Đánh nhau khi điều hành bay: Kiểm soát viên bị rút bằng

Kinh tếThứ Ba, 06/03/2012 08:13:00 +07:00

(VTC News) - Thời điểm xảy ra xô xát giữa các kiểm soát không lưu có 7 chuyến bay liên quan, trong đó có một chuyên cơ.

(VTC News) - Thời điểm xảy ra xô xát giữa các kiểm soát không lưu có 7 chuyến bay liên quan, trong đó có một chuyên cơ.

>> Nhân viên không lưu đánh nhau khi đang chỉ dẫn máy bay
>> Cục Hàng không chấn chỉnh công tác điều hành bay

Liên quan đến vụ việc “Nhân viên không lưu đánh nhau khi đang chỉ dẫn máy bay” xảy ra ngày 17/1/2012 tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Đường dài - Tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC-HCM, thuộc Công ty quản lý bay miền Nam), ngay khi báo điện tử VTC News đưa tin ngày 25/2/2012, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) báo cáo sự việc. Đồng thời, ngày 29/2/2012, Cục Hàng không VN đã thành lập đoàn Thành tra để làm rõ sự việc.

Ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh hàng không

Theo kết quả của đoàn Thanh tra Cục Hàng không VN, vào thời điểm gần 12h ngày 17/1/2012, khi hai ca trực vừa chuyển giao cho nhau. Thời điểm này, do kiểm soát viên (KSV) Trần Xuân Vinh đến muộn, nên Kíp trưởng Trương Hòa Hiệp phải tiếp nhận vị trí trực điều hành tại Phân khu 2 thay KSV Vinh.

Thời điểm xảy ra sự cố trên có 7 chuyến bay liên quan, trong đó có một chuyên cơ. Ảnh chụp Trung tâm kiểm soát không lưu. Ảnh: Báo Giaothongvantai.

Tuy nhiên, khi KSV Vinh tới nhận vị trí, do hai bên bàm giao công việc không đầy đủ, dẫn đến không thống nhất phương án điều hành bay, nên có xích mích. Kíp trưởng Hiệp đã yêu cầu anh Vinh rời vị trí điều hành (trực chính tại Phân khu 2) và tiếp nhận lại vị trí này. Vì vậy, anh Vinh đã phản ứng lại và làm hỏng chuột máy tính điều khiển màn hình của vị trí EC3 (Phân khu 2), và anh Vinh đã hành hung anh Hiệp.

Vì chuột điều khiển Phân khu 2 bị hỏng, nên các KSV đã phải chuyển sang vị trí dự phòng EC2 (khết hợp giữa Phân khu 1 và Phân khu 2).

Thời điểm xảy ra sự cố trên có 7 chuyến bay liên quan, trong đó có một chuyên cơ.

Sau khi sự việc xảy ra, các bên liên quan đã làm tường trình về sự việc, ACC-HCM và Công ty quản lý bay miền Nam đã họp để rút kinh nghiệm, lập Hội đồng kỷ luật và có hình thức kỷ luật với KSV Trần Xuân Vinh.

Tuy nhiên, “Cục Hàng không Việt Nam không nhận được báo cáo của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam về sự việc cho đến thời điểm báo điện tử VTC News đưa tin”, văn bản của Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ.

Từ kết quả xác minh, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, việc Kíp trưởng Hiệp yêu cầu KSV Vinh rời vị trí và đình chỉ nhiệm vụ điều hành bay là chưa cần thiết. Công tác điều hành bay trong khu vực trách nhiệm của Phân khu 2 không bị gián đoạn, vì vẫn sử dụng được liên lạc thoại không – địa và thoại hiệp đồng, màn hình vẫn thể hiện số liệu giám sát, KSV trực phụ vẫn duy trì tài vị trí.

Theo Cục Hàng không, tuy màn hình vẫn thể hiện số liệu giám sát, nhưng do chuột điều khiển bị hỏng và KSV trực chính không thực hiện được nhiệm vụ tại Phân khu 2, nên thiết bị giám sát phục vụ điều hành bay không sử dụng được đầy đủ công năng (gián đoạn) trong khoảng 3 phút. Vì vậy, năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay sử dụng radar bị suy giảm trong thời gian trên. Đây được xác định là sự cố kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.

“Việc anh Vinh có hành vi đánh Kíp trưởng Hiệp là hành vi không thể chấp nhận, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt đối với người làm nghề KSV không lưu – một nghề yêu cầu ý thức tổ chức kỷ luật cao… Đây là hành vi vi phạm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hàng không”, Cục Hàng không Việt Nam nhận xét.

Thu hồi Giấy phép nhân viên hàng không

Để ngăn ngừa sự cố tương tự xảy ra, và tăng cường an toàn hoạt động bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty quản lý bay Việt Nam phổ biến vụ việc để làm bài học kinh nghiệm, tuyệt đối không để tái diễn các trường hợp tương tự; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên...

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp liên quan. Ảnh chụp từ đài kiểm soát không lưu. Ảnh: Báo Giaothongvantai. 

Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể lãnh đạo về trách nhiệm trong việc để xảy ra sự việc trên, khi xảy ra không báo cáo theo quy định.

Với Kíp trưởng Trương Hòa Hiệp, Tổng công ty Quản lý bay tổ chức kiểm điểm do chưa hoàn thành nhiệm vụ trong quản lý ca kíp trực, chưa tạo điều kiện cho kiểm soát viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Cục cũng chỉ đạo Phòng Quản lý hoạt động bay tiến hành thủ tục đình chỉ có thời hạn năng định Kíp trưởng, duy trì năng định HCM ACC Radar với KSV Trương Hòa Hiệp.

Với KSV Trần Xuân Vinh, Tổng công ty Quản lý bay nghiêm khắc xem xét, có hình thức kỷ luật thích đáng, và không bố trí tham gia vào dây chuyền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay do đã có hành vi vi phạm an ninh hàng không;  Thanh tra Hàng không tiến hành thủ tục xử phạt hành chính với KSV Vinh do làm hư hỏng hệ thống kỹ thuật, thiết bị bảo đảm hoạt động bay và hành hung nhân viên hàng không đang làm nhiệm vụ. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp xủ lý khác, nếu cần thiết.

Đồng thời, Phòng Quản lý hoạt động bay tiến hành các thủ tục để thu hồi Giấy phép nhân viên hàng không đối với KSV Vinh.

Ngoài ra, Cục Hàng không cũng giao Thanh tra Hàng không khẩn trương làm rõ trách nhiệm và đề xuất hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm không thực hiện báo cáo sự cố hoạt động bay trong thời gian quy định…

Cụ Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các công việc được giao, báo cáo Cục kết quả thực hiện trước ngày 10/3/2012.

Ngày 29/02/2012, Cục Hàng không Việt Nam đã ra Chỉ thị về tăng cường đảm bảo an toàn trong cung cấp dịch vụ điều hành bay, nhằm tăng cường chất lượng của dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay liên quan và không để ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngành Hàng không Việt Nam.

Theo đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị thành viên khẩn trương rà soát, kiểm tra dây chuyền cung cấp dịch vụ điều hành bay và tổ chức, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường và đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về cung cấp dịch vụ điều hành bay.

Kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện sai trái về ý thức tổ chức ký luật; kiên quyết đưa ra khỏi dây chuyền cung cấp dịch vụ điều hành bay các đối tượng không đảm bảo yêu cầu về ý thức tổ chức kỷ luật và chất lượng công tác hoặc có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...

Cục Hàng không cũng yêu cầu các Cảng vụ Hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn bảo đảm hoạt động bay; Kịp thời phát hiện các sự việc, sự cố uy hiếp hoặc tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn bảo đảm hoạt động bay và báo cáo, đề xuất phương án xử lý.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn