Buôn gạo cực lãi?

Kinh tếThứ Tư, 12/10/2011 03:02:00 +07:00

Thời gian gần đây giới kinh doanh chứng khoán, bất động sản và nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền qua buôn gạo.

Mua bán gạo giờ không chỉ là sân chơi của các công ty làm nông sản mà còn có giới kinh doanh chứng khoán, bất động sản.

Tại hội nghị báo cáo tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm diễn ra sáng 11/10, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết: "Hiện có nhiều thành phần mới tham gia kinh doanh lúa gạo như giới chứng khoán, địa ốc, và nhà đầu tư nước ngoài".

Theo ông, giá lúa gạo biến động mạnh, tăng cao, không chỉ người nông dân có lợi mà cả các đơn vị cung ứng, xuất khẩu gạo cũng đạt lợi nhuận, từ đó thu hút nhiều đối tượng mới tham gia.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp gửi về hiệp hội, có những công ty chuyên đầu tư chứng khoán, bất động sản cũng bỏ vốn hợp tác, thậm chí điều hành ở các đơn vị kinh doanh lương thực. Ngoài lý do giá lúa gạo tăng, đầu tư sinh lãi, một phần cũng vì hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực chính của các tổ chức này gặp khó khăn. Thời gian qua, hiệp hội cũng ghi nhận một số công ty nước ngoài liên kết liên doanh với các kho gạo, doanh nghiệp tư nhân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu mua, cung ứng gạo cho thị trường.

Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực này cũng có nhiều rủi ro, khó khăn. Ông Bảy dẫn chứng, hiện có một số doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu gạo gặp khó và vỡ nợ, với số tiền vài trăm tỷ đồng. Mặc khác, do không nhiều kinh nghiệm nên những doanh nghiệp mới "chân ướt chân ráo" vào mảng nông nghiệp gây mất ổn định thị trường do tranh mua tranh bán, dùng nhiều thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh.

Tại hội nghị sáng 11/10, một số đơn vị tiếp tục kêu khó tiếp cận vốn, "ngạt thở" với lãi suất vay quá cao. Đại diện Hiệp hội điều cho biết, các doanh nghiệp khó khăn đầu ra, chi phí lãi vay 8 tháng đầu năm quá cao, nguyên liệu đầu vào, nhân công cũng tăng mạnh nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thấp. Hiệp hội kiến nghị gia hạn nợ cho các khoản vay thu mua, nhập khẩu nguyên liệu đến hạn từ tháng 9/2011, đồng thời hạ lãi suất các khoản đã vay theo mặt bằng lãi suất điều chỉnh.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) cũng cho rằng, cái thiếu nhất của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay là vốn. Năng lực tài chính có hạn, phải bấu víu vào vốn vay nhưng nếu cứ mức lãi vay trên 20% như thời gian qua thì khó có lời.

Theo số liệu của Bộ Công thương, nhóm hàng nông lâm thủy sản 9 tháng ước đạt 14,9 tỷ USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 21,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, gạo tăng 20,1%, cà phê tăng 63,95, cao su tăng 60%...

Theo VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn