Năm 2011, người tiêu dùng "ngợp" thông tin "gây chết"

Kinh tếThứ Ba, 13/12/2011 07:01:00 +07:00

(VTC News) - Xe máy Honda liên tục tự bốc cháy, mỳ gói có chứa chất DEHP, E 102,… là những thông tin tiêu dùng gây “ấn tượng" nhất trong năm qua.

(VTC News) - Xe máy Honda liên tục tự bốc cháy, mỳ gói có chứa chất DEHP, E 102, sữa bột bị nhiễm khuẩn,…là những thông tin tiêu dùng gây “ấn tượng” nhất trong năm qua.


1. Xe máy Honda liên tục "bỗng dưng bốc cháy"

Chưa khi nào tình trạng xe “bỗng dưng bốc cháy” lại xảy ra nhiều như những ngày gần đây. Tuy nhiên, điều đáng nói là những chiếc xe bị cháy lại cùng mang một nhãn hiệu Honda – hãng xe mà hầu hết người Việt đều muốn sở hữu bởi giá cả phải chăng, phụ tùng dễ thay thế và quan trọng hơn là tiết kiệm nhiên liệu.

Vụ cháy xảy ra mới nhất là chiều 9/12 với chiếc xe tay ga nhãn hiệu Honda Air Blade mang BKS 90H8-7458 khi lưu thông đến trước nhà số 129P đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Chủ nhân chiếc xe cho biết vừa mới mua được gần 1 năm.

 
Cách đây ít ngày, hôm 1/12, vụ nổ xe Honda Dream khiến cho chị Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1982) ở xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh bị thiệt mạng. Con gái chị là bé Khánh Vân 4 tuổi được mẹ đèo đằng sau bị bỏng nặng. Chiếc xe này cũng được gia đình chị Quỳnh mới mua cách đây chỉ 7 tháng.

Vụ nổ xe Dream được Tổng giám đốc của Honda Việt Nam thừa nhận là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và chưa từng xảy ra với Honda. Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đã vào cuộc để xác minh nguyên nhân nổ, với kết luận ban đầu không phải do cài mìn. Hiện dư luận đang tập trung vào nghi vấn chiếc xe đã bị lỗi kỹ thuật.

Trước đó, ngày 27/10, khi đang đưa con đến trường trên phố Hai Bà Trưng, đoạn trước cửa TAND TP.Hà Nội, chiếc xe máy Honda Air Blade BKS 30K 5333 của anh Nguyễn Quốc Minh, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam cũng bất ngờ bốc cháy. Chiếc xe này theo anh Minh thì mới mua được 2 năm.

Một chiếc Wave của Honda cũng bị bốc cháy trên đường Phạm Hùng hôm 16/10 vào giờ tan tầm. Cùng ngày, tại Nghệ An, một chiếc xe Honda Lead bị bốc cháy trên đường Lê Lợi, Tp. Vinh.

Thêm một chiếc Air Blade khác cháy trên đường Nguyễn Trãi, đoạn giao nhau với đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội) hôm 12/10.

Như vậy chỉ trong chưa đầy 2 tháng, ở Hà Nội đã có 4 vụ cháy xe Honda và 1 vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Bắc Ninh. Phía Honda mới chỉ lên tiếng về vụ nổ xe ở Bắc Ninh do thiệt hại về người, còn với các trường hợp khác vẫn chưa có ý kiến nào.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu xe của Honda có còn an toàn với người sử dụng nữa hay không khi liên tục có vấn đề, còn nhà xe lại không tiến hành kiểm tra hay đưa ra bất kỳ bình luận nào. Hy vọng sau một loạt các vấn đề không còn đơn giản hiện nay, phía Honda sẽ có những động thái tích cực để làm yên lòng người tiêu dùng và giữ được vị trí số 1 ở thị trường xe máy Việt Nam.

2. Gần 9.000 xe Toyota bị lỗi kỹ thuật

Hồi tháng 4/201, sự việc 8.830 xe Innova của Toyota xuất ra thị trường mắc lỗi kỹ thuật đã gây xôn xao dư luận.

Theo đại diện của Toyota, số xe này chủ yếu thuộc dòng Toyota Innova J (taxi) và Innova G được xuất bán từ năm 2006 đến tháng 10/2010. Số xe này mắc 3 lỗi kỹ thuật liên quan tới áp suất dầu phanh của xi-lanh phanh bánh sau, bu-lông bắt móc neo chân ghế bị giảm lực siết và siết bu-lông camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn.

Trước đó, kỹ sư Lê Văn Tạch, người đã công tác tại Toyota Việt Nam (TMV) hơn 8 năm, đã gửi tài liệu tới Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đề nghị vào cuộc làm rõ việc hàng chục ngàn xe Toyota Fortuner và Innova xuất bán ra thị trường không được sản xuất theo đúng thiết kế, có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, cần phải thu hồi để sửa chữa.

Theo tài liệu tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ tháng 10/2006, ông Tạch đã tìm ra nguyên nhân đầu tiên dẫn đến lỗi nghiêng xe Innova là do cánh tay đòn dưới (lower arm) và cánh tay đòn trên (uper arm) không được siết theo đúng quy định của Toyota. Sai phạm này, theo ông Tạch, có thể làm mất cân bằng xe, đặc biệt làm tăng nguy cơ lật xe khi xe vào cua với tốc độ cao.

 
Lỗi thứ hai do kỹ sư Tạch chỉ ra là lực siết 8 bolts (ê-cu) lắp chân ghế xe Innova và Fortuner vào sàn xe bị giảm dưới ngưỡng cho phép. Lỗi này, có thể làm chân ghế tuột khỏi sàn xe trong trường hợp thắng gấp hoặc gặp tai nạn, gây nguy hiểm cho người trong xe. Lỗi thứ ba được chỉ ra là tỉ lệ áp suất dầu thắng giữa bánh sau và bánh trước của xe Innova J và Fortuner vượt quá tiêu chuẩn.


Theo ông Tạch, trong tình huống khẩn cấp, lái xe phải thắng gấp thì tải trọng dồn về hai bánh trước, đuôi xe nhỏng lên làm tải trọng của cầu sau giảm. Nếu lực quán tính của xe lớn hơn lực ma sát giữa hai bánh trước với mặt đường thì hai bánh trước cũng bị trượt dẫn đến xe bị lao đi theo quán tính và mất kiểm soát.

Tuy nhiên, đại diện Toyota Việt Nam cho rằng, hậu quả của 3 lỗi này có thể gây ra tình trạng thắng xe sẽ bám hơn mức bình thường và bị rê đuôi nếu thắng khi đang chạy với tốc độ cao; tuột bu-lông, gây ra tiếng ồn; lực siết không chặt làm giảm độ bền thiết bị.

3. Hàng loạt các loại sữa bột bị nhiễm khuẩn

Năm 2011, hàng loạt các hãng sữa lớn, có tên tuổi trên thế giới đều bị phát hiện có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Hồi tháng 4/2011, ngay sau khi có thông tin về nhãn sữa Gun Gun của hãng Wakado (Nhật Bản) bị phát hiện nhiễm vi khuẩn E-coli, và sữa Maeil Dairy (Hàn Quốc) dành cho trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn tụ cầu, Bộ Y tế đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan để rà soát các cửa khẩu, kiểm tra xem loại sữa này đã có mặt tại thị trường VN hay chưa;nếu có, Bộ Y tế sẽ thu hồi khẩn cấp.

Qua báo cáo của các bộ, ngành liên quan cho thấy có sản phẩm sữa mang các nhãn trên tại thị trường nước ta nhưng không cùng sê-ri với dòng sản phẩm bị phát hiện nhiễm khuẩn.  

Tiếp đó, đến tháng 8/2011, người tiêu dùng lại một lần nữa phải lo lắng trước thông tin phát hiện vi khuẩn Bacillus Cereus gây nôn ói, tiêu chảy vượt gấp 120 mức quy định trong sữa canxi Nestlé không béo đang bị thu hồi tại Hong Kong (Trung Quốc).

Đại diện của Công ty Nestlé Việt Nam cho biết: Nestlé Việt Nam đã thực hiện kiểm tra, rà soát các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa phát hiện dòng sản phẩm bị nhiễm khuẩnnói trên tại thị trường Việt Nam.

Mới đây nhất, Nhật Bản vừa phát hiện và thu hồi hàng loạt sữa Meiji Step vì nhiễm phóng xạ, nhiều phụ huynh đang cho con uống loại sữa này rất lo lắng, song đại diện Meiji Việt Nam khẳng định hàng nhập chính thức về Việt Nam đều được kiểm tra không nhiễm phóng xạ.

Hiện Meiji tại Việt Nam phân phối 5 dòng sản phẩm: Meiji Mama, Meiji Gold 1, Meiji Gold2, Meiji Gold 3, Meiji Gold 4. Trong đó Meiji Gold 1 và 2 sản xuất đóng gói tại Nhật Bản; Meiji mama và Meiji Gold 3, 4 sản xuất đóng gói ở Australia.

Bà Phạm Thị Diễm Lan, bộ phận chăm sóc khách hàng của Meiji Việt Nam có trụ sở tại TP HCM cho biết, toàn bộ lô hàng của hãng khi xuất đi và nhập về Việt Nam đều được kiểm tra mức an toàn phóng xạ. Mẫu được gửi kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu lô hàng vào tháng 9 của Viện kết luận: "Không phát hiện thấy nhiễm phóng xạ I-131, Cs-137, Cs-134; đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn của Codex (General Standard for Contaminants and Toxin in Food anh Feed)... và theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam".

4. Sản phẩm mỳ gói có chứa chất DEHP, E 102

Trước những thông tin dồn dập về sản phẩm mì gói có chứa DEHP tại các nước Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, thanh tra sở Y tế TPHCM cho biết đã lấy mẫu mì Shin Ramen, Shin Ramyun của Hàn Quốc và một số loại khác để đi kiểm nghiệm và đang chờ kết quả.

Sở cũng đang tiếp tục kiểm tra và kiểm nghiệm các loại thực phẩm nghi nhiễm DEHP, DINP và yêu cầu các doanh nghiệp tự đi kiểm tra và báo cáo.

 
Trong khi đó, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng thuộc bộ Y tế vẫn chưa có đầy đủ danh mục các loại thực phẩm có khả năng chứa chất tạo đục để khuyến cáo người tiêu dùng.


Bà Bùi Phương Mai, người phụ trách nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty Vifon, nhận định chất tạo đục có trong mì gói có thể nằm ở phần gia vị ở dạng đã chế biến thành nước xốt sệt hoặc dạng bột khi cho vào tô mì tạo nước dùng sệt, còn phần vắt mì khô, dù hấp hay chiên, ít có khả năng có chất này.

Tuy nhiên, bà Mai cho rằng trong vắt mì lại có các thành phần khác không tốt cho sức khoẻ như chất tạo xốp, chất tạo màu, chất bảo quản… Nếu nhà sản xuất cố tình dùng không đúng loại thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ.

Một sản phẩm khác có khả năng chứa chất tạo đục nhiều hơn là bánh phở, hủ tíu. Tinh bột khi được làm chín đều có độ trong, nhìn không ngon mắt, nếu cho thêm chất tạo đục vào sẽ làm cho sản phẩm có màu trắng đục đẹp hơn. Tương tự, các loại tương ớt, tương cà cũng có thể chứa chất tạo đục và phẩm màu, chất bảo quản.

Đáng chú ý là những chất tạo màu thiên nhiên cho sắc cam, sắc đỏ như beta caroten lấy từ càrốt, lycopen trong cà chua giá rất cao nên nhà sản xuất dễ thay thế bằng màu tổng hợp giá rẻ hơn. Có những màu tổng hợp được phép dùng trong thực phẩm, có những màu tổng hợp chỉ được dùng trong công nghiệp.

Người tiêu dùng có thể phân biệt được trong quá trình sử dụng và chế biến, với loại mì khi luộc cho ra màu vàng đậm, thậm chí nếu màu vàng bám vào cả nồi, dụng cụ làm bếp thì đó là màu tổng hợp công nghiệp. Nếm nước luộc mì, tinh ý sẽ nhận ra vị chát và hơi nhẩn, dù rất nhẹ. Các loại tương ớt tương cà, sau khi ăn nếu màu bám vào răng, lưỡi thì đó cũng là màu tổng hợp không tốt cho sức khoẻ.

Trong năm 2011, các sản phẩm mỳ gói một lần nữa khiến người tiêu dùng "sốc" khi nhiều nhãn mì gói của chính Masan vẫn chứa E 102, chất mà công ty này gọi là phẩm màu độc hại nên không đưa vào sản phẩm mới Mì Tiến Vua bò cải chua.

Đại diện của Masan cho biết đây là một sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản, quốc gia đầu tiên đưa ra công nghệ sản xuất mì. Vị này còn bổ sung, Nhật đã cấm không cho sử dụng phẩm màu hóa học tổng hợp E 102 trong mì ăn liền và thực phẩm nói chung. Kèm theo phần trả lời này, Masan gửi thêm một tài liệu rất chi tiết với các dẫn chứng về sự độc hại của E 102 từ các văn bản của Nhật, Mỹ và một số quốc gia châu Âu.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, nói phẩm màu E102 là độc chất có hại cho sức khỏe là không thông tin đầy đủ.

5. Thang máy chung cư gây chết người

Năm 2011 được xem là năm có nhiều sự cố liên quan đến các chung cư nhất. Một trong những sự cố khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về chất lượng các chung cư hiện nay là ngày 21/9, tại tòa nhà CT3, khi ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1955, ở ngõ 113, phố Thụy Khuê, Hà Nội) đang di chuyển trong thang máy thì bỗng thang máy bị mất điện và đột ngột dừng lại ở lưng chừng.

Khi bảo vệ tòa nhà đến thì phát hiện thang máy đang bị treo lơ lửng giữa tầng 4 và tầng 5. Lực lượng bảo vệ đã tiến hành cạy cửa để đưa nạn nhân ra khỏi thang máy. Khi cánh cửa thang máy vừa mở, nạn nhân phải nằm sát xuống để chui ra. Trong lúc hoảng loạn, nạn nhân nhảy xuống sàn nhà tầng 4 thì bị trượt chân và thụt vào bên trong đường ống, rơi xuống tầng hầm và tử vong tại chỗ.

Chiếc thang máy hỏng từng gây chết người tại toà nhà CT3 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy - Hà Nội) lại tiếp tục... hỏng.

Tiếp đó, đến ngày 13/10, chiếc thang máy này lại một lần nữa khiến người dân phải “tim đập chân run” khi đang hoạt động có những tiếng kêu bất thường.

Người dân cho rằng chất lượng thang máy ngay từ ban đầu có vấn đề nên cần phải nhờ cơ quan độc lập tái kiểm định lại.

Ngoài ra, người dân cũng mong muốn được lắp camera trong thang máy; chỉnh trang lại khoang thang máy; công khai minh bạch hồ sơ thang máy cho người dân…

Bên cạnh đó, năm 2011 cũng là năm người dân sống ở các chung cư phải kiện chủ đầu tư nhiều nhất khi mức thu phí cao hơn so với quy định, không gian chung bị chủ đầu tư chiếm dụng, cơi nới không phép,..

Một số chung cư “tai tiếng” nhất năm qua có thể kể đến như Keangnam, chung cư 93 Lò Đúc, CT2 Mễ Trì Thượng,…


PV (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn