ để vay nợ mới

Theo ông Trịnh Văn Tuấn - Tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông, đã xuất hiện xu hướng doanh nghiệp trả nợ cũ để vay mới nhằm hưởng lãi suất thấp hơn hoặc tìm cách thương thảo lãi suất với ngân hàng.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank, cũng thừa nhận thực tế sau khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách trả nợ cũ để vay lại với lãi suất thấp hơn 1-2%/năm.

Các nữ doanh nhân lắng nghe chia sẻ của bà Quy (Ảnh: K.V) 

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Nữ Việt Nam 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức, bà Bùi thị Quy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Mía-đường-cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang) kiêm Giám đốc Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (Phú Yên) cho hay, đối với một nữ doanh nhân làm chủ 2 nhà máy đường như bà thì hiện đang gặp phải những “khó khăn dồn dập” mà một trong số đó chính là “lãi suất ngân hàng quá cao”.

“Mía là của người nông dân trồng ra, đường là của doanh nghiệp chế biến. Đây là mặt hàng do người nông dân kết hợp với doanh nghiệp làm ra. Mức lãi suất ngân hàng cao như hiện nay gây ảnh hưởng quá lớn tới người nông dân – người lao động sản xuất và doanh nghiệp chế biến. Tôi xin tha thiết đề nghị Chính phủ giải quyết gấp bằng mọi cách để doanh nghiệp được tiếp tục sản xuất, người nông dân ổn định sản xuất.

Các doanh nghiệp sản xuất đường đã trụ được bao nhiêu năm nay với mức lãi suất tương đối lớn. Tuy nhiên, hiện nay ngành đường đang bước vào giai đoạn khó khăn, giá đường hạ, không bán được trong khi doanh nghiệp không dám hạ giá mía của bà con nông dân mà vẫn phải gánh mức lãi suất cao”, bà Quy nói thêm. 

Ngoài ra, bà Quy còn tha thiết đề nghị Chính phủ cần có chính sách ưu tiên lãi suất cho các nhà máy đường để họ có vốn duy trì sản xuất.

Đồng tình với quan điểm của bà Quy, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng nếu ngân hàng ngừng cho các doanh nghiệp yếu, kém vay, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Đực mô tả bất động sản năm 2012 giống như khi người ta “gặp bão” và “vượt bão”. Nếu phải trả lãi ngân hàng quá cao và chịu chi phí điều hành quá lớn, các công ty bất động sản sẽ phải bán sản phẩm, dự án với giá rẻ, chịu lỗ để tồn tại hoặc buộc phải bán doanh nghiệp cho ngân hàng hay doanh nghiệp khác.

“Biện pháp thắt chặt tiền tệ của Chính phủ vẫn là thắt chặt, giảm lãi suất ngân hàng ở mức 1-2% chỉ là biện pháp tình thế, một phần nào đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với thị trường bất động sản, giảm lãi suất không giúp thị trường này vực dậy. Lãi suất đã tăng quá cao rồi nên việc giảm 1-2% cũng không đáng là bao. Bài toán quan trọng cho doanh nghiệp bất động sản hiện nay là cần tiền. Miễn là tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng thì lãi suất cao bao nhiêu doanh nghiệp cũng chịu được”, ông Đực nhấn mạnh.

Hiện tại, có không ít doanh nghiệp đang “hóng” mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới để họ có cơ hội khởi động lại các dự án kinh doanh của mình.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn