Mua điện giá thấp, tại sao EVN vẫn lỗ?

Kinh tếThứ Bảy, 17/09/2011 07:15:00 +07:00

(VTC News) - “EVN hiện đang mua điện với giá thấp hơn giá bán điện bình quân, nhưng vẫn kêu lỗ vì lỗ từ những năm trước để lại”.

(VTC News) - “EVN hiện đang mua điện với giá thấp hơn giá bán điện bình quân, nhưng vẫn kêu lỗ vì lỗ từ những năm trước để lại”,ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Nhiệt điện Phả Lại nói.

Giá điện chào bán thường thấp hơn giá trần


Theo số liệu thống kê của Cục Điều tiết điện lực, trong 2 tháng thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh đã có 45 nhà máy điện đã tham gia thị trường với mức giá điện chào trung bình là 538-757 đồng/kWh.

Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cho biết, một trong những bất cập trong 2 tháng thí điểm vừa qua là nhiều nhà máy điện chào với mức giá quá cao.
 
Theo nguyên tắc vận hành trong thị trường phát điện, nhà máy phát điện chào giá thấp thì sẽ được ưu tiên huy động trước, ngoại trừ thủy điện đa mục tiêu.

“Giá điện năng thị trường đã được thiết lập đúng theo cơ chế thị trường, dựa vào quan hệ cung – cầu. Cụ thể, giá cao vào giờ cao điểm và thấp vào giờ thấp điểm”, ông Cường nói.

Phát triển thị trường điện cạnh tranh sẽ minh bạch thị trường hơn 
Cũng theo thống kê của Cục điều tiết Điện lực, do đang ở giai đoạn mùa lũ, nguồn thủy điện giá rẻ chiếm ưu thế nên giá thị trường không cao. Cụ thể vào giờ bình thường, trung bình giá chào trên thị trường phát điện tháng 7 là 538 đồng/kWh, tháng 8 là 723 đồng/kWh và mức trung bình tháng 9 là 757 đồng/kWh. Vào giờ cao điểm, mức giá chào trung bình 3 tháng qua là 615 - 798 - 817 đồng/kWh.


Giá trần các nhà máy bán điện cho EVN cũng được tăng lên từ 900 đến 1.400 đồng. Tuy nhiên, thực tế giá điện chấp nhận trên thị trường đều thấp hơn giá trần và mức giá trần này theo đánh giá của nhiều công ty sản xuất điện thì vẫn còn chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Nhiệt điện Phả Lại phân tích: Tuy giá chào bán cao hơn giá điện bình quân (giá bình quân khoảng 1.200 đồng/kWh), nhưng không phải bao giờ nhà đầu tư cũng có thể chào ở mức giá đó. Vì thời gian phải bán giá thấp vẫn nhiều hơn, nên tổng doanh thu thường thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất khi áp dụng giá bán bình quân.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay EVN vẫn đang được mua điện với mức giá thấp hơn so với giá bán điện bình quân. Vậy tại sao vẫn lỗ?

Theo một số doanh nghiệp sản xuất điện, số tiền lỗ này là do lỗ từ những năm trước.

Bên cạnh đó, do việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh mới đang trong giai đoạn thí điểm, do vậy phần lớn điện của EVN vẫn phải mua theo hợp đồng truyền thống. Các hợp đồng này giá bao giờ cũng cao, nên EVN lỗ là đương nhiên.

Hơn nữa, theo đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất điện tại hội nghị thì với giá bán điện bình quân của EVN hiện nay cũng rất khó để doanh nghiệp này làm ăn có lãi. Cái khó của EVN khiến cho các nhà máy bán điện cũng khó có thể chào với giá bán cao được.

EVN sẽ không còn chi phối thị trường điện?

Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực đại diện Bộ Công Thương, mục tiêu của việc khởi động thị trường phát điện cạnh tranh là để đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong hoạt động vận hành và định giá của phát điện. Đồng thời, đây cũng là cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện của những nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, việc hình thành thị trường điện cạnh tranh này có thể giải quyết được tình trạng thiếu điện, mà Việt Nam vẫn đang phải chịu suốt một thời gian dài vừa qua.

Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được chia ra làm nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, cấp độ đầu tiên là thời gian để hình thành lộ trình thị trường điện ở Việt Nam. Cấp độ 2, thị trường điện sẽ hình thành ở khâu bán buôn từ năm 2015 - 2022. Sau giai đoạn này, thị trường điện Việt Nam sẽ nâng cấp hoàn chỉnh hơn và cạnh tranh đến khâu bán lẻ điện.

Theo đúng lộ trình này, thị trường điện sẽ có nhiều nhà cung cấp điện và bán lẻ tới từng hộ gia định. Vì vậy, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn nhà cung cấp phù hợp. Điều đó, cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm sự độc quyền của EVN như hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Quang Thành, phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tuy EVN đang có lợi thế lớn hơn các doanh nghiệp khác, nhưng khi phát triển thị trường điện cạnh tranh thì giá bán điện của các doanh nghiệp khác so với EVN không có nhiều sự chênh lệch. Do vậy, sẽ không tạo sức ép đối với các nhà máy điện khác.

Vấn đề mấu chốt đối với các doanh nghiệp sản xuất điện hiện nayvẫn là vấn đề giá cả. Việc giá bán bán lẻ quá thấp như hiện nay đã khiến cho nhiều nhà đầu tư không thể tiếp cận để phát triển thị trường này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: “Một khi chưa giải quyết được giá điện, thì bài toán vốn cho ngành điện không thể giải quyết được”.

Được biết, khi bắt đầu thực hiện vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, trong tổng số 73 nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30MW, sẽ có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 55 nhà máy điện trực tiếp chào giá. Tổng công suất đặt của các nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường chiếm khoảng 61% công suất đặt toàn hệ thống điện.
 

Châu Anh
 

Bình luận
vtcnews.vn