“5 năm nữa, máy cũng đếm không xuể tiền của Bầu Đức”

Kinh tếThứ Ba, 24/01/2012 06:17:00 +07:00

(VTC News) - Người bạn từ thuở hàn vi của ông Đoàn Nguyên Đức nhẩm tính: “5 năm nữa, máy cũng đếm không xuể tiền của Bầu Đức”.

(VTC News) - Người nói điều ấy không phải Bầu Đức. Là một người làm nhiều hơn nói, Bầu Đức không nói như vậy. Thế nhưng, người chia sẻ với chúng tôi điều ấy thậm chí còn ít nói làm nhiều hơn cả Bầu Đức. Đó là Phan Thanh Thủ - Người bạn từ thuở hàn vi của ông Đoàn Nguyên Đức.

 

Khẳng định vị thế số 1 tại "xứ sở triệu voi"

 

Nửa cuối tháng 11 năm 2011, HAGL tổ chức Lễ khởi công Dự án Cụm Công nghiệp Mía đường tại tỉnh Attapeu – Lào. Dự án có vốn đầu tư 100 triệu USD; cùng một loạt dự án được triển khai trước đó, đã nâng tổng mức đầu tư vào Lào của HAGL lên tới 1 tỷ USD.

Đoàn Nguyên Đức – Bầu Đức, cái tên mà người ta đặt cho ông kể từ ngày CLB bóng đá HAGL của ông làm mưa làm gió trên đấu trường quốc nội – Chủ tịch Tập đoàn HAGL
 

Ông Đoàn Nguyên Đức – Bầu Đức, cái tên mà người ta đặt cho ông kể từ ngày CLB bóng đá HAGL của ông làm mưa làm gió trên đấu trường quốc nội – Chủ tịch Tập đoàn HAGL cho biết: Cụm Công nghiệp Mía đường của ông thuộc diện hiện đại nhất, lớn nhất Nam Lào. Bao gồm một tổ hợp: Nhà máy đường công suất 7000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30MW, nhà máy Ethanol 30.000 tấn/năm và nhà máy phân bón công suất 50.000 tấn/năm. Theo dự kiến, khoảng tháng 9/2012 toàn bộ cụm công nghiệp này có thể đi vào hoạt động, có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm.

 

Bầu Đức cho biết, HAGL đầu tư vào Lào từ năm 2007, tập trung ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. “Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013 HAGL mới có thể thu được đồng lãi đầu tiên từ tất cả những dự án đầu tư này” – Ông Đức nói.

 

Ngoài Cụm công nghiệp mía đường nói trên, trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản HAGL có 7 mỏ sắt và đồng với tổng trữ lượng khoảng 60 triệu tấn, có khả năng đem về doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm, 17 dự án thủy điện với tổng công suất 420 MW tạo doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý là, quỹ đất để HAGL trồng cao su, cọ dầu, mía đường đã lên đến 100.000 hecta. Trong vòng 3 đến 5 năm tới, cao su có khả năng mang lại lợi nhuận khoảng 500 triệu USD cho HAGL mỗi năm, cùng với đó sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 người lao động tại Lào.

 

Đây chính là cơ sở để ông Phan Thanh Thủ - Người bạn từ thuở hàn vi của Bầu Đức – trong một phút cao hứng đã nhẩm tính: “ 5 năm nữa, máy cũng đếm không xuể tiền của Bầu Đức”.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL chỉ nói đơn giản: “Chúng tôi đã làm việc cật lực từ nhiều năm qua để HAGL có được những thành quả như ngày hôm nay. Đơn giản bởi chúng tôi không làm việc cho hết nhiệm kỳ, mà là làm việc cho tương lai 50 – 60 năm sau nữa của con cháu mình”.

 

Đầu tư nếu “ăn xổi” sẽ khó tồn tại


Chính vì cách nghĩ như vậy, việc đầu tư của HAGL sang Lào theo chia sẻ rất thật của Bầu Đức đó là ngoài việc nghĩ xem mình thu về được những gì thì các công trình viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 16 triệu USD như bệnh viện đa khoa 200 giường và trường học tại tỉnh Attapeu; cầu Sê-sụ bắc qua sông Sê-kông nối hai huyện Phu Vông và Say Sệt Thả - hai trong 5 huyện của tỉnh Attapeu hay 1.000 căn nhà tái định cư cho công nhân cao su người Lào làm việc cho tập đoàn là sự thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng và tình nghĩa giữa hai dân tộc Việt – Lào.

 

“Đầu tư những công trình như vậy, mục đích của Hoàng Anh Gia Lai không phải là để kinh doanh, mà là thực hiện trách nhiệm xã hội với nơi mình làm ăn” – Ông Đức nói.

 

Theo bầu Đức, doanh nghiệp muốn thành công khi đầu tư vào Lào, trước hết phải trường vốn, bởi người dân ở đây còn nghèo, phải có tầm nhìn xa trông rộng, phải quan tâm tới trách nhiệm xã hội của mình, nếu làm kiểu “ăn xổi”, sẽ rất khó tồn tại.

 

“Với Cụm công nghiệp mía đường, HAGL sẽ hỗ trợ người dân Lào về kỹ thuật, giống và đầu tư trang thiết bị, tôi tin tưởng rằng người dân Attapeu có thể biến những thửa ruộng xưa nay canh tác lạc hậu, giá trị thu hoạch từ 300-400 USD/hecta/năm thành những vườn mía đạt năng suất từ 100 tấn/hecta/năm trở lên và giá trị đạt 5.000-6.000 USD/hecta/năm” – Bầu Đức chia sẻ.

 

Với người dân tỉnh Attapeu, HAGL không chỉ đơn thuần là một nhà đầu tư lớn. Mà hơn thế, HAGL và “Chú Ba Đức” còn là một người bạn thân tình của người dân Lào và tỉnh Attapeu nói riêng.

 

Chứng kiến những gì HAGL đã và đang làm cho người dân tỉnh Attapeu, Phó Thủ tướng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Somsavat Lengsavat nói ngắn gọn (bằng tiếng Việt): “HAGL đã làm đúng, làm tốt những gì mình cam kết khi đầu tư tại Lào. HAGL kinh doanh không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận, mà HAGL còn đóng góp rất nhiều vào vấn đề an sinh xã hội cho người dân Lào, đóng góp một cách hết sức nhiệt tình và tràn đầy tình cảm. Đồng chí Đoàn Nguyên Đức đã nói là làm và làm rất tốt. Đây chính là hình mẫu tốt đẹp cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Lào”.

 

Câu nói ngắn gọn đó của Phó thủ tướng Lào (có lẽ) chính là cái được lớn nhất mà Hoàng Anh Gia Lai và ông Đoàn Nguyên Đức gặt hái được trên đất nước triệu voi này!

 

Giai Tuệ (Attapeu tháng 11/2011)

Bình luận
vtcnews.vn