Sẽ cho phá sản doanh nghiệp nhà nước lỗ kéo dài

Kinh tếThứ Sáu, 09/12/2011 08:04:00 +07:00

Theo Ban chỉ đạo đổi mới DNNN, hiệu quả hoạt động DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ, thất thoát nguồn lực còn lớn.

Theo Ban chỉ đạo đổi mới DNNN, hiệu quả hoạt động DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ, thất thoát nguồn lực còn lớn.

Ngày 8/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hai Phó Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Sau 2015 cổ phần hóa 27 tập đoàn, tổng công ty lớn

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết, 10 năm qua, cả nước đã sắp xếp được 4.757 DN, trong đó cổ phần hoá 3.388 DN. Đến tháng 10- 2011, cả nước còn 1.309 DN 100% vốn Nhà nước. Trong đó, có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại. Các DN này sẽ tiếp tục được phân loại và cơ cấu lại từ nay đến 2015.

Doanh nghiệp Nhà nước sẽ được sắp xếp để phát triển lành mạnh, hiệu quả ( trong ảnh công nhân Tập đoàn Dầu khí VN trên giàn khoan Bạch Hổ ). Ảnh: H.T.  
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện để từ năm 2015 đến 2020 cổ phần hóa 27 tập đoàn, tổng công ty. Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ cổ phần chi phối (trên 65% hoặc trên 75%) vốn điều lệ tại 9 tập đoàn: Dầu khí, Than- Khoáng sản, Điện lực, Cao su, Bưu chính- Viễn thông, Hóa chất, Tàu thủy, Xây dựng, Đầu tư phát triển nhà - đô thị và 2 tổng công ty là Hàng hải và Cà phê. Nhà nước sẽ không giữ cổ phần chi phối tại 16 tổng công ty khác.

Như vậy, đến năm 2020, sẽ chỉ còn lại 17 tập đoàn, tổng công ty và 200 DN khác do Nhà nước giữ 100% vốn. Phần lớn các đơn vị này đều hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích.

Kiên quyết phá sản DN thua lỗ kéo dài

Theo ông Phạm Viết Muôn, phần lớn các DNNN đều hoạt động tốt hơn sau khi sắp xếp, đổi mới. Số DN thua lỗ giảm nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DNNN vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ. Chưa tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích. Sự lãng phí, thất thoát nguồn lực còn lớn.

Về định hướng, Chính phủ xác định tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ kinh doanh những ngành chính và những ngành có liên quan phục vụ trực tiếp cho phát triển. Hoàn thành thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản trước năm 2015.

Kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan ở những tập đoàn, tổng công ty đang có khó khăn về tài chính.

Mô hình thuê tổng giám đốc chưa thành công

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng, nhiều DN còn lúng túng khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Đặc biệt, việc thí điểm HĐQT thuê tổng giám đốc gặp khó khăn do nhà nước chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn, trả lương cho tổng giám đốc thuê.

Bộ GTVT đã thực hiện thí điểm mô hình HĐQT, HĐTV ký hợp đồng thuê tổng giám đốc tại 3 đơn vị: Tổng Cty Công nghiệp Ô tô VN, Cty Vận tải đa phương thức, Cty XNK và hợp tác đầu tư GTVT. Tuy nhiên, việc thực hiện thí điểm tại đơn vị có quy mô lớn là Tổng Cty Công nghiệp Ô tô VN chưa thành công. Nguyên nhân do, tổng giám đốc là người HĐQT thuê, trong khi phó tổng giám đốc, kế toán trưởng là HĐQT bổ nhiệm gây khó khăn cho tổng giám đốc khi chỉ đạo, điều hành công việc.

Thêm nữa, tổng giám đốc điều hành không phải là ủy viên HĐQT, trong khi phó tổng giám đốc, giám đốc công ty thành viên lại là ủy viên HĐQT, từ đó nảy sinh vướng mắc trong điều hành, triển khai nghị quyết của HĐQT.

Tổng giám đốc thuê hưởng lương, thưởng, phụ cấp theo hợp đồng còn các lãnh đạo khác hưởng theo quy định nhà nước, thu nhập thấp hơn nhiều lần so với tổng giám đốc, gây tâm lý so sánh, ỷ lại. Mối quan hệ giữa sự điều hành của tổng giám đốc thuê và vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự tham gia của công đoàn khi giải quyết các vấn đề về chính sách, xã hội cũng chưa được xác định rõ.

Trong thực tế, tổng giám đốc thuê vẫn thực hiện quyền và trách nhiệm theo Luật DN nhà nước nên không có bước đột phá. Tổng giám đốc thuê vẫn phải tuân theo các quy định, chuẩn mực như tổng giám đốc được bổ nhiệm.

Do vậy, sau hơn 9 tháng làm việc theo hợp đồng, Tổng giám đốc do HĐQT Tổng Cty Công nghiệp Ôtô VN thuê, đã có đơn xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và được chấp nhận.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm của Đảng, nhà nước khẳng định: Phải tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Đổi mới, tái cơ cấu không phải xoá bỏ DNNN mà tái cơ cấu để DNNN làm tốt hơn vai trò của mình, là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất để nhà nước điều hành nền kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng yêu cầu, từng bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty phải có phương án sắp xếp, đổi mới cụ thể. Lĩnh vực đầu tư ngoài ngành phải có phương án rút vốn về. Trong 103 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại cần xác định rõ doanh nghiệp nào nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, đi liền với đổi mới cơ chế, công tác cán bộ; doanh nghiệp nào cần cổ phần hoá thì tiến hành và phân ra hai loại: doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối từ 65% vốn trở lên và 51% trở lên. Còn lại những doanh nghiệp khác nên thoái vốn để có nguồn lực đầu tư.

Thủ tướng cũng yêu cầu kiện toàn lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Đảm bảo đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trong DNNN có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và nghiêm túc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên quan tái cấu trúc DNNN ngay sau khi Đề án này được phê duyệt vào thời gian tới.

Hà Nhân/ Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn