Tại sao thực phẩm tươi sống tăng dựng đứng?

Kinh tếThứ Năm, 07/07/2011 04:43:00 +07:00

(VTC News) - Trong những ngày vừa qua, giá thịt lợn cũng như các mặt hàng thực phẩm tại TP Hà Nội đột ngột tăng dựng đứng trở lại.

(VTC News) - Khác với dự báo giá thịt lợn cũng như thực phẩm sẽ giảm, trong những ngày qua, giá các mặt hàng này tại TP Hà Nội đột ngột tăng dựng đứng trở lại.

Theo khảo sát của PV tại các chợ Hà Nội như: Chợ đầu mối Mai Dịch (Cầu Giấy), chợ Mỹ Đình, Cổ Nhuế (Từ Liêm), Trương Định (Hoàng Mai), Đồng Tâm (Q.Hai Bà Trưng)... giá các loại thực phẩm tươi sống tăng cao, đặc biệt thịt lợn hiện  ở mức cao chưa từng thấy trong suốt 2 năm trở lại đây.

Từ cuối tháng 5/2011, giá các loại thực phẩm tươi sống biến động mạnh và đội lên cao từng ngày. Trong đó, thịt lợn có mức tăng cao nhất và đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu giảm như nhận định giá thịt lợn sẽ giảm vào trung tuần tháng 6 của đại diện các sở, ban, ngành.

Ngày 7/7, tại chợ đầu mối Mai Dịch (Cầu Giấy), giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng 5.000 đồng so với tháng 6. Cụ thể như, thịt mông sấn tăng từ 110.000 lên 115.000 đồng/kg; ba chỉ từ 100.000 đồng lên 115.000 đồng/kg; thịt thăn từ  115.000 lên 120.000 đồng/kg.
 

Giá thịt lợn tăng cao nên sức mua của người dân giảm rõ rệt
trong thời gian qua
 

Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, giá tăng cao hơn so với chợ đầu mối từ 10.000-15.000 đồng/kg. Tại chợ Đồng Tâm (Hai Bà Trưng), chợ Trương Định (Hoàng Mai), Chợ Mỹ Đình (Từ Liêm) có giá tăng trung bình từ 15.000-25.000 đồng/kg so với tháng 6. Cụ thể, thịt lợn thăn từ 115.000 lên 130.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg); thịt ba chỉ tăng từ 95.000 đồng lên 120.000 đồng/kg (tăng 25.000 đồng/kg); thịt mông sấn dao động từ 115.000-120.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg)…


Theo chị Hạnh (tiểu thương tại chợ Mỹ Đình), giá thịt lợn ở thời điểm này so với năm ngoái đã tăng gấp đôi. "Do giá cao nên nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân giảm đi rõ rệt trong thời gian vừa qua", chị Hạnh cho biết thêm.

Giải thích cho việc tăng giá trở lại của thịt lợn, chị Ánh (tiểu thương tại chợ Trương Định) cho hay, hiện nay nguồn cung của thịt lợn rất hạn chế do hậu quả dịch bệnh trong thời gian qua. Thêm vào đó, nhiều loại vật giá khác cũng tăng cao nên đã đẩy giá lợn lên mức cao chưa từng thấy. "Tại thời điểm này, lợn móc hàm tôi mua vào đã lên tới 80.000- 85.000 đồng/kg nên lợn thịt khi tới tay người dân có giá cao là đương nhiên", chị Ánh nói.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn, Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng mạnh so với các năm trước nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành thịt lợn.

Theo ông Lịch, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao vì nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu tới hơn 60%. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua, giá nguyên liệu của thế giới như giá ngô, đậu tương, sắn lát, cám gạo… tăng mạnh nên ảnh hưởng trực tiếp đến giá thức ăn gia súc, gia cầm trong nước.

Giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao là nguyên nhân dẫn đến việc giá thực phẩm chưa giảm như dự báo 

"Thêm vào đó, công tác phòng dịch của chúng ta làm chưa hiệu quả nên tỉ lệ đàn lợn bị nhiễm dịch cao. So với các năm 2010 và các năm về trước, dự ước tỉ lệ chết của tổng đàn lợn và gia súc, gia cầm khác chiếm từ 20- 25 %.


Mặt khác, trước khi giá thịt lợn tăng thì các vật giá khác đã tăng cao từ đầu năm nên ảnh hưởng không nhỏ đến giá các loại gia súc, gia cầm và đặc biệt là lợn. Ngoài ra, có nguyên nhân khách quan là việc các thương lái Trung Quốc xuống tận địa bàn các tỉnh phía Nam của chúng ta thu mua thực phẩm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Đây là những nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn và thực phẩm tươi sống của chúng ta vẫn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm như dự báo", ông Lịch giải thích.


Không chỉ thịt lợn tăng giá cao dựng đứng mà các loại thực phẩm khác trong những ngày qua cũng có tốc độ tăng chóng mặt. Cụ thể, tại các điểm khảo sát trên, thịt bò bắp và thăn đã tăng 190.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng so với trước. 

Cá các loại cũng tăng giá đột ngột trở lại 

Cá chép loại to đã tăng lên 85.000 đồng/kg so với giá 70.000 đồng/kg hồi cuối tháng 6; cá chép loại nhỏ có giá 70.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg); Cá trắm hiện có giá 50.000-55.000 đồng/kg (tăng 7.000 đồng/kg); cá rô phi là 60.000-70.000 đồng/kg (tùy loại), tăng 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 6.


Các loại thịt gia cầm cũng bất ngờ tăng vọt. Cụ thể, gà ta sống có giá 120.000 đồng/kg hồi cuối tháng 6, giờ tăng lên 150.000 đồng/kg, thậm chí tại chợ Cầu Lủ (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) giá lên tới 160.000 đồng/kg; vịt tăng từ 50.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn hiện có giá từ 75.000-85.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng hải sản cũng tăng tốc chóng mặt. Tại chợ Mỹ Đình, tôm to loại 27 – 30 con/kg có giá 420.000 đồng, tăng 15.000 đồng/kg; Cua biển loại to thì lên 430.000 đồng/kg.

"Sở dĩ, giá các loại thịt gia cầm tăng cao như vậy là bởi hiện nay nguồn cung khan hiếm nên giá lấy vào cao. Khi chúng tôi đi xuống địa bàn thu mua, các chủ vựa lại "đổ" do giá thức ăn hiện ở giá quá cao nên đầu ra phải tăng", chị Thu Ngân (tiểu thương chợ Mỹ Đình) cho biết.

Giá thị lợn và các loại thực phẩm tươi sống tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đã tăng nhẹ so với tháng 6 

Không chỉ tại các chợ mới có mức tăng cao như vậy mà ngay tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá thực phẩm cũng có sự điều chỉnh. Tại siêu thị Fivimart, Hapro, Big C… giá thịt lợn dao động từ 120.000-132.000 đồng/kg (tùy loại), tăng từ 5.000- 7.000 đồng/kg so với nửa cuối tháng 6.


Với mức tăng nhảy vọt của các mặt hàng thực phẩm, hiện nay, vấn đề bình ổn giá đối với các mặt hàng này đang được người tiêu dùng quan tâm hơn bao giờ hết. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn, Chăn nuôi Việt Nam, trong quý 3, giá các loại thực phẩm sẽ đi vào ổn định và sẽ có xu hướng giảm nhưng sẽ vẫn ở mức cao.

"Sở dĩ có thể đưa ra dự báo như vậy là bởi thực tế, giá nguyên liệu thức ăn gia súc như đậu tương, cám gạo… trên thế giới đã ổn định. Mặt khác, hiện nay trong nước, bà con nông dân đã đến mùa thu hoạch một số loại lương thực, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc như ngô, đậu tương… nên sẽ không phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu của nước ngoài", ông Lịch nêu.

Cũng theo ông Lịch, trong quý 3 này, tổng đàn lợn và gia súc, gia cầm của khu vực phía Bắc và phía Nam được dự báo là sẽ đi vào ổn định và có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Do vậy, chưa cần phải sử dụng đến biện pháp nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu trong nước.

Bài, ảnh: Thái Vy
 

 


 

Bình luận
vtcnews.vn