Sẽ phạt tiền tỉ đối với hành vi gian lận xăng dầu

Kinh tếThứ Hai, 31/10/2011 12:47:00 +07:00

(VTC News) - Hành vi gian lận xăng dầu của các cây xăng nếu bị phát hiện sẽ có thể phạt tiền lên đến hàng tỉ đồng.

(VTC News) -  Hành vi gian lận xăng dầu của các cây xăng nếu bị phát hiện sẽ có thể phạt tiền lên đến hàng tỉ đồng.

 

Nhằm “dọn dẹp” sạch những hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu hiện nay, Tổng cục Đo lường đang có dự thảo trình Quốc hội kỳ này đề nghị cần tăng mức phạt lên đến hàng tỉ đồng và tổ chức công tác kiểm tra “bí mật” trong.  

 

Nhiều chiêu “ăn xăng” tinh vi

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thủ đoạn của các chủ cây xăng dầu gian lận thường là tự ý tháo niêm chì của đơn vị Đo lường để điều chỉnh. Cụ thể, gắn thêm bo mạch tích hợp vào hệ thống; can thiệp trên bộ tạo xung và dây xung; chip, mạch tích hợp gắn thêm để đấu nối vào phương tiện đo. Gần đây, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều cây xăng đã có hành vi sử dụng IC (vi mạch); EEPROM (bộ nhớ lập trình được và có thể xóa bằng điện).

 

Người tiêu dùng bị móc hầu bao vì những trò gian lận của giới kinh doanh xăng dầu bất chính. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) 
Vi mạch IC và bộ nhớ EEPROM khi đã được lập trình sẵn có thể thay đổi mức chênh lệch mà chỉ người lập trình mới biết được mật khẩu này. Khi bán cho chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu có kèm theo mật khẩu cài đặt gian lận từ 1% đến 7% và cách xóa gian lận trả về sai số cho phép 0,5%. Nếu gian lận bằng IC và EEPROM thì quá trình cài đặt gian lận chỉ được sử dụng trực tiếp trên cột bơm. Cách xóa hết dấu vết vi phạm gian lận rất dễ dàng thực hiện bằng hai cách: một là bấm phím T, C và E, hai là cúp điện.

 

Khi cầu dao bật trở lại, các đồng hồ điện tử tự động khởi động lại hệ thống như bình thường, lúc này hành vi điều chỉnh gian dối đã được xóa sạch. Khi muốn gian lận trở lại thì nhập mã trực tiếp từ bàn phím của cột bơm. Gian lận kiểu này rất khó phát hiện vì IC chương trình trên bo mạch chính của cột đo vẫn còn tem niêm phong của đơn vị Đo lường và của nhà sản xuất, không có chứng cứ chứng minh hành vi làm thay đổi tình trạng kĩ  thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo.

 

Theo số liệu của Cục Quản lí thị trường, số vụ vi phạm gian lận xăng dầu ngày càng nhiều và tinh vi.

 

Khu vực miền Trung, Tây Ninh, số lượng vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện nhiều nhất. Riêng ở Hà Nội, tháng 7/2010, cây xăng tư nhân Hoàng Xuân Lộc trên đường Phạm Văn Đồng (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) đã sử dụng hệ thống chíp được đấu nối tinh vi bằng dây dẫn chôn ngầm dưới mặt đất, dẫn vào phòng điều hành phía trong cây xăng. Cứ 10 lít bán ra, người mua bị hụt 0,75 lít. Mỗi lít xăng, khách hàng bị móc túi khoảng 1.200 đồng.

 

Mới đây nhất là vụ đại lí bán lẻ xăng dầu số 1 trên địa bàn thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, Sóc Sơn bán cho người dân chất lượng kém, không nổ được máy, cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ hành vi gian lận xăng dầu của cây xăng này.

 

Mức phạt sẽ lên tới tiền tỉ

 

Theo nhận định của ông Trần Văn Vinh, Cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ), quá trình kiểm tra thiết bị đo lường dung tích, lưu lượng đều đảm bảo chất lượng. Cột đo xăng khi kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, kiểm định viên phải thực hiện việc niêm phong, kẹp chì để ngăn ngừa việc tự ý tháo lắp, chỉnh sửa. Tuy nhiên, hành vi gian lận lại chủ yếu là do yếu tố “con người”. Sau khi kiểm tra kẹp chì, niêm phong, nhiều cây xăng đã tự ý điều chỉnh bầu đo, tháo kẹp chì (thay đổi cơ học) và lắp thêm các thiết bị chip, bo mạch chuyên dụng để “ăn xăng”.

 

Một điểm đáng lưu ý là thói quen của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho các cây xăng gian lận. Bởi thông thường khi đi kiểm định các cột bơm xăng, đơn vị kiểm định kẹp chì ở số lượng lít chẵn như: 5 lít, 10 lít, 20 lít, 50 lít... Tất cả các điểm đó điều chỉnh IC đúng. Khi mua hàng theo số lít trên chắc chắn lượng xăng dầu sẽ đủ. Tuy nhiên, người Việt Nam có thói quen mua xăng chẵn tiền: 20.000 - 30.000 - 50.000 đồng... lượng xăng dầu lúc đó không đúng với IC đã được điều chỉnh, mà chệch sang số lít lẻ.

 

Mức phạt hiện nay chỉ tối đa ở mức 50 triệu đồng chủ yếu chỉ có tính răn đe, khó đảm bảo các cây xăng không tái phạm. Trong khi đó, số tiền thu lợi bất chính của các cây xăng có hành vi gian lận lại rất cao.

 

Ông Vinh cho biết, dự thảo Luật đo lường sắp được thông qua sẽ nâng mức xử phạt lên gấp 5 lần số tiền bất chính mà các cây xăng thu được tính từ ngày kiểm định trước đó cho đến lần kiểm định bị vi phạm, do đó số tiền phạt có thể lên đến hàng tỉ đồng.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của lực lượng chức năng vẫn là làm sao bắt quả tang tại chỗ các hành vi gian lận để xử lí. Luật đo lường sắp tới cũng sẽ có biện pháp thực hiện lấy mẫu để kiểm tra trước khi xuất trình quyết định kiểm tra. Đây là hình thức tổ chức kiểm tra “bí mật” mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Theo đó, đoàn thanh tra sẽ sử dụng một chiếc xe có bình xăng chuyên dụng được nối riêng ra chứ không phải bình xăng sử dụng thông thường. Sau khi nhân viên thực hiện xong thao tác bơm xăng, bên thanh tra mới đọc quyết định kiểm tra và tiến hành đo dung tích của bình xăng chuyên dụng này.

 

Cũng theo ông Vinh, để tránh gian lận xăng dầu, người mua xăng nên mua xăng theo dung tích chứ không nên mua xăng theo số tiền chẵn như 20.000, 30.000, 50.000 đồng… Không mua xăng tại các cây xăng luôn có hai nhân viên cùng thao tác trong quá trình bơm xăng. Bên cạnh đó,  người mua xăng cũng nên quan sát kỹ hiển thị của đồng hồ xăng, yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về “0” trước khi bơm.

 

Minh Đức

 

Bình luận
vtcnews.vn