Sao phải phí tiền ra nước ngoài trị bệnh?

Kinh tếThứ Sáu, 12/08/2011 10:48:00 +07:00

(VTC News) – Mỗi năm, người Việt mang khoảng 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Tại sao một bộ phận người Việt có điều kiện lại quay lưng với y tế nước nhà?

(VTC News) – Mỗi năm, người Việt mang khoảng 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Tại sao một bộ phận người Việt có điều kiện lại quay lưng với y tế nước nhà? Vì thiếu tin tưởng vào các bệnh viện nội địa hay đơn thuần do tâm lý “sính ngoại”?

Mô hình bệnh viện - khách sạn đã xuất hiện ở Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian tới, nhiều dự án mới xuất hiện sẽ khiến loại hình dịch vụ này phát triển.

Mô hình bệnh viện - khách sạn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Tan Pohlan, người đã có 18 năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý trong ngành y tế Singapore – đảo quốc được nhiều người Việt chọn lựa ra nước ngoài chữa bệnh nhất - để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Bà Tan cũng là tân CEO của VINMEC - Bệnh viện đa khoa quốc tế đầu tiên tại Hà Nội theo mô hình bệnh viện - khách sạn (sắp đi vào hoạt động đầu năm 2012) được đặt tại khu đô thị Times City.

Nhân sự giỏi khiến bệnh nhân an tâm

Từng là CEO của các bệnh viện nổi tiếng Singapore được nhiều người Việt ưa chuộng như  East Shore Hospital, Gleneagles Hospital... bà có biết vì sao nhiều người Việt lại chọn ra nước ngoài chữa bệnh dù chi phí rất tốn kém?

Khi khả năng chi trả không còn là một vấn đề, chúng ta sẽ luôn có những bệnh nhân muốn ra nước ngoài để điều trị để đáp ứng nhu cầu cá nhân. Đặc biệt là đối với các bệnh lý hiếm gặp tại Việt Nam, người bệnh thường có xu hướng muốn ra nước ngoài để chẩn đoán và chữa trị. Điều này cũng xảy ra tại Singapore. Tôi có một người bạn đã mang con trai sang Mỹ để điều trị vì vấn đề của đứa trẻ không phổ biến ở Singapore. Cô ấy cần khẳng định những gì đã làm và sẽ làm cho đứa trẻ là hợp lý. Nói cách khác, nhu cầu chăm sóc sức khỏe là quyết định rất cá nhân.

Nhưng cũng có nguyên nhân thuộc về cả về phần cứng (công nghệ y khoa tiên tiến) lẫn phần mềm (dịch vụ chăm sóc sức khỏe). Thực tế, cơ sở hạ tầng y tế tại Việt Nam như các bệnh viện và dịch vụ đang hết sức cố gắng để theo kịp nhu cầu của bệnh nhân. Mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe là không thể chờ đợi.  

 Bà Tan Poh Lan là một CEO có 25 năm kinh nghiệm trong ngành y tế Singapore
Đúng vậy. Nhưng hiện bà đã trở thành CEO của VINMEC –một bệnh viện của Việt Nam 100%. Vậy bà sẽ làm thế nào để những người Việt có điều kiện ở lại Việt Nam và chọn VINMEC thay vì nước ngoài chữa bệnh như hiện tại?

Đối với bất kể người bệnh nào, được ở lại đất nước mình nơi có người thân và gia đình trong quá trình điều trị bệnh vẫn luôn là phương pháp tối ưu. Với những kinh nghiệm quản lý của mình, khả năng chuyên môn của các bác sĩ, cơ sở trang thiết bị tối ưu, và trên tất cả là triết lý dịch vụ lấy khách hàng là trọng tâm, và những quan hệ quốc tế về y tế, tôi tin rằng VINMEC sẽ là địa chỉ đáng tin cậy không thua kém bất kỳ bệnh viện nào ở nước ngoài.

Thêm vào đó, đối với các bệnh nhân đã ra nước ngoài chữa bệnh, VINMEC sẽ tiếp tục theo dõi và đảm bảo liệu trình điều trị cho họ. 

Dưới sự dẫn dắt của bà, VINMEC sẽ có những giải pháp cụ thể nào để tham vọng trở thành bệnh viện đa khoa quốc tế hàng đầu khu vực được hiện thực hóa?

Chìa khóa cốt lõi là thu hút người tài - những người thực sự coi trọng chất lượng và dịch vụ trong việc chăm sóc bệnh nhân. VINMEC cần những người muốn tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của bệnh nhân. Và nếu chúng tôi làm điều đó đúng hướng thì Vinmec sẽ trở thành sự lựa chọn không chỉ cho người Việt Nam mà còn là mọi người trong khu vực.

Coi nhân sự giỏi là vấn đề cốt lõi, bà sẽ tổ chức đội ngũ y bác sỹ tại VINMEC thế nào? Hơn nữa, với vị trí cựu CEO của các bệnh viện danh tiếng Singapore như East Shore Hospital, Gleneagles Hospital… liệu bà có tận dụng các mối quan hệ sẵn có để mời những bác sỹ và chuyên gia giỏi nước ngoài về VINMEC làm việc?

Để có được dịch vụ chăm sóc y tế tốt, điều cần thiết không chỉ ở đội ngũ y bác sỹ có tài, công nghệ tiên tiến mà còn cần những người có thể giao tiếp được với bệnh nhân và gia đình họ. Ý tôi là những người có thể thông cảm và hiểu được mối bận tâm của bệnh nhân, có khả năng làm dịu bớt sự sợ hãi của họ. Ai có thể làm được điều đó tốt hơn chính là những người bản địa, những người đã quen thuộc với ngôn ngữ và văn hóa của người bệnh.

Những gì tôi đem đến là những kinh nghiệm tốt nhất mà chúng tôi đã thực hiện ở Singapore. Nhưng tôi phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ của mình tại VINMEC khi tiếp xúc với các bác sỹ và chuyên gia y tế ở đây, tôi cần ở họ lòng say mê với công việc và sự chăm sóc mà họ dành cho bệnh nhân.

Tiếp theo, điều quan trọng là phải đưa đội ngũ của chúng ta lên tầm quốc tế. Việc đó cho phép chúng ta có những cơ hội để trở lên chuyên nghiệp hơn và học được những kinh nghiệm thực tế tốt nhất.

Thử thách lớn nhưng đáng để thực hiện!

Phong cách phục vụ ở một Bệnh viện – khách sạn như VINMEC sẽ có gì khác biệt so với các bệnh viện thông thường, thưa bà?

Tất cả những gì chúng tôi làm tại Vinmec là phục  vụ tốt nhất nhu cầu của bệnh nhân và gia đình,  đơn giản như dấu hiệu riêng biệt để chỉ cho họ biết phòng vệ sinh ở đâu đến việc có một phạm vi toàn diện trong dịch vụ chuẩn đoán để tìm ra chính xác nguyên nhân bệnh của bệnh nhân… Tại VINMEC, mỗi bác sỹ phải là một người định hướng cho bệnh nhân, đảm bảo  rằng sức khỏe của bệnh nhân và gia đình họ được chăm sóc tận tình, đồng thời phải hướng dẫn cho bệnh nhân và gia đình họ biêt cách nhận thức về sức khỏe và biết cách làm gì để tự chăm sóc mình.

Trong điều kiện thực tế còn nhiều bất cập ở Việt Nam, việc dẫn dắt VINMEC đạt mục tiêu trở thành bệnh viện quốc tế hàng đầu khu vực, hẳn là áp lực lớn đối với người ngồi ở vị trí CEO như bà?

Hầu hết sự nghiệp của tôi làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tôi nhận thấy, điều khiến mình hài lòng nhất là được nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh lên từng ngày bởi những gì chúng tôi làm. Vâng, nhiệm vụ này đúng là một thử thách lớn nhưng cũng rất đáng để thực hiện!

Phải chăng việc từ bỏ một môi trường chuyên nghiệp quen thuộc với nhiều bệnh viện đã đạt tiêu chuẩn quốc tế để bắt đầu từ đầu tại Việt Nam, với bà - là sự thách thức bản thân?

Ở bất kỳ quốc gia nào thì việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt cần được đảm bảo cho mỗi công dân. Tôi đã được hưởng lợi từ điều đó và tôi muốn được nhìn thấy điều tương tự xảy ra tại Việt Nam. 

Điều tôi hy vọng làm được trong thời gian tới đây là mang đến một phong cách làm việc chuyên nghiệp với chuẩn mực quốc tế, tôi sẽ nỗ lực chuyển giao những kiến thức mà tôi đã học được cho đội ngũ cán bộ tại VINMEC.  Với sự nhiệt huyết của họ, tôi tin rằng, sau một vài năm, VINMEC sẽ được quản lý và vận hành bởi người Việt Nam.

Xin cảm ơn bà

Một số thông tin về bà Tan Poh Lan – CEO VINMEC

Bà Tan Poh Lan là một CEO có 25 năm kinh nghiệm trong ngành y tế Singapore, trong đó có 18 năm liên tục giữ các vị trí quản lý cao cấp tại các bệnh viện nổi tiếng ở Singapore như East Shore Hospital, Gleneagles Hospital... Các bệnh viện dưới sự dẫn dắt, điều hành của bà Tan, đều được khách hàng đánh giá cao về chất lượng dịch vụ với chỉ số hài lòng lên đến 85%-90%. VINMEC mời Bà Tan vào vị trí CEO vì muốn hướng đến tiêu chí chất lượng chăm sóc y tế tương đồng với Singapore và các nước trong khu vực.


Đ. Nguyệt

Bình luận
vtcnews.vn