VietJetAir tham vọng "thống trị" hàng không giá rẻ Việt

Kinh tếThứ Sáu, 09/12/2011 06:37:00 +07:00

(VTC News) - “Nếu cứ nhìn thấy thất bại thì không ai dám làm. VietJet chọn khai thác lĩnh vực hàng không giá rẻ, đây chính là một ưu thế và thế mạnh”.

(VTC News) - “Nếu cứ nhìn thấy thất bại thì không ai dám làm. VietJet chọn khai thác lĩnh vực hàng không giá rẻ, đây chính là một ưu thế và thế mạnh”, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJetAir) trao đổi với phóng viên VTC News.

Ngày 25/12 tới đây, chiếc máy bay đầu tiên của VietJet sẽ chính thức cất cánh trên bầu trời Việt Nam.

Muốn rẻ thì phải tiết kiệm

- Thời gian qua, hàng không giá rẻ chưa thực sự chiếm được cảm tình của khách hàng, vậy VietJet có mạo hiểm khi vẫn lựa chọn mô hình này?

- Mô hình hàng không giá rẻ du nhập vào Việt Nam nhưng không trọn vẹn, một hãng hàng không giá rẻ đã sử dụng một số tàu bay cũ có làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyến bay.

Cụ thể, trong vé của mỗi hãng hàng không được cấu thành nên bởi nhiều chi phí khác nhau. Trong đó, chi phí cố định chiếm 75% gồm: chi phí thuê máy bay (khoảng 16%), kĩ thuật bảo dưỡng thì cùng một tiêu chuẩn (khoảng 14%) và yếu tố nhiên liệu (khoảng 45%). Chi phí này là chi phí bắt buộc và như nhau đối với tất cả các hãng máy bay.

Như vậy, giá rẻ hay không rẻ phụ thuộc vào 25% chi phí còn lại ở các khâu: nhân lực, phục vụ mặt đất, dịch vụ trên không, chi phí quảng cáo, văn phòng, đại lý,…

Như chị (PV) thấy đấy, văn phòng của chúng tôi rất giản dị và hơi chật chội nữa. Văn phòng ở Sài Gòn cũng vậy, thậm chí các lãnh đạo và nhân viên đều ngồi chung một mặt bằng, chứ không có phòng riêng.

Nói chung, muốn giá vé máy bay đến tay khách hàng có thể rẻ, thì chúng tôi phải tiết kiệm mọi chi phí.

Đại lý bán vé của VietJet. Ảnh: N.Y 
Chúng tôi tin rằng, khi VietJet bay sẽ làm thay đổi những suy nghĩ của khách hàng Việt Nam đối với hàng không giá rẻ. Trên thế giới, hàng không giá rẻ rất phổ biến và thành công, nhiều doanh nhân giàu có, chính trị gia, người nổi tiếng,…cũng lựa chọn hàng không giá rẻ làm phương tiện di chuyển chính.

Hàng không giá rẻ phục vụ cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội và làm cho mọi người xích lại gần nhau khi ngồi cùng nhau, bình đằng cùng 1 hạng ghế trên những chuyến bay.

- Nhiều hàng hàng không đi vào khai thác nhưng đã bị thua lỗ. Vậy VietJet có sợ đi vào “vết xe đổ” của các hãng này?

- Chúng tôi đã có những kế hoạch rất căn cơ và chuẩn bị nguồn lực tài chính cho kế hoạch 5 năm. Mục tiêu của chúng tôi những năm đầu là tập trung là cho chất lượng phục vụ, đảm bảo lịch bay ổn định và đúng giờ.

Chúng tôi xác định rất rõ là những năm đầu chưa thể có thu nhập, nhưng chúng tôi cũng đã có kế hoạch dần dần cân đối giữa doanh thu và chi phí và tiến tới có lãi trong những năm sau.

Hơn nữa, điểm khác biệt của VietJet với các hãng hàng không giá rẻ khác là VietJet xây dựng hãng hàng không thế hệ mới, giá trị cốt lõi được xác định là: “an toàn, thân thiện, vui vẻ, đúng giờ, giá rẻ”. Tức là, chúng tôi hướng đến một dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất, còn giá rẻ đứng ở vị trí sau cùng.

Nếu thấy thất bại thì không ai dám làm

- Hà Nội – TP.HCM là tuyến đã được nhiều hãng hàng không khai thác, trong khi nhiều đường bay khác lại vẫn bỏ trống, vậy thế mạnh cạnh tranh của hãng là gì khi vẫn tập trung vào những “đường bay vàng” này?

- Ban đầu, VietJet mới chỉ có 3 máy bay, vì vậy, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng tuyến Hà Nội – TP.HCM, nhưng sẽ sớm mở ra các đường bay khác.

Chúng tôi chủ trương mở ra cơ hội cho những người chưa từng được đi máy bay, cho nên hãng sẽ xem xét bay tới tất cả những điểm mà máy bay A – 320 của chúng tôi có thể hạ cánh.


- Hiện nay Vietnam Airline đang là hãng máy bay chiếm thị phần lớn trên thị trường hàng không của Việt Nam, trên 90%. Vậy là một hãng máy bay mới và thị phần bay không nhiều, vậy chiến lược của VietJet là gì?

- Các công ty lớn thường có nhiều ưu đãi hơn, có ưu thế về cả mặt thương mại. Nhưng điều đó không có nghĩa là các hãng hàng không nhỏ sẽ không ra đời.

Trên thế giới, đã có rất nhiều hãng hàng không lớn, nhưng các hãng nhỏ vẫn ra đời và sau một thời gian hoạt động đã rất thành công. Chứ nếu cứ nhìn thấy thất bại thì không ai dám làm.

VietJet chọn khai thác lĩnh vực hàng không giá rẻ, đây chính là một ưu thế và thế mạnh. Nhưng hàng không giá rẻ của VietJet sẽ có nhiều cải tiến về dịch vụ chăm sóc khách hàng, giúp khách hàng cảm thấy thoải mái nhất khi cất cánh.

Phát huy nội lực

- Tháng 10/2011, Tập đoàn hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á - Air Asia - chính thức phát đi thông tin rút khỏi kế hoạch liên doanh với hãng hàng không tư nhân của Việt Nam VietJet Air. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này  không chỉ làm cho VietJetAir bị “hụt” đi một nguồn tài chính, mà hãng còn mất đi cơ hội tận dụng những kinh nghiệm khai thác của hãng hàng không đã có nhiều năm hoạt động. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Các nhà đầu tư nước ngoài đều có những mục tiêu chiến lược. Khi các mục đích không đạt được thì việc Air Asia rút vốn cũng là bình thường. Chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc AirAsia rút vốn.

Chúng tôi có những nhà tư vấn quốc tế và các chuyên gia nước ngoài rất tốt để thay thế cho việc hỗ trợ kỹ thuật của Air Asia. Và thực tế, chúng tôi vẫn bay mà không có Air Asia đấy thôi.

- Thời gian tới, hãng có định tìm kiếm đối tác để liên kết không?

- Liên  kết hợp tác là cần thiết trong hàng không. Nhưng đầu tư nước ngoài vào công ty thì chúng tôi chưa tính tới. Trước mắt, chúng tôi sử dụng tư vấn, chuyên gia nước ngoài và phát huy nội lực.

- VietJet khi nào sẽ thực hiện bay quốc tế?

- Chủ trương của chúng tôi là sẽ sớm bay tới các nước trong khu vực nhằm tăng cường giao thương và thu hút thêm khách du lịch, nhà đầu tư tới Việt Nam.

- Kế hoạch sẽ sử dụng 100% nhân viên là người Việt Nam đến nay của hãng đến nay đã được triển khai như thế nào rồi, thưa ông?

- Không thể ngay lập tức sử dụng 100% cán bộ người Việt, nhất là phi công và chuyên gia kỹ thuật, nhưng chúng tôi đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Chúng tôi tự tin rằng, những công việc mà người nước ngoài làm được thì người Việt Nam mình cũng sẽ học đựơc, làm được và làm tốt.

Xin cảm ơn ông!

 Là hãng hàng không tư nhân thứ 4, đồng thời là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, VietJetAir được cấp phép vào tháng 12/2007 với số vốn ban đầu là 600 tỷ đồng. Đây cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được phép khai thác cả tuyến bay nội địa và quốc tế.

Châu Anh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn