Nên để giá bán lẻ xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường?

Kinh tếThứ Năm, 07/07/2011 07:13:00 +07:00

(VTC News)- Giá dầu thô trên thế giới liên tục giảm và ổn định dưới ngưỡng 100USD/thùng nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

(VTC News) – Giá dầu thô đã tăng lên 96,89 USD/thùng nhưng vẫn ở ngưỡng ổn định dưới 100 USD/thùng. Đây là thời kỳ giá dầu quốc tế có tính ổn định, kéo dài. Tuy nhiên, sự ổn định đó vẫn không có tác động gì với giá trong nước khi các nhà kinh doanh cho rằng “diễn biến vẫn khó lường”?

Đóng cửa phiên 5/7, giá dầu thô giao tháng 8 tại New York tăng 1,95 USD lên 96,89 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 14/6. Giá dầu Brent giao tháng 8 tại London tăng 2,22 USD, tương đương 2% lên 113,61 USD/thùng. Mức giá này được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ duy trì đến cuối năm.

Người dân sốt ruột khi giá xăng dầu quốc tế đã giảm mạnh và ổn định trong khi giá trong nước vẫn giữ nguyên. Anh Nguyễn Mạnh Cường (khu Trung Yên –Cầu Giấy - Hà Nội) bày tỏ: “Cái gọi là “cơ chế thị trường” đối với mặt hàng xăng dầu mà người dân đang được hưởng có lẽ chỉ là danh nghĩa. Nếu đúng là cơ chế thị trường thì tại sao không tăng – giảm theo đúng quy luật và diễn biến của thị trường?”. Chưa dừng lại ở đó, anh Cường còn cho rằng, nếu quản lý xăng dầu theo đúng bản chất thị trường thì người dân sẽ thấy minh bạch và thỏa đáng hơn.

Hiện nay, mặc dù các công ty xăng dầu niêm yết giá bán, các loại phí cấu thành lên giá nhưng về bản chất, mức độ chính xác đến đâu thì chỉ có các doanh nghiệp đó biết mà thôi. Tức là người dân tiếp nhận thông tin đó cũng trong thế bị động. Trong khi đó, người dân hoàn toàn có quyền được biết và hiểu rõ các thông tin liên quan đến mặt hàng nhạy cảm này.

Mới đây, khi Bộ Tài chính quyết định không giảm giá xăng dầu trên thị trường mà tăng thuế nhập khẩu với mặt hàng này thì người dân hiểu đó là động thái để giữ sự bình ổn cho mặt hàng này nếu thị trường thế giới biến động.

Tuy nhiên, giữ đến khi nào thì cơ quan này vẫn chưa có phương án cụ thể. Trong khi đó, các doanh nghiệp xăng dầu đều công bố bắt đầu có lãi. Mức lãi từ 100 đồng – 700 đồng/lit xăng, dầu vẫn được đánh giá là “chưa đáng kể” trong bối cảnh lạm phát hiện nay – một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chia sẻ quan điểm như vậy.

Giá xăng dầu sẽ khó giảm trong thời gian tới? (Ảnh internet) 

Mới đây nhất, trước sức ép của dư luận về việc tại sao giá xăng dầu trong nước chưa giảm thì Petrolimex (Tổng công ty xăng dầu Việt Nam) đã đưa ra lý giải rằng, mức giá xăng dầu bán lẻ trong nước hiện nay vẫn còn thấp hơn từ 5 – 7 lần so với các nước trong khu vực như Campuchia, Singapore.

Hiện, xăng A92 tại Việt Nam đang bán với giá 21.300 đồng/lít, thấp hơn Lào 5.225 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 4.095 đồng/lít, thấp hơn Singapore 12.161 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.048 đồng/lít.

Nếu thoạt nhìn và so sánh thì rõ ràng mức giá trên có thể khiến người tiêu dùng hài lòng vì đang được hưởng giá thấp hơn trong khu vực. Tuy nhiên, bản chất của sự việc lại nằm ở chỗ, các nước này có thuế nhập khẩu xăng dầu khá cao. Cụ thể, Campuchia đang có mức thuế nhập khẩu mặt hàng này là 35%, Singapore là 31% trong khi đó Việt Nam chỉ mới áp thuế là 5%.

Vì vậy, cách giải thích của công ty kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước này là không đủ thuyết phục. Việc nhà nước áp thuế nhập khẩu hay giảm giá xăng dầu bán lẻ còn phụ thuộc vào sự điều tiết nguồn hàng, quỹ bình ổn… đối với mặt hàng này. Nhiều người cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp mới đưa ra thông tin một chiều về việc báo lỗ, báo lãi mà người dân hay thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước đều không biết được.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, giá nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 6 giảm 6,15% so với tháng 5. Tỷ giá USD trong tháng 6 cũng giảm 0,78% so với tháng 5. Như vậy việc nhập khẩu xăng dầu đang được hưởng lợi kép từ giá thành và chỉ số giá USD.

Bà Nguyễn Thị Liên – một cán bộ trong ngành Kiểm toán nói rằng: “Việc kiểm toán độc lập trước khi đưa ra giá tiêu dùng đối với mặt hàng xăng dầu là điều nên làm nếu thực hiện đúng theo tinh thần “cơ chế thị trường”. Người dân cũng sẽ thoải mái tâm lý hơn nếu được sử dụng đồng tiền của mình theo đúng sự tăng giảm chung với thế giới”.

Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) Hà Quang Tuyến, với việc hai lần tăng giá xăng dầu và tăng giá điện hồi đầu năm nay, sau 3-6 tháng CPI tăng khoảng trên dưới 4%.

Hoài Nam


Bình luận
vtcnews.vn