Tiền vào ngân hàng giảm, vào chứng khoán tăng

Kinh tếThứ Bảy, 17/09/2011 09:09:00 +07:00

(VTC News) - Hiện, lượng giao dịch vào chứng khoán tăng vọt, bất động sản ấm lên thì tiền gửi ngân hàng có dấu hiệu chững lại.

(VTC News) - Mặc dù mới ban hành được hơn một tuần nhưng Chỉ thị 02 quy định về trần lãi suất tiền gửi VND không quá 14% đang tác động mạnh đến thị trường tín dụng. Trong khi lượng giao dịch vào chứng khoán tăng vọt, bất động sản ấm lên thì tiền gửi ngân hàng có dấu hiệu chững lại.

Giảm lãi suất huy động, ngân hàng lớn lợi, ngân hàng nhỏ lo

Tiền đổ vào chứng khoán và bất động sản tăng? (Ảnh minh họa: Internet)
Đại diện một ngân hàng cho biết dù chưa thể hiện rõ ràng nhưng đã có dấu hiệu người dân rút tiền tiết kiệm để phục vụ những mục đích khác, phổ biến là những khoản nhỏ từ 200- 300 triệu đồng. Trong khi đó, những khách hàng rút từ 2 tỷ đồng trở lên đều có gọi điện báo trước cho nhân viên ngân hàng.

Còn theo ông Lưu Trung Thái, Phó TGĐ ngân hàng Quân đội (MB), sau khi có Chỉ thị 02 của ngân hàng Nhà nước quy định về trần lãi suất tiền gửi VND không quá 14% (CT 02), về cơ bản tình hình huy động tiền gửi của MB vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu giảm, lượng tiền gửi tăng không đáng kể. Đến thời điểm này, chưa có biểu hiện rút tiền khỏi ngân hàng vì lần này không còn sự khác biệt về lãi suất giữa các ngân hàng nên gửi ở đâu cũng không thể cao hơn 14% năm. Tuy nhiên, có vẻ như người dân vẫn đang chờ đợi xem diễn biến thị trường tín dụng sẽ ra sao, tình hình lạm phát thế nào?

Trao đổi với PV VTC News, đại diện ngân hàng Ocean Bank tỏ ra rất tin tưởng vào khả năng huy động tiền gửi trong những tháng cuối năm. Vừa qua, đã có những khách hàng rút vài tỷ đồng nhưng đều đã có kế hoạch trước. Không thể nhìn vào điều này để khẳng định có xu thế người gửi tiền đang rút khỏi ngân hàng vì thời điểm này là cuối quý III, trùng với những kỳ hạn tiền gửi. Vừa qua, ở một số địa bàn có những khuyến mại lớn về bất động sản nên một số người rút tiền về đầu tư bất động sản cũng là bình thường.

Cho đến nay, trong hệ thống của Ocean Bank chưa có biến động về lượng tiền gửi. Ocean Bank vẫn giữ được sự ổn định trong huy động. Trong tháng 9/2011, kế hoạch huy động tiền gửi của ngân hàng này giao cho các chi nhánh, phòng giao dịch vẫn chưa có sự thay đổi vì kế hoạch này đã được cân nhắc, đảm bảo tính khả thi cao.

Khó khăn của ngân hàng lúc này là không phải khách hàng nào cũng hiểu CT 02 đang được tất cả các ngân hàng thực hiện nghiêm, không còn sự khác biệt giữa các ngân hàng như trước đây nên vẫn còn tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Chính vì vậy, nhân viên ngân hàng phải giải thích cặn kẽ để khách hàng cùng chia sẻ, cố gắng để giữ được những khách hàng ổn định, truyền thống và mở rộng những khách hàng mới.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sẽ có nhiều ngân hàng nhỏ gặp khó khăn trong huy động tiền gửi vì về mặt tâm lý, khi lãi suất ở các nơi bằng nhau, khách hàng sẽ chọn những ngân hàng lớn để gửi tiền. Chính vì vậy, để huy động vốn, vẫn sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, áp lực trước hết sẽ được đặt lên vai lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch.

Một biểu hiện rõ nhất của cuộc cạnh tranh mới này chính là việc ngân hàng Phương Tây (Western Bank) vừa đưa ra mức lãi suất đặc biệt: Chỉ cần gửi một ngày ở, Western Bank cũng được hưởng mức lãi suất 14%/năm, dành cho mọi khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Cách đây vài tháng, lãi suất không kỳ hạn chỉ  2-3%/năm!

Tại hội nghị tổng kết của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội vừa diễn ra, rất nhiều ý kiến từ các ngân hàng phản ánh việc huy động tiền gửi đang gặp khó khăn. Trong ba tháng từ tháng 5 đến tháng 7/2011), nguồn huy động vốn trên địa bàn Hà Nội giảm so với cuối 2010. Tháng 8/2011, huy động tăng chút ít nhưng hiện tại, việc huy động vốn bắt đầu trở nên khó khăn.

Trả lời báo chí,ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết, từ khi áp dụng trần lãi suất huy động 14%/năm toàn hệ Ngân hàng Đông Á mỗi ngày mất đi hơn 20 tỉ đồng tiền gửi. Theo ông Bình, có lẽ thấy lãi suất giảm, khách hàng rút tiền đi mua vàng, USD”.

Tìm kênh trú ẩn khác

Theo các chuyên gia, khi lãi suất tiết kiệm thấp hơn mức lạm phát thì người dân sẽ tìm đến các kênh đầu tư, trú ẩn khác an toàn, ổn định hơn như vàng, bất động sản. Chứng khoán cũng có khả năng hút vốn từ ngân hàng.

Sau khi có CT02, giao dịch chứng khoán đồng loạt tăng mạnh, mỗi phiên lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Tuần qua, các nhà đầu tư đã “lướt sóng” liên tục trên thị trường này và không ít người đã thu được lợi nhuận không nhỏ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định vốn từ ngân hàng đang chảy mạnh qua chứng khoán. Một hai ngày qua, đợt sóng ngắn ngủi của thị trường chứng khoán đã dừng lại.

Anh Nghĩa, giám đốc một công ty xây dựng chuyên về lắp đặt nhà xưởng bằng thép, nhôm kính ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vừa rút về từ ngân hàng hơn 3 tỷ đồng. Số tiền này anh gửi ngân hàng được hơn 4 tháng, đây là nguồn vốn dự tính đầu tư vào một công trình nhà xưởng của một doanh nghiệp nhưng chưa thực hiện được nên anh Nghĩa đành thu hẹp sản xuất, gửi tạm một khoản vào ngân hàng. Nhưng nay lãi suất ngân hàng giảm, lại nhận thấy nhu cầu về cát vàng dịp cuối năm rất lớn (nguồn cung hạn chế do đường sông từ các tỉnh miền núi về hạ du cạn, tàu chở cát khó đi lại) nên anh quyết định rút hết tiền về mua cát vàng đợi thời điểm thích hợp bung ra bán.

Nhiều người thì tính đến phương án dồn tiền sang bất động sản hay chứng khoán. Anh Tam Nam ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, với hơn 1 tỷ gửi tiết kiệm để dành đổi nhà, nếu lãi suất 20% anh có một khoản thu kha khá. Nay lãi suất giảm, anh Nam buộc phải tính lại. Anh Nam cho rằng, BĐS ở được ngay trong các quận nội thành hay ven vành đai 3 của Hà Nội hầu như không xuống giá, hoặc xuống không đáng kể. Nay lãi suất ngân hàng xuống thấp nên nhiều người sẽ chuyển qua đầu tư vào BĐS. Vì thế, anh Nam tính vay thêm tiền để mua nhà ngay trước khi nhiều người đầu tư vào khiến giá cả bị đội lên rất khó mua.

Tại một phòng giao dịch trên đường Kim Liên, Xã Đàn, Hà Nội, chị Hương hiện đang làm công chức đang rút về 1,5 tỷ đồng gửi tiết kiệm cho biết, đây là số tiền vợ chồng chị bán mảnh đất hơn khu vực Từ Liêm cách đây 3 tháng.  Thời điểm đó bất động sản giảm sút rất mạnh, sợ tiếp tục xuống thấp nên vợ chồng chị phải bán đi thu hồi vốn và gửi tạm vài tháng vào ngân hàng. Chị dự định sẽ tìm một mảnh đất ở khu vực từ Cầu Giấy để đầu tư, thay vì gửi ngân hàng. Theo cách tính của chị Hương, thời điểm cuối năm, khả năng giao dịch đất đai sẽ sôi động hơn.

Chị Hiền, đang công tác tại một hãng viễn thông thì cho biết tình hình lạm phát dù có tín hiệu khả quan nhưng vẫn ở mức cao nên gia đình chỉ quyết định tìm phương án dự phòng bằng vàng và USD thay vì gửi tiết kiệm bằng VND.

Vĩnh Dương                                                                   

Bình luận
vtcnews.vn