Giá thịt lợn sẽ giảm từ cuối tháng 8?

Kinh tếThứ Sáu, 15/07/2011 06:07:00 +07:00

(VTC News) - Hôm qua (14/7), tại cuộc họp khẩn về kiểm soát giá thực phẩm, Cục chăn nuôi đã thông báo nguyên nhân tăng giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.

(VTC News) - Hôm qua (14/7), tại cuộc họp khẩn về kiểm soát giá thực phẩm, Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thông báo nguyên nhân tăng giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn trong thời gian vừa qua sau 2 ngày rà soát.
 

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, sau hai ngày rà soát thực tế tại các địa bàn như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh..., Cục phát hiện nguyên nhân giá thịt lợn tăng cao như thời gian qua là do hiệu ứng cung - cầu không hợp lý.

Nguồn cung không đủ đáp ứng so với nhu cầu của nhân dân nhưng nguyên nhân dẫn đến việc cung không đủ cầu là do hậu quả dịch bệnh từ năm 2010 kéo dài sang những tháng đầu năm 2011.

Giá thị lợn tăng cao do nguồn cung không đáp ứng đủ so với nhu cầu của người dân (ảnh mang tính minh họa) 

"Đáng chú ý hơn, đợt dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến đàn lợn nái. Tính cho đến nay, tổng đàn lợn đã giảm hơn 6%, đẩy giá thành con giống lên cao chưa từng thấy.

Tại thời điểm hiện nay, giá heo giống trung bình từ 125.000 - 130.000 đồng/kg. Có nơi, giá heo giống lên tới 180.000 - 200.000 đồng/kg. Ước tính, trung bình một con heo giống có giá từ 1,2 triệu- 1,5 triệu đồng/con. Loại lớn có giá trung bình từ 2 - 2,3 triệu đồng/con.

Chính giá thành con giống cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người chăn nuôi khi tái thiết lại đàn lợn sau dịch bệnh. Do vậy, số lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường trong thời gian qua rất hạn chế.

Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, nhiều vật giá tăng cao như: giá xăng, giá điện, giá thức ăn gia súc… Giá đầu vào từ khâu giống đến khâu chăm sóc cho ngành chăn nuôi đều tăng cao đã làm số lượng đàn lợn giảm sút, dẫn đến lượng cung giảm so với nhu cầu thực tế", ông Giao cho biết.

Giá thực phẩm sẽ đi vào ổn định từ quý 3

Tại buổi họp, đại diện Cục chăn nuôi đưa ra thông báo, hiện nay có tới 10 - 30% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng trống, còn các trang trại lớn có vốn quay vòng vẫn phát triển đều đặn. Tình hình dịch bệnh đã tạm lắng xuống, tổng đàn lợn đã dần đi vào ổn định. Giá các loại thức ăn chăn nuôi cũng ổn định trở lại ở một số loại nên nhiều khả năng giá thịt lợn hơi sẽ giảm nhiệt vào cuối tháng 8. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi dự báo, nhu cầu thịt các loại 6 tháng cuối năm sẽ dao động trong khoảng 1,7- 1,8 triệu tấn thịt xẻ; nguồn cung thịt lợn trong nước sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn 6 tháng đầu năm từ 10- 15% và có thể xuất hiện chiều hướng giảm từ cuối tháng 8, nhất là thịt lợn hơi.

Đồng ý với quan điểm của lãnh đạo Cục chăn nuôi, ông Nguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong quý 3, giá các loại thực phẩm sẽ đi vào ổn định và sẽ có xu hướng giảm.

 

 10- 30% chuồng trại bỏ trống sau dịch bệnh

"Sở dĩ có thể đưa ra dự báo như vậy là bởi thực tế, giá nguyên liệu thức ăn gia súc như đậu tương, cám gạo… trên thế giới đã ổn định. Mặt khác, hiện nay trong nước, bà con nông dân đã đến mùa thu hoạch một số loại lương thực, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc như ngô, đậu tương… nên sẽ không phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu của nước ngoài", ông Lịch nêu.

Cũng theo ông Lịch, trong quý 3 này, tổng đàn lợn và gia súc, gia cầm của khu vực phía Bắc và phía Nam được dự báo là sẽ đi vào ổn định và có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Do vậy, chưa cần phải sử dụng đến biện pháp nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu trong nước.

Làm gì để bình ổn giá thực phẩm trong thời gian tới?

Tại cuộc họp ngày 14/7, lãnh đạo Cục Chăn Nuôi cho biết, tới quý 3, giá thực phẩm sẽ đi vào ổn định nhưng trước mắt, phải bình ổn giá thực phẩm.

Theo khảo sát của PV VTC News, giá lợn hơi trên địa bàn các tỉnh như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa… hiện giá đang ở mức cao, trung bình từ 67.000 - 68.000 đồng/kg.
Thậm chí, theo một số tiểu thương tại các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội như chợ Mỹ Đình, Thành Công, Trương Định, họ phải mua giá lên tới 70.000- 75.000 đồng/kg hơi.
Chiều ngày 14/7, tại các điểm chợ trên, giá thịt lợn cùng các loại thực phẩm khác vẫn đang ở mức cao. Tại chợ Đồng Tâm (Hai Bà Trưng), chợ Trương Định (Hoàng Mai), Chợ Mỹ Đình (Từ Liêm), chợ Thành Công (Ba Đình)..., thịt lợn thăn có giá 130.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 120.000 đồng/kg; thịt mông sấn dao động từ 115.000-120.000 đồng/kg…
Sau khi nhận báo cáo của các tỉnh trong cả nước và thông qua kết quả rà soát thực tế tại các địa phương, Cục đã nhận thấy căn nguyên của vấn đề. 

Cục cũng đã lấy ý kiến của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ trang trại, công ty chăn nuôi, các cơ sở chế biến..., biện pháp để bình ổn giá thực phẩm trong thời gian tới được mọi người thống nhất là sẽ tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất nhằm tăng đàn, nhất là đàn lợn thịt".

Cụ thể, cần có các chính sách: Hỗ trợ các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, trang trại, công ty,… tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi; ưu tiên cấp điện cho các trang trại và khu vực chăn nuôi tập trung vào vụ hè; lập ngay quỹ bình ổn giá thịt lợn, duy trì chính sách bình ổn giá thực phẩm tại các địa phương như đã làm hiện nay.

Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường lưu thông phân phối, có biện pháp chống gom hàng, tăng giá bất hợp lý là một trong những biện pháp quan trọng.

Hơn nữa, chúng ta cần tập trung kiểm soát, nỗ lực phòng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng cường công tác thú ý trên mọi địa bàn; chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi từ lợn sang các loại gia cầm khác nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trước mắt.

Ngoài ra, theo nhiều đại biểu tại cuộc họp, phải coi hỗ trợ từ khâu sản xuất để bình ổn giá thành ra thị trường là biện pháp dài hạn nhằm tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong nước cũng như đảm bảo giá thành cho người dân.

Thái Vy

 




 

Bình luận
vtcnews.vn