Độc quyền vàng liệu có nhập nhằng như điện, xăng?

Kinh tếThứ Hai, 28/11/2011 09:49:00 +07:00

Sẽ chỉ còn một thương hiệu vàng quốc gia duy nhất là SJC. Thị trường vàng thời gian tới sẽ hết cảnh "trăm người bán" như thời gian qua.

Sẽ chỉ còn một thương hiệu vàng quốc gia duy nhất là SJC. Thị trường vàng thời gian tới sẽ hết cảnh "trăm người bán" như thời gian qua.

Thừa nhận thị trường vàng thời gian qua nhiều bất ổn, trong phiên đăng đàn trước Quốc hội ngày 25/11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, sắp tới SJC sẽ là thương hiệu vàng duy nhất của quốc gia. “Thỏi vàng 2 đầu, đầu bên này là NHNN quản lý, đầu bên kia là Bộ Công thương quản lý vì vàng được coi là hàng hóa bình thường”, ông Bình ví von.

Các thương hiệu vàng không phải SJC sẽ "khai tử" thời gian tới.  

Trước đó, theo luật thì NHNN quản lý vàng, nhưng văn bản dưới luật thì lại phân quản lý vàng thành nhiều khúc, trong đó NHNN chỉ quản lý xuất nhập khẩu vàng, còn các khâu sau thì vàng được coi như hàng hóa và lưu thông bình thường.

Vì thế, NHNN đã xây dựng nghị định về sản xuất kinh doanh vàng. Tới đây khi hoàn thiện, NHNN sẽ trình ra Quốc hội. Về nguyên tắc, siết chặt lại hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng theo hướng nhà nước giữ vị trí độc quyền.

Trước thông điệp kiên quyết của thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông Nguyễn Công Danh – một chuyên gia về vàng cho rằng, đây là một quyết định hợp lý của Ngân hàng Nhà nước, vì vàng là tài sản, là tiền nên giữ vàng là giữ tài sản, không nhất thiết phải quan niệm là giữ vàng thương hiệu nào, vì khi quy đổi đều cho giá trị như nhau. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua còn rất nhiều bất cập, nên cần động thái quyết liệt để siết lại thị trường này.

Ông Danh cho rằng, sau tuyên bố quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng phải có động thái bằng những hành động cụ thể hơn để điều tiết thị trường, chống vàng hóa. "Giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá thế giới, vàng tiêu thụ trong nước tới 70% là nhập khẩu, do đó khi có một thương hiệu vàng miếng duy nhất có chăng là sẽ giảm mức chênh giữa giá trong nước và thế giới đang quá xa nhau", ông nói.

Để không dẫn tới tình trạng bát nháo ở thị trường vàng, chuyên gia này lưu ý, Ngân hàng Nhà nước phải minh bạch, công khai về giá và có biện pháp quản lý chặt chẽ. Nếu không sẽ dẫn tới sự độc quyền và nhiều khuất tất không minh bạch như giá điện, xăng dầu... lúc đó sẽ cực kỳ nguy hiểm cho thị trường.

Đề xuất ông Danh đưa ra là Ngân hàng Nhà nước có thể thành lập một Cục kho quỹ trực thuộc cơ quan này, phát hành tín phiếu bằng vàng để quản lý khâu kinh doanh mặt hàng này. Còn riêng khâu sản xuất thì bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải quản, kiểm soát chặt chẽ. Nếu để SJC độc lập sản xuất thì sẽ tạo ra cơ chế nhập nhằng.

"Phải rạch ròi khâu sản xuất, phân phối và khâu kinh doanh vàng, đồng thời không để SJC là người trực tiếp sản xuất mà chỉ đóng vai trò là nhà gia công cho Ngân hàng Nhà nước... như thế mới tránh được sự độc quyền không đáng có" – ông Danh nói.

Phản ứng trước tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC ngày cuối tuần (26/11) tăng nhẹ sau tuyên bố vàng SJC sẽ là thương hiệu vàng miếng quốc gia của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình một ngày trước đó.

Chốt phiên giao dịch sáng 26/11, giá vàng SJC ở mức 44,47 – 44,67 triệu đồng/lượng, tăng thêm 120.000 đồng/lượng ở mỗi chiều mua bán.

Trong khi đó, giá một số thương hiệu vàng miếng khác ngoài SJC như vàng Rồng Thăng Long, vàng AAA... vẫn "cố trụ" mức giá bán so với cuối giờ chiều qua. Cụ thể: vàng rồng Thăng Long ở mức 44 - 44,25 triệu đồng/lượng; vàng AAA là 43,65 - 44,1 triệu đồng/lượng; vàng miếng Thần Tài của Sacombank-SBJ ở mức 44,1 – 44,5 triệu đồng/lượng. Thống kê của toàn hệ thống Sacombank – SBJ cho thấy, sau tuyên bố của Thống đốc, lượng tiêu thụ của thương hiệu này chỉ khoảng 1.500 lượng.

Trường Giang/infoner

Bình luận
vtcnews.vn