Thắt chặt lãi suất, ngân hàng nhỏ có bị “bóp” chết?

Kinh tếThứ Ba, 11/10/2011 07:08:00 +07:00

(VTC News) – Việc rút tiền khỏi ngân hàng nhỏ để gửi ở ngân hàng lớn của khách hàng khiến nhiều nhà băng không khỏi đau đầu.

(VTC News) – Việc rút tiền khỏi ngân hàng nhỏ để gửi ở ngân hàng lớn của khách hàng khiến nhiều nhà băng không khỏi đau đầu. Tuy nhiên, theo chuyên gia ngân hàng thì đây là lúc các ngân hàng nhỏ phải khẳng định thương hiệu bằng dịch vụ, phục vụ khách hàng.

 

Khách hàng quay lưng?

 

Việc áp trần lãi suất 14%/năm là việc làm đúng và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn tình trạng lách quy định nâng trần lãi suất của một số ngân hàng. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng nhỏ đang đau đầu với bài toán dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ những ngân hàng nhỏ sang những ngân hàng lớn, làm thế nào để níu giữ được khách hàng là điều đang được nhiều nhà băng thực sự quan tâm.

 

Ông Ngọc Long (Phố Quan Nhân – Hà Nội) vừa rút gần 200 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm từ một ngân hàng nhỏ để chuyển về gửi vào ngân hàng khác đã có thương hiệu từ lâu. Theo lời ông Long, quyết định này được đưa ra khi nhận thấy lãi suất cào bằng về mức 14%, ông không còn được nhận những khoản khuyến mại hay cơi nới lãi suất nữa, nên gửi sang những ngân hàng lớn sẽ an tâm hơn nhiều.

 

Ông Long cho rằng: “Việc tôi gửi ở ngân hàng nhỏ trước đây là bị hút vào những khuyến mại hấp dẫn với lãi suất có thể lên đến 16 – 17%/năm. Còn bây giờ ở đâu cũng như ở đâu, trong khi đó, an toàn thanh toán vẫn là điều được mỗi khách hàng gửi tiền quan tâm, với lại ở đâu dịch vụ tốt thì tôi tới đó, sẽ khiến mình thoải mái”.

 

Tuy nhiên, thực tế dòng tiền dịch chuyển ra khỏi ngân hàng nhỏ, không phải chỉ đơn thuần chảy vào các ngân hàng lớn. Thời gian qua, khi nhận thấy mức lãi suất 14% không còn phải là hấp dẫn nên không đủ sức hút đối với nhiều khách hàng, nên dẫn đến một số người sẵn sàng rút tiền ra khỏi nhà băng, để đầu tư vào những kênh khác đó là bất động sản, vàng…

 

Khách hàng có quyền lựa chọn gửi tiền ở ngân hàng nào và kênh đầu tưnào (Ảnh: IT)


Qua khảo sát, nhiều nhân viên ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho hay, lượng khách hàng rút ra vẫn nhiều hơn. Một nhân viên giao dịch trên đường Nguyễn Chí Thanh than thở, thấy khách hàng đến rút tiền mà xót hết cả ruột, có người đã là khách quen, lượng tiền gửi lên tới vài trăm triệu đồng cũng rút ra, vì lý do lãi suất kém hấp dẫn quá, trong khi bây giờ có nhiều lựa chọn khác nhau để đầu tư.

 

Nhân viên này cho hay: “Họ kì kèo xem có nới được lãi suất không, nhưng quy định có rồi, còn ai dám làm nữa. Nhiều khách hàng nói là họ rút tiền để đợi cơ hội đầu tư vào vàng khi giá vàng liên tục tăng, rồi mua bất động sản găm lại, đợi hết thời kỳ khó khăn, khi giao dịch đất đai sôi động trở lại sẽ bán ra lấy tiền vốn và thu lãi về”.

 

Bà Ngọc Mai (Quận Cầu Giấy – Hà Nội) đã gửi hơn 400 triệu đồng từ đầu năm nay, nhưng bà cũng vội vàng đi rút khi nhận thấy với mức lãi suất đồng đều 14%/năm như hiện tại. Theo cách tính toán của bà Mai, mỗi tháng tiền lãi chỉ vào khoảng hơn 4,5 triệu đồng, dường như không còn phải là số tiền quá lớn trong lúc bão giá thế này.

 

Bà Mai chia sẻ: “Nếu với số tiền đó tôi thêm vào một ít nữa để mua khoảng 9 cây vàng, đợi giá lên, có khi chỉ trong một vài tuần tôi cũng đã lãi được 2 – 3 triệu đồng/cây”.

 

Các chuyên gia nói gì?

 

Trao đổi với P/V VTC News, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho hay: “Những người có tiền cần sự an toàn hơn về tài sản của họ, nên khách hàng đổ tiền về ngân hàng lớn là đúng. Bởi vì, ngân hàng cạnh tranh với nhau về dịch vụ, chứ ngân hàng không phải là tiệm cầm đồ mà hút khách hàng bằng lãi suất. Các ngân hàng phải chứng tỏ được với khách hàng sự vượt trội về dịch vụ tư vấn doanh nghiệp, tiếp đãi khách hàng, phục vụ khách hàng”.

 

Ông Thành cũng thẳng thắn chỉ rõ, ngân hàng nhỏ phải chứng minh được năng lực làm dịch vụ ngân hàng, lưu lượng tín dụng…chứ không phải là đưa ra lãi suất ngầm, chi phí, cơi nới lãi suất đó là vi phạm pháp luật. Có một số ngân hàng nhỏ tình thế thiếu thanh khoản, cho vay ra ngoài với tiềm ẩn những rủi ro, nhiều nợ xấu, nợ khó đòi, nếu không thu hồi được chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động, khiến khách hàng lo lắng.

 

“Luật bảo hiểm ngân hàng ở nước ta quy định, chỉ bảo hiểm 50 triệu đồng/tài khoản. Ví dụ một ngân hàng nào đó phá sản thì nhà nước chỉ bồi thường 50 triệu đồng/tài khoản mà thôi, còn số tiền còn lại bị mất trắng, nên những người gửi tiền ở ngân hàng cũng phải biết điều này”, ông Thành nói thêm.

 

 Áp trần lãi suất 14%/năm cũng là lúc ngân hàng nhỏ tự khẳng định thương hiệu để thu hút khách hàng (Ảnh: IT)
 

Trong khi đó, ông Cao Sĩ Kiêm (Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: “Khách hàng rút tiền từ ngân hàng nhỏ để gửi ở ngân hàng lớn là do yếu tố tâm lý, khách hàng sợ lạm phát cao như hiện nay thì những ngân hàng nhỏ mất khả năng thanh toán, nên họ muốn có sự an toàn hơn đối với tài sản của mình”.

 

Ông Kiêm cũng nhìn nhận thực tế là với lãi suất 14%/năm áp dụng cho tất cả các ngân hàng hiện nay thì những ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn, nếu quá khó khăn thì ngân hàng nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ cán cân thanh toán.

 

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cơ hội để ngân hàng nhỏ xem lại mình để có cách tổ chức hệ thống quản lý và khẳng định được thương hiệu với khách hàng.

 

Theo chuyên gia này, có những yếu tố khó khăn do khách quan, nhưng cũng có lý do khác, ông nói: “Lý do là vừa rồi một số ngân hàng lách trần, đưa lãi suất lên, khiến ngân hàng nhà nước đưa ra quy định áp trần lãi suất 14%/năm”.

 

Còn bà Dương Thu Hương (Tổng thư ký hiệp hội ngân hàng) cho hay: “Ngân hàng nhà nước đã có những giải pháp đồng bộ, đưa trần lãi suất 14%/năm, cung ứng tiền nhiều hơn và thời hạn thời trường OMO từ 7 ngày lên 14 ngày, tái cấp vốn cho các ngân hàng thường mại nhỏ, điều hành thị trường OMO linh hoạt hơn. Ngân hàng nhỏ khó khăn sẽ tìm đến những biện pháp này”.

 

Những lo ngại với vấn đề thanh khoản, bà Hương cho rằng, đến giờ phút này thanh khoản các ngân hàng rất tốt. Không giống như năm 2008, do khách hàng rút tiền về quá nhiều dẫn tới thanh khoản bị ảnh hưởng. Còn hiện tại khi thực hiện trần lãi suất, thanh khoản các ngân hàng dồi dào, nguồn tiền gửi vào ngân hàng và huy động vốn tăng lên, đây là những cơ sở để thực hiện.

 

Bà Hương phân tích, khách hàng có tiền sẽ ở thế chủ động để lựa chọn lĩnh vực đầu tư, còn thời điểm khó khăn hay thuận lợi thì ngân hàng cũng ở thế bị động. Với các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giải quyết những khó khăn về thanh khoản ngay lập tức của một số ngân hàng thương mại.

 

Theo lời bà Hương, vấn đề thanh khoản của các ngân hàng thương mại đều tốt. Mặc dù, khách hàng có rút tiền ra, nhưng lượng huy động từ tháng 6, 7, 8 đã được nhiều, nên bây giờ khách hàng rút ra cũng không bị ảnh hưởng.


Anh Minh

 

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn