Thày giáo 8X: “Tay chơi” xe cổ độc có 1-0-2

Kinh tếThứ Năm, 17/11/2011 11:24:00 +07:00

Hình ảnh một thầy giáo trẻ “cưỡi” xế cổ tiếng bô nổ giòn tan đến trường dạy học mỗi sớm đã trở thành một hình ảnh độc đáo quen thuộc ...

Với người dân sống quanh khu vực nói chung và những sinh viên trường ĐH Lương Thế Vinh ở Nam Định nói riêng, hình ảnh một thầy giáo trẻ “cưỡi” xế cổ tiếng bô nổ giòn tan đến trường dạy học mỗi sớm đã trở thành một hình ảnh độc đáo quen thuộc.

Thầy giáo 8X và niềm đam mê xế cổ

Vốn được nghe nhiều người bạn nhắc đến một “tay chơi” xe cổ cực độc ở chốn Thành Nam, tôi cũng lấy làm hứng thú. Nay nhân có dịp đi qua TP Nam Định, tôi đã nhờ người dân ở đây chỉ đường, và cũng chẳng khó khăn gì để tìm được nơi cư ngụ của bộ sưu tập xe cổ cực kỳ “khủng” này.

Thầy giáo 8X bên chiếc xe sidecar độc của mình  
Chủ nhân của bộ sưu tập xế cổ được giới chơi xe ngưỡng mộ ao ước lại là một người rất trẻ, anh là Mai Duy Tuân, SN 1981, đặc biệt, anh Tuân còn là một giáo viên của trường Đại học Lương Thế Vinh. Tiếp đón tôi, anh Tuân rất sảng khoái và cởi mở tạo điều kiện cho tôi được thưởng thức bộ sưu tập xe cổ của mình một cách tốt nhất.

Khác với những người chơi xe khác, họ thường cất giữ những chiếc xe “độc” của mình kỹ càng, cẩn thận, anh Tuân thì ngược lại, những chiếc xế cổ lại được anh trưng diện ngay tại quán cà phê do anh mở ra có tên là “Newland”, nhưng mọi người vẫn quen gọi bằng cái tên dễ nhớ “cà phê xe cổ’.

Cách bố trí xế cổ độc đáo trong quán cà phê của anh "tay chơi" xế cổ Thành Nam  
Nếu nhìn từ bên ngoài, có thể mọi người đều thấy quán cà phê của thầy giáo 8X này cũng mang vẻ đẹp hay màu sắc tương tự như những quán cà phê khác, nhưng khi bước vào không gian bên trong mới thực sự nhận ra sự khác biệt độc đáo đến kỳ thú. Những chiếc xe cổ được anh Tuân bày biện hợp lý khắp từ lối đi đến các góc nhỏ xung quanh các bàn uống cà phê. Một số xe được anh ròng dây thừng treo dọc theo các mạn tường tạo nên một vẻ đẹp cuốn hút kỳ lạ.

Khi được hỏi về cơ duyên nào đã đưa anh đến với cái thú đam mê xe cổ, anh Tuân vui vẻ cho tôi hay: “Ngày anh còn bé, cả ông và bố đều đi những chiếc xe động cơ hai kỳ như Simpson, S21. Bởi vậy, anh đã quá quen thuộc với những chiếc xe chạy máy hai kỳ, đặc biệt là tiếng nổ giòn, khỏe đặc trưng của loại động cơ này.

Mỗi chiếc xe với anh Tuân là gắn với một kỷ niệm, một đoạn đường để nhớ  
Thời bấy giờ, việc sở hữu được những chiếc xe này cũng không phải là một điều dễ dàng, ít gia đình có, thế nên, mỗi lần được bố hay ông cho đi chơi trên xe máy, anh Tuân rất hãnh diện và dần dần anh cũng yêu quý những chiếc xe đó từ bao giờ không biết”.

Cái thú chơi xe cổ này cũng đòi hỏi lắm công sức, anh Tuân vẫn còn nhớ như in về những chiếc xe đầu tiên mình sưu tập thuộc dòng xe ETZ 150 và ETZ 251. Để có được hai chiếc xe này, anh Tuân đã phải lặn lội, lần mò khắp Nam Định, sau tình cờ biết được chủ nhân hai chiếc là một bác cán bộ về hưu ở Hải Hậu (Nam Định), anh Tuân tìm đến hỏi mua nhưng không được. Dù bị từ chối nhưng vì thích mấy chiếc xe đó quá, anh Tuân vẫn thường xuyên xuống chơi và thăm xe cho đỡ “nhớ” lâu dần thành ra thân thiết, bác chủ xe thấy anh yêu xe cổ quá nên cũng “mở lòng” bán lại cho anh sưu tầm, chứ phải người khác có hô hàng trăm triệu chưa chắc đã mua được.

Để có được bộ sưu tập xế cổ như hiện tại là cả một kì công, và mỗi chiếc xe đến tay anh Tuân lại gắn với những kỷ niệm, những đoạn đường khác nhau. Anh Tuân đã phải đi khắp Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…rồi lên tận Hà Giang, vào Sài Gòn để “săn xe”. Cứ nghe thấy ở đâu có người sở hữu xe cổ là anh tìm đến tận nơi, hỏi mua lại hoặc đổi cho bằng được. Nhiều xe anh Tuân phải tìm tới những cơ sở đồng nát phết liệu, rồi xin mua lại, sau đó mang về phục chế.

Những chiếc xế cổ được anh Tuân dùng làm phương tiện đi dạy học  
Đến giờ, anh Tuân có khoảng hơn 30 xe các loại, với đủ các dòng xe như: Suzuki A92 đời 1965, Honda 67, Solex, Java, Peugeot, MZ… Nhiều nhất là những loại xe Honda của Nhật, rồi cả những chiếc xe máy Trường Giang của Trung Quốc. Ước mong sau này của thầy giáo mê xế cổ là anh sẽ sưu tập đủ loại xe mà anh yêu thích và mở một phòng trưng bày xe cổ.

"Cưỡi" xe cổ đi dạy học

Với những người dân sinh sống quanh khu vực nói chung và những cô cậu sinh viên tại trường Đại học Lương Thế vinh ở TP Nam Định nói riêng, có lẽ, hình ảnh một thầy giáo trẻ “cưỡi” xế cổ tiếng bô nổ giòn tan đến trường dạy học mỗi buổi sớm đã trở thành một hình ảnh độc đáo quen thuộc.

Do đam mê xe cổ nên phương tiện đi lại của anh Tuân cũng chính là những chiếc xe thân yêu này, vì có nhiều xe, lại không thể để xe “nguội máy” lâu, nên mỗi ngày, anh Tuân thường luân phiên dùng các chiếc xe cổ của mình để đi tới trường dạy học.

Ngoài những chiếc xe đã phục chế, còn nhiều chiếc chưa kiếm được đồ để "độ" lại nguyên bản  

Anh Tuân tâm sự: “Thực ra thì mình biết việc đi xế cổ đến trường học cũng có vẻ gì đó hơi “ngông” chút, thế nhưng, đó là niềm đam mê nên cũng khó từ bỏ. Mỗi lần đi vào trường là các em sinh viên tò mò lại xúm đông xúm đỏ vào sờ nắn, rồi trèo lên chụp ảnh, nghịch ngợm suốt”.

Vì việc cưỡi xế cổ đến trường này nên ở trường anh Tuân được các học trò và đồng nghiệp đặt cho biệt danh hết sức độc đáo “thầy giáo xế cổ”. Anh Tuân chia sẻ một điều thú vị là cũng vì cái biệt danh này mà ngôi trường anh đang dạy rất dễ nhận biết, nhiều người khi nói đến trường không nói tên mà cứ nói cái trường có ông thầy giáo hay đi xe cổ ấy, là mọi người tự hiểu đó là trường Đại học Lương Thế Vinh.

Những chiếc xế cổ này hiện giờ cực kỳ khó kiếm  
Anh Tuân thích chơi xe ở dạng nguyên bản, nên khâu phục chế rất kì công. Xe thường được mang đến sửa, phục chế, bảo dưỡng định kì ở chỗ một người thợ quen được tin tưởng. Nhiều xe phục chế quá khó, anh Tuân lại phải mang đi nhờ thợ ở Hà Nội, thậm chí cho xe vào tận Sài Gòn. Có những chiếc xe chưa được phục chế nguyên mẫu vẫn đang phải để trong tình trạng nằm chờ những phụ tùng khan hiếm còn thiếu.

Khi tôi hỏi anh Tuân liệu có thu được gì từ thú chơi ‘hao tiền, tốn của' này không, anh Tuân cười vui chia sẻ: “Đã sưu tập xe cổ, chẳng nên tính đến chuyện tiền bạc, công sức mình phải bỏ ra, cái chính là niềm đam mê được thỏa mãn.

Thú chơi xe, sưu tầm xe cổ cho anh thêm rất nhiều hiểu biết về cuộc sống và anh có thêm rất nhiều những người bạn có cùng đam mê. Mỗi cung đường, mỗi chuyến đi là những người bạn mới, những tình cảm gắn bó đặc biệt. Quán café của anh Tuân trở thành nơi gặp gỡ, sinh hoạt hàng tuần, điểm đến của những người mê xe ở Nam Định.

Tiễn tôi ra về, anh Tuân nói rằng lần sau trở lại, có lẽ quán của anh sẽ còn nhiều xế cổ hơn nữa, bởi lẽ, anh đang tiếp tục đi “tầm xe” để thực hiện biến quán cà phê xế cổ trở thành một gian trưng bày những chiếc xe cổ và những kỷ vật xưa cũ, lưu lại một nét giá trị văn hóa độc đáo vừa lạ vừa quen từ vài chục năm về trước.

Kinh Vân /Bưu điện Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn