Từ phạt học sinh đứng nắng tới cả làng mắc bệnh

Kinh tếThứ Năm, 30/06/2011 02:32:00 +07:00

(VTC News) - Sự việc 33 học sinh ở xã Đình Xuyên bị phạt đứng nắng chỉ là hệ lụy của ô nhiễm môi trường, thủ phạm gây ra nhiều bệnh tật cho người dân nơi đây...

(VTC News) - Theo người dân nơi đây, từ khi xuất hiện 10 xưởng sản xuất gỗ nằm ngay cạnh thôn 3 và thôn 6, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhiều người dân ở đây đã bị mắc các bệnh khô giác mạc, giảm thị lực cấp, tức ngực, khó thở, nhiễm độc thai nhi, dị tật bẩm sinh, ung thư máu...

Mũi xì ra máu, thai nhi chết yểu!

Gia đình chị Thạch Thọ Ngọc (37 tuổi) có 4 người thì 3 người đều bị mắc các bệnh về đường hô hấp. 

Theo chị Ngọc, từ năm 2005 đến nay, lúc nào 3 mẹ con chị cũng bị viêm mũi, khó thở, ho sặc sụa. Đến tháng 6/2010, chị đi viện khám thì được xác nhận là bị viêm phổi. Sau nửa tháng điều trị tại bệnh viện huyện Gia Lâm, sáng đi tối về rất vất vả nhưng bệnh của chị vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.


Sổ khám bệnh của chị Ngọc 

Do bệnh tình ngày càng nặng hơn, nên hai vợ chồng chị đã đến nhiều bệnh viện tại Hà Nội nhưng các bác sỹ vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân dẫn đến bệnh của chị.

Cách đây hơn 2 tháng, chị Ngọc đến bệnh viên Tai – Mũi – Họng trung ương làm xét nghiệm và được chuẩn đoán là bị xoang mũi nặng, thoái hóa hết 2 xương gò mũi. Ngay sau đó, chị được các bác sỹ phẫu thuật mổ xoang mũi. Thông thường, việc mổ này có thể không triệt để khỏi bệnh, nhưng ít nhất cũng phải sau 2 năm mới tái phát. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi về nhà, bệnh của chị Ngọc lại tái phát.

Không chỉ chị Ngọc, 2 cậu con trai của chị cũng bị các triệu chứng liên quan đến đau mũi, khó thở. Chị kể, 2 cậu con trai nhà chị ngủ ở tầng 2, đêm không đóng cửa chớp vì muốn có không khí, ngủ cho thoải mái. Nhưng sáng nào dậy, các cháu cũng kêu “Mẹ ơi con đau mũi lắm”, xì ra thì thấy máu lẫn với nước mũi.

“Không chỉ 3 mẹ con tôi bị bệnh, mà gần như cả xóm ai cũng bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp. Riêng tôi, cả tháng có 30 ngày thì chỉ có ăn và uống thuốc chữa bệnh”, chị Ngọc tâm sự.


Mắt con trai chị Ngọc xuất hiện những vết sẹo trắng 

Chị Phạm Thị Hương, nhà xóm 6, ngay sát một phân xưởng sản xuất gỗ cũng cho biết, từ 2 năm trở lại đây, người chị thường xuyên có biểu hiện tim đập nhanh, khó thở, nước mắt chảy ra.

“Lúc đầu tôi nghĩ là do cơ địa mình yếu, nhưng sau 2 lần ngất xỉu và thấy nhiều người trong làng cũng có những biểu hiện lạ về sức khỏe giống như tôi, tôi mới đi khám và phát hiện ra mình bị bệnh về đường hô hấp”, chị Hương kể.

Ngoài các bệnh về hô hấp, nhiều người dân trong làng còn mắc các bệnh như đẻ non, trẻ con chậm phát triển, viêm da, khô giác mạc.

Chị M. (xin được giấu tên) xót xa kể lại: “Tôi mang thai đến tháng 5 thì thấy có những dấu hiệu bất thường. Lên bệnh viện phụ sản Hà Nội siêu âm thì được biết, em bé bị nhiễm độc do môi trường sống bị ô nhiễm nên phải bỏ cái thai”.

Nhiều đứa trẻ tại xóm 3 và xóm 6 xã Đình Xuyên cũng bị chậm lớn như trường hợp bé Đạt, sinh ra được 3,9 kg, sau 4 tháng tóc rụng hết và chỉ tăng được 1,2 kg lên 5,1 kg.


Phải chăng nguyên nhân từ các xưởng gỗ?

Theo nhiều người dân tại thôn 3 và thôn 6 xã Đình Xuyên, nguyên nhân khiến cho nhiều người dân trong thôn bị mắc các chứng bệnh trên là do các cơ sở sản xuất gỗ dán và gỗ ép có sử dụng các chất Phomalđêhít.

Anh Nguyễn Duy Thông, sống tại đây cho biết: hoạt động sản xuất của các xưởng gỗ đã có từ chục năm nay, nhưng trước đây, chỉ có 2 hộ sản xuất với sản lượng còn thấp (mỗi hộ có 1 – 2 máy ép gỗ) và sử dụng loại keo có nguồn gốc từ nhựa cao su và hầu như không chứa chất Phomalđêhít.

Nhưng từ năm 2004, số lượng các cơ sở đã tăng lên nhanh chóng, đến nay trên địa bàn xã đã có 10 cơ sở, tất cả các cơ sở đều sử dụng loại keo dán có tên khoa học là Urêphomalđêhít do được trưng cất từ đạm Urê trong nông nghiệp và dung dịch Phomalđêhít 37% nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các xưởng sản xuất gỗ nằm ngay sát khu dân cư 

“Các anh chị thử tưởng tượng xem, năm 2009, các cơ sở sản xuất gỗ này có thể dùng đến 2 tấn Phomalđêhít để sản xuất”, anh Thông nói.

Khi đến khảo sát thực tế, phóng viên VTC News cũng chưa biết được cụ thể các chất gây độc hại là gì, nhưng khi đặt chân vào Thôn 3 và Thôn 6 thì điều dễ nhận biết nhất là một mùi hăng hắc, cay cay xộc thẳng vào mũi. Chỉ ngồi khoảng một tiếng đồng hồ là mũi của phóng viên đã có dấu hiệu hơi cay cay, khô và thấy khó thở.

Theo chị Ngọc, lúc đầu người dân trong làng cũng không biết nguyên nhân vì sao lại có nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp đến thế. Sau đó, do đọc được một tài liệu của PGS. TS Lê Tự Hải, người dân mới biết được chất Phomalđêhít có thể gây hại tới sức khỏe như thế nào. Và các biểu hiện bệnh của người dân trong làng đều rất trùng khớp với tác hại của chất này.

“Các hộ sản xuất gỗ trong làng đều là anh em họ hàng của chúng tôi, 10 hộ làm thì có đến 9 hộ là người trong họ tộc, vì vậy, nhiều lần định đi kiện nhưng nể nhau nên chỉ nhắc nhở thôi. Nhưng thực sự đến giờ, bệnh của chúng tôi nặng quá rồi, trong khi mình nói thì họ cũng không nghe, vẫn sản xuất 24/24 tiếng mỗi ngày, nên chúng tôi không thể chịu được nữa”, chị Ngọc nói.

Khi được hỏi, vì sao chị biết bệnh của chị là do các cơ sở sản xuất gỗ? Chị Ngọc kể, tối 7/5 nhân dân thôn 3 và thôn 6 tổ chức đi cổ động nhân ngày môi trường, sau buổi cổ động đó, UBND xã đã yêu cầu các xưởng sản xuất gỗ ngừng sản xuất trong vòng 10 ngày.

“Ngay khi các xưởng ngừng hoạt động, bệnh của tôi đã có dấu hiệu tốt lên ngay. Bình thường sáng thức dậy thường xì ra máu, nhưng sau 3 ngày ngừng sản xuất thì mũi của tôi đã trở lại bình thường”, chị Ngọc nói.

Nhiều người dân khác trong làng cũng thừa nhận, ngay sau khi các xưởng này ngừng hoạt động trong vòng 10 ngày, các dấu hiệu như khô niêm mạc mắt, khó thở, đau rát mũi cũng giảm hẳn.

Không có giấy chứng nhận môi trường, vẫn hoạt động

Hoạt động sản xuất gỗ dán và gỗ ép ở địa bàn xã Đình Xuyên hoàn toàn tự phát từ những năm 1990. Ban đầu chỉ là 02 cơ sở với sản lượng còn thấp và sử dụng loại keo có nguồn gốc từ nhựa cao su và hầu như không chứa chất Phomalđêhít.


Các xưởng sản xuất gỗ vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có giấy chứng nhận môi trường 

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2004, hoạt động sản xuất đã dần mạnh hơn, tất cả các cơ sở đều sử dụng loại keo dán có tên khoa học là Urêphomalđêhít, được chưng cất từ đạm Urê trong nông nghiệp và dung dịch Phomalđêhít 37% nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo các hộ dân này, 10 xưởng sản xuất trên đã có những dấu hiệu vi phạm luật bảo vệ môi trường như: Thành lập dự án không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, sử dụng nguyên liệu keo dán có chứa chất độc hại Phomalđêhít và thải trực tiếp vào không khí.

Để tìm hiểu cụ thể sự việc trên, PV VTC News đã gặp chị Nguyễn Thị Lựu, chủ một xưởng sản xuất gỗ tại cánh đồng Trường Thi. Chị Lựu cũng thừa nhận: Cơ sở sản xuất của chị từ khi đi vào hoạt động chưa hề có giấy phép chứng nhận an toàn về môi trường. Lý giải vấn đề này, chị cho rằng, lúc đầu do chỉ làm theo hình thức nhỏ lẻ, có 1 máy ép gỗ, nên chưa chú ý đến vấn đề môi trường. Sau đó, do ăn nên làm ra nên gia đình chị mới mua thêm máy.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của 10 cơ sở sản xuất gỗ tại cánh đồng Trường Thi, ông Nguyễn Quang Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận đơn của người dân, chính quyền địa phương đã siết chặt việc kiểm tra các xưởng này. 

Ông Tĩnh cho biết, xã đã yêu cầu đình chỉ các cơ sở sản xuất này trong vòng 20 ngày để cải tiến máy móc và đưa ra phương hướng cải thiện môi trường. 

Cũng theo ông Tĩnh, đại đa số các xưởng sản xuất khi được nhắc nhở đều đã thực hiện rất đúng quy trình khử mùi: Cho máy hút mùi keo lên chạy qua ống thông xuống dàn mưa tự động, qua bộ phận lọc của than hoạt tính, thoát ra ngoài. Riêng 2 xưởng ép dăm, xã đã đình chỉ hẳn vì bụi và mùi phát tán rất rộng. 

Theo đó, trước mắt, nếu 8 xưởng còn lại đạt được 60 -70% về đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường thì xã vẫn tiếp tục cho các hộ sản xuất. Sau đó, trong vòng 1 tháng, các hộ này phải tiếp tục cải tiến, nếu không có giấy chứng nhận môi trường và giấy đảm bảo sản xuất sạch cũng sẽ bị đình chỉ.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc. Mời bạn đọc cùng theo dõi các kỳ tiếp theo!

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn