Người nghèo muốn mua nhà: Phải tích lũy từ... thời Lý

Kinh tếThứ Sáu, 27/05/2011 07:20:00 +07:00

(VTC News) - Để mua một căn hộ chung cư cấp thấp giá khoảng 1,5 tỷ đồng, người có thu nhập 2,5 triệu đồng/ tháng có thể phải làm việc và tích lũy từ thời Lý.

(VTC News) - Một chuyên gia tính toán, để mua một căn hộ chung cư cấp thấp giá khoảng 1,5 tỷ đồng, người có thu nhập 2,5 triệu đồng/ tháng có thể phải làm việc và tích lũy từ thời Lý đến giờ.

 

Khó hơn lên trời

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, ngoài yếu tố thắt chặt tín dụng, một trong những nguyên nhân khiến cho giá bất động sản giảm mạnh thời gian gần đây là do cung đã tăng hơn cầu. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản VN thời gian qua phát triển chủ yếu là do cầu đầu cơ, do vậy cung vượt cầu là cầu đầu cơ, còn thực tế, đối tượng người có thu nhập thấp thì giấc mơ được sở hữu một căn nhà ở Hà Nội vẫn là quá xa xỉ.


Hiện nay bất động sản có giảm giá, nhưng là ở phân khúc cao cấp, còn các phân khúc trung bình thì vẫn đứng giá.



“Thị trường trầm lắng như hiện nay là trầm lắng ở nhà đầu cơ, còn nhu cầu thực lúc nào cũng có vì mua nhà là nhu cầu thiết yếu”, ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Hàng không Thăng Long nhận đinh.



Mặt bằng giá căn hộ chung cư đã giảm một cách đáng kể so với cách đây 1 năm, tuy nhiên để cho một gia đình sống bằng lương mua được 1 căn hộ thì vẫn còn là giấc mơ xa vời (Ảnh chỉ mang tính minh họa) 


Theo lời chào bán là giá gốc, nhưng giá của mỗi căn hộ tại dự án Time City (Hà Nội) đang được bán là 28 – 29 triệu đồng/m2. Như vậy, với mỗi căn hộ 100 m2, giá là gần 3 tỷ đồng.



Trong khi đó, với mức thu nhập bình quân của một gia đình trung bình ở Hà Nội, từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, thì việc sở hữu được 1 căn hộ chung cư quả là quá xa vời.



Không chỉ với người thu nhập thấp, ngay cả với những đối tượng thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng, muốn sở hữu được 1 căn hộ chung cư cũng phải tiết kiệm ít nhất 10 năm hoặc có sự trợ giúp từ gia đình.



Chị Hải, chuyên viên của Bộ Tư Pháp tâm sự: “Thu nhập cả tháng của hai vợ chồng chị khoảng hơn 6 triệu đồng. Tiền thuê mỗi tháng đã “ngốn” hơn 2 triệu đồng. Ăn còn không đủ, nói gì đến chuyện mua nhà”.



Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội, Giám đốc Cường Phát Group, hiện nay có nhiều dự án nhà thu nhập thấp, giá chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2, nhưng với người có thu nhập là ước mơ, tích góp bao nhiêu năm cũng khó mua được.



“Thực trạng nhức nhối hiện nay là giá nhà cao hơn thực tế. Thấp và cao bao nhiêu cũng chưa có thang nào quy định, không ai có thể nói 8 hay 10 triệu đồng/m2 là cao hay thấp? Chính điều này đã làm cho giá nhà luôn cao hơn mức thực tế, và làm cho người thu nhập thấp ít có cơ hội sở hữu nhà hơn”, ông Cường phân tích.



Còn theo ông Đặng Hùng Võ, một chuyên gia về bất động sản thì, dù giá nhà giảm, người nghèo vẫn chưa có cơ hội để sở hữu nhà, nhưng đó là dấu hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản, đưa về gần với giá trị thực hơn.



“Giá bất động sản giảm, trước mắt giá thuê nhà của người có thu nhập thấp cũng sẽ có thể “dễ thở” hơn. Đặc biệt, trong tương lai, giá nhà sẽ còn tiếp tục giảm, như vậy sẽ tăng cơ hội cho người thu nhập thấp có nhà hơn”, ông Võ nói.

 

Tuy nhiên, những người có thu nhập thấp, thậm chí, thu nhập khá cao vẫn xem mua nhà là việc khó hơn lên trời. Và không ít người đã phải trả giá cho giấc mơ này.

 

Trả giá cho giấc mơ

 

“An cư lạc nghiệp”. Tâm lý này ảnh hưởng vào tâm tư người châu Á cả ngàn đời nay. Chính vì vậy, người dân ở khắp đất nước khi đổ về Hà Nội đều ấp ủ mong ước có chốn chui ra, chui vào dù nhỏ bé. Những người thu nhập quá thấp như công nhân lương 2 triệu một tháng thì biết đó là giấc mơ quá xa vời nên không thèm… mơ nữa. Trong khi những người thu nhập cao hơn một chút lại luôn cố gắng mua nhà đất.

 

Chị Thanh, quê ở Thái Bình, là thư ký tòa soạn một trang báo điện tử làm việc ở Hà Nội đã được 8 năm. Từ khi lấy chồng sinh con, chị mới xác định không thể không mua nhà vì thuê nhà mang ại khá nhiều phiền phức. Mỗi tháng chị “mất không” 3,5 triệu. Nhưng tệ hơn cả là chị không có quyền gì trong ngôi nhà đang ở. Chị muốn lắp điều hòa nhưng chủ nhà không đồng ý.



Chỉ mỗi việc đóng đinh vào tường để mắc dây màn, chủ nhà cũng lắc đầu. Nhiều người bạn của chị thậm chí còn bị chủ nhà bất ngờ đuổi đi. Chị Thanh cho biết,với một sinh viên, điều đó không ảnh hưởng quá lớn nhưng với một người có con, đây thực sự là vấn đề nan giải.

 

Năm ngoái, hai vợ chồng chị cố gắng mua được mảnh đất ở Đông Anh, cách Hà Nội hơn 20km với giá 14 triệu đồng/m2. Chỉ sau một năm, giá đất đã tăng lên 22 triệu đồng/m2. Người ngoài ai cũng chúc mừng chị thắng lớn nhưng chị tâm sự thật lòng rằng cả nhà đang mất ăn mất ngủ vì cái “thắng lớn” kia.

 

Chẳng là năm ngoái với số tiền tiết kiệm được quá ít ỏi, chị phải “cắm” sổ đỏ ở quê vay ngân hàng với lãi suất 17%/năm. Tuy nhiên, cách đây mấy tháng, khi lãi suất lên cơn sốt, chị nhận được thông báo của ngân hàng tăng lãi suất lên 24%. Như vậy, mỗi tháng, chị phải trả tiền lãi hơn 7 triệu. Với tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ  11 triệu, đây quả là gánh nặng rất lớn.

 

Chị Thanh kể tiền kiếm được gia đình dồn hết vào trả nợ. Nhiều khi, hai vợ chồng chỉ còn vài chục nghìn trong túi. Tiền nuôi con nhỏ thỉnh thoảng phải “nhờ” bà nội. Nhưng bà nội không thông cảm nên thỉnh thoảng hay nói ra nói vào, không khí gia đình trở nên vô cùng căng thẳng.

 

Anh Lân, quê ở Yên Bái phải trả giá nặng hơn chị Thanh. Sau cả năm trời tìm mua đất trong nội thành không được, anh xuống Nhổn và tạm hài lòng với mảnh đất giá 15 triệu đồng/ m2. Để có được số tiền mua đất, anh phải vay ngân hàng, vay bố mẹ, họ hàng với lãi suất không hề thấp. Bỏ ra 600 triệu đồng, anh hy vọng có thể sớm xây được ngôi nhà để hai vợ chồng an cư lạc nghiệp.

 

Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm nên anh đã bị lừa. Chủ đất nói mảnh đất đó đang trong diện tranh chấp. Nếu muốn làm được sổ đỏ, anh phải mua cả mảnh bên cạnh của người em. Nhưng do không đủ tiền nên anh Lân không mua đất nữa và bị phạt… 100 triệu đồng. Thiệt đơn, thiệt kép, vợ chồng anh không những trắng tay mà còn phải đèo thêm bao khoản nợ. Kết quả là đến bây giờ, bố mẹ anh vẫn phải chu cấp cho cả gia đình nhỏ của anh.

 

… không có thực

 

Sau những thua thiệt khi mua đất mà không có tiền, chị Thanh, anh Lân đều cùng quan điểm nếu nghèo thì đừng mơ mua đất Hà Nội, đừng cố mua ngay cả khi đất giảm mạnh như hiện nay. Vì theo tính toán đơn giản, thu nhập của người dân quá thấp so với giá đất.

 

Theo UBND thành phố Hà Nội, năm 2010 tăng trường GDP của thủ đô ước đạt 11%, thu nhập bình quân đạt khoảng 37 triệu đồng (tương đương 1.900 USD). Để mua một căn chung cư cấp thấp giá khoảng 1,5 tỷ thì một người phải mất hơn 40 năm không ăn, không uống. Nếu một gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm thì số năm được rút xuống 20.

 

Đó là tính theo mức thu nhập trung bình. Còn với thu nhập cao 40 triệu đồng/tháng như gia đình chị Hoa thì phải mất hơn 4 năm không ăn uống, tiêu pha mới mua được căn nhà 2 tỷ. Và nếu trừ đi chi phí tối thiểu đảm bảo cho gia đình gồm bố mẹ và hai con thì chị Hoa phải mất 8 năm. Như vậy, với khoản thu nhập khá cao, chị Hoa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn dù chỉ là mua nhà cho người… thu nhập thấp (khoảng 600 triệu đồng/căn).

 

Chị Hoa than thở, mua căn hộ chung cư đã khó, mua nhà riêng còn khó hơn lên trời. Chị tính, ở nội thành, dù đi sâu vào tít ngõ ngách bên trong, 1 m2 đất ít nhất cũng có giá 50 đến 60 triệu đồng. Với khoản thu nhập được nhiều người mơ ước, chị Hoa cũng khá dè dặt với ý định mua nhà Hà Nội dù thời điểm này căn hộ chung cư đang đua nhau giảm giá.

 

Tuy nhiên, sau khi tính toán, chị Hoa quyết định huy động tiền từ hai bên nội ngoại để mua mảnh đất cắm dùi với ý nghĩ mua đất sẽ càng ngày càng khó hơn. Nhận xét của chị Hoa không phải không có lý khi đất đai trở nên vô cùng khan hiếm. Theo tổng cục thống kê, năm 2010, mật độ dân số Hà Nội là 3.490 người/km2, cao gấp 100 lần so với chuẩn. Mật độ dân số Hà Nội được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi mà lượng người đổ về Hà Nội ngày càng nhiều.

 

Khánh Vân - Châu Anh





 

Bình luận
vtcnews.vn