Lật tẩy thêm chiêu "móc túi" của nhân viên bán xăng

Kinh tếThứ Năm, 01/12/2011 07:44:00 +07:00

Không cần dùng con chip điện tử, mà lợi dụng sự chủ quan, thiếu cảnh giác của khách hàng, nhiều nhân viên ở các cây xăng tại dễ dàng gian lận để “móc túi" khách

Không cần dùng con chip điện tử, mà lợi dụng sự chủ quan, thiếu cảnh giác của khách hàng, nhiều nhân viên ở các cây xăng tại TP.HCM dễ dàng gian lận để “móc túi” khách hàng một cách trắng trợn.

Mỗi ngày có hàng trăm nghìn lượt người mua xăng bị nhân viên các cây xăng ngang nhiên “diễn” để lấy tiền bằng những chiêu thức hết sức đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả như đứng che chắn khuất tầm nhìn của khách hàng để qua mặt khi bấm số tiền trên đồng hồ điện tử thấp hơn số tiền của khách đổ xăng. Số tiền chêch lệch bỏ vào túi riêng này thường từ 5-10 nghìn đến vài ba chục nghìn đồng/khách hàng.

Có mặt chứng kiến và ghi nhận tại một số cây xăng trên QL.1A, thuộc địa bàn quận 12 và quận Bình Tân, vô số khách hàng tấp xe vào đổ xăng mà chẳng hề phát hiện mình đang bị các nhân viên bơm xăng nơi đây qua mặt khi đong xăng.

Lợi dụng lúc khách hàng mất cảnh giác, các nhân viên cây xăng vô tư thao tác để xóa dử liệu cột bơm nhằm móc túi khách hàng. 

Điển hình như trường hợp của một nữ sinh dừng xe máy ngay phía trước của một trụ bơm xăng và đổ 60.000 đồng nhưng nhân viên nam ở đây không sử dụng trụ bơm cạnh chiếc xe máy (mặc dù trụ bơm này không có nhân viên nào sử dụng) mà đi lại trụ bơm khác cách đó chừng chục mét để bấm số hiển thị trên đồng hồ chỉ có 45.000 đồng.

Khi nữ sinh đang loay hoay mở ví lấy tiền cũng là lúc một nhân viên này chạy nhanh đến trụ bơm bấm vội số tiền hiển thị trên đồng hồ điện tử cho khách hàng tiếp theo nhằm xóa số tiền hiển thị ban đầu.

Hành vi gian dối này cứ lặp đi, lặp lại để qua mặt khách hàng, số tiền công khai “lừa đảo” thu lợi bất chính của các nhân viên bơm xăng ở đây bình quân không dưới 1 triệu đồng/ngày.

Theo thứ tự là người chờ đợi thứ năm để bơm xăng cũng đã đến lượt, tôi hô to: “Đổ 50.000 đồng”. Cũng xài cái chiêu cũ, nhân viên không dùng vòi bơm của trụ xăng cạnh xe máy tôi mà đi lại phía xa, ở vị trí khuất ánh sáng sử dụng trụ xăng khác để bơm. Giả vờ lúi húi với chiếc ba lô như chẳng hề để ý, khi vòi bơm xăng dừng lại cũng là lúc tôi chạy sang liếc mắt nhìn lên đồng hồ điện tử chỉ hiển thị có 40.000 đồng.

“Bơm xăng cái kiểu gì kỳ vậy, đổ 50 nghìn mà bấm có 40 chục nghìn sao?” - tôi hỏi. Nhân viên nam vẻ mặt cáu gắt đáp nhanh: “Bấm lộn, trả lại 10 nghìn đồng còn ý kiến, ý cò gì nữa”. Với “chiêu” này khách hàng rất khó “bắt” nhân viên vì mỗi khi có phản ứng của “thượng đế” thì các nhân viên chỉ trả lời là “bấm nhầm” rồi hoàn tiền lại.

Anh Lê Bá Ân, nhân viên kinh doanh một công ty ở quận Gò Vấp bức xúc nói: “Trước kia không cẩn thận bị lừa đong thiếu xăng như ăn cơm bữa nên giờ nhiều kinh nghiệm lắm, khi đổ xăng là hai mắt tôi cứ chăm chú nhìn kỹ từng thao tác của nhân viên, đồng thời phải luôn dõi theo hoạt động của đồng hồ điện tử nữa. Cảnh giác như vậy mới hạn chế được những chiêu “phù phép” ăn chặn chiếm đoạt tiền khách hàng công khai”.

Thời điểm tấp nập khách hàng dừng đổ xăng nhất cũng là lúc các nhân viên bơm xăng ở đây tha hồ phối hợp nhau để gian lận móc tiền khách. Những khách hàng chủ quan, không kiểm soát đồng hồ điện tử ở trụ bơm, hay đứng quá xa, hoặc bị nhân viên che khuất tầm nhìn nên sẽ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.

Hải Thọ - Lữ Nguyễn/lao động

Bình luận
vtcnews.vn