Đừng tăng lương: Không phải chúng tôi nói “dỗi”

Kinh tếThứ Ba, 24/05/2011 01:32:00 +07:00

(VTC News) - Sau gần một tháng Chính phủ đưa ra quyết định nâng lương thêm 10%, nhiều người vẫn tỏ ra khá thờ ơ thậm chí "lo sợ" với thông tin "đáng mừng" này.

(VTC News) - Sau gần một tháng Chính phủ đưa ra quyết định nâng lương cơ bản thêm 10% từ 730.000 lên 830.000 đồng/tháng (bắt đầu từ ngày 1/5), nhiều người vẫn tỏ ra khá thờ ơ  thậm chí "lo sợ" với thông tin "đáng mừng" này.

Sợ tăng lương

Từ vài năm trở lại đây, đón nhận quyết định tăng lương cơ bản, ngoài niềm vui người dân  thường đi kèm với nhiều nỗi lo. Lương tăng nhưng đồng tiền mất giá nên dù có tăng thêm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống.

Chị Nguyễn Thùy Linh (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) buồn rầu nói, lương tăng 10% không là gì so với giá xăng tăng 40%, tỷ giá tăng  9,3% và các mặt hàng tiêu dùng khác tăng trên 20%. Vì thế được tăng lương với tôi không quan trọng, mỗi tháng thêm 100.000 không giải quyết được vấn đề gì cả.

Nhiều người e ngại nâng mức lương cơ bản... 
Lương tăng càng khiến các bà nội trợ lo lắng khi giá thực phẩm đua nhau tăng giá. Chị Quỳnh Hương ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, mỗi lần nghe thông tin được tăng lương tôi thấy sợ hơn là mừng vì biết là giá cả đã tăng lại tiếp tục tăng thêm. Mặc dù lần này giá cả không tăng vọt lên như lần tăng lương trước nhưng nhìn chung vẫn nhích lên.

Còn anh Minh Huỳnh ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội lại cho rằng, lương tăng theo cấp số cộng, giá cả tiêu dùng thì tăng theo cấp số nhân, không biết mọi người thế nào chứ theo tôi nhà nước cứ để nguyên mức lương cũ cũng được vì khoản tăng không thấm tháp vào đâu, thà để lương thế có khi hàng hóa bình sẽ ổn hơn.

Hội chứng sợ tăng lương không phải cho đến thời điểm hiện nay mới có mà một vài năm trở lại đây đã thể hiện rất rõ. Khi nhà nước bắt đầu đưa ra thông tin chuẩn bị điều chỉnh mức lương tối thiểu thì một cuộc chạy đua giá cả cũng “đua” theo tăng giá. Và trong cuộc đua này bao giờ giá cũng tăng nhanh hơn lương gấp nhiều lần. Khi lương mới đang "rục rịch" tăng thì hàng loạt hàng hóa đã leo lên một sàn giá mới.

Thuê nhà trong ngõ 68, Cầu Giấy, Hà Nội, chị Thu Phượng than thở: "Giá nhà đang ở mức 1,8 triệu đồng đã tăng lên 2 triệu đồng/tháng, điện từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng/số, tiền vệ sinh khu nhà mỗi phòng tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng riêng tiền nhà tôi đã mất nguyên lương rồi chưa tính các khoản khác. Tôi thấy mình đang cực kỳ vất vả để sống mà không biết thời gian tới sẽ ra sao đây".

Sống trong vòng xoáy của giá cả, người dân hiểu rõ hơn thế nào là lạm phát. Thu nhập bình quân tăng lên cũng chưa đủ chi tiêu cho cuộc sống. Có thể nói, nhiều dân hiện nay đang sống một cách lay lắt, tiền lương chỉ đủ cho tiền nhà, tiền xăng còn mọi khoản sinh hoạt khác phải tằn tiện mới đủ.

Tăng lương là một nỗ lực của Chính phủ nhưng người dân đón nhận thông tin này không còn mặn mà vì không thấm vào đâu so với các khoản chi tiêu cần thiết. Do đó, điều quan tâm hơn việc tăng lương của người dân lúc này là làm thêm công việc gì để có thu nhập trang trải cho cuộc sống đỡ chật vật hơn.

Đến bao giờ người dân mới sống được bằng lương cơ bản

Mức lương cơ bản đã nâng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng nhưng giá cả sinh hoạt lại tăng mức chóng mặt. Trong những ngày vừa qua, giá một số mặt hàng thực phẩm đã "nhích" lên so với thời gian trước đó. Tại một số chợ thực phẩm, giá thịt lợn (mông) đã tăng từ mức 85.000 đồng lên 95.000 đồng/kg, thịt  lợn nạc tăng từ 95.000 đến 110.000 đồng/kg, sườn thăn 120.000 - 130.000 đồng/kg, cá trắm từ 85.000 lên 90.000 đồng/kg.Thịt gà công nghiệp từ 75.000 – 80.000 đồng/kg.

Rau muống từ 3.000 lên 3.500 đồng/mớ, cải xanh từ 2.500 lên 3.000 đồng/mớ. Ngọn su su từ 10.000 tăng lên 12.000 đồng/kg.  Rau dền từ 2000 lên 2.500 đồng/mớ. Mướp đắng 13.000 đồng/ kg.... Chưa kể, một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác đều có sự dao động về giá.

Các mặt hàng tăng giá cao, người tiêu dùng đắn đo khi đi mua sắm
(Ảnh mang tính minh họa)
 

Như vậy, câu hỏi đặt ra là đến bao giờ người dân mới có thể sống bằng lương?

Trong dự thảo cải cách hành chính, các cơ quan chức năng đang đưa ra nhiều kế hoạch để 10 năm nữa công viên chức nhà nước có thể sống bằng lương nhưng đó là cả một quá trình rất dài. Trong khi, người dân rất cần các giải pháp trước mắt để có thể bình ổn lại thị trường giá cả, đảm bảo cuộc sống.

Cô Đoàn Thị Hằng ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, mỗi lần tăng lương tôi thấy nhiều anh chị trong trong cơ quan không vui. Lương tăng nhưng mức sống đi xuống, công nhân viên chức cầm đồng lương trên tay lo lắng không biết phải chi tiêu ra sao. Trước đây lương vài trăm nghìn vẫn dễ sống hơn bây giờ nhiều. Vì thế, nói lương tăng mà thu nhập lại giảm cũng không sai. 
 

Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho biết, việc tăng lương theo lộ trình là điều cần thiết, tuy nhiên mức tăng của lương hiện nay không đủ bù đắp mức trượt giá của các mặt hàng.

 

Chia sẻ với PV VTC News, chị Nguyễn Thị Tâm (Nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết, tâm lý được tăng lương ai mà không thích nhưng mức sống và giá cả hiện nay so với mức lương được tăng thì không giải quyết được gì.


"Chúng tôi không hề nói “dỗi”, mà chỉ muốn kiến nghị nếu đã tăng thì tăng nhiều một lần để đối đầu với giá cả. Còn nếu điều chỉnh ít một như hiên nay nên cho vào một khoản phụ phí khác để hỗ trợ người dân”. - Chị Tâm kiến nghị.

Theo đại diện một doanh nghiệp dệt may, mấy năm gần đây, tiền lương danh nghĩa của người lao động tăng nhưng không bù được tốc độ trượt giá. Nếu so với các nước trong khu vực, lương tối thiểu của Việt Nam đang khá thấp. Do vậy, để giữ chân người lao động trong thời điểm lạm phát hiện nay, một số doanh nghiệp đã phải tăng lương tuy nhiên vị đại diện này cũng thừa nhận, dù được điều chỉnh lương nhưng mức lương công nhân hiện nay cũng không thấm gì so với mức tăng giá các mặt hàng.


Còn đối với những người nông dân chân lấm tay bùn như bà Nguyễn Thị Hến, nông dân tại Khu 2 Mê Linh thì bản thân bà và gia đình làm nông nghiệp nên không được hưởng lợi gì từ việc tăng lương song hệ lụy từ việc giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng giá hàng ngày thì gia đình bà đã “lãnh đủ”.

 

“Tăng lương chúng tôi không quan tâm nhiều vì cả đời chúng tôi chẳng bao giờ được tăng. Với những người làm công ăn lương tăng lương là điều nên làm song nhà nước làm sao để giá cả ổn định mới là quan trọng nếu không với tình trạng này thì người nông dân như chúng tôi càng ngày càng khó, “trăm dâu đổ đầu tằm””,


Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2011, mức tăng của lương tối thiểu năm 2011 vẫn chỉ “lẽo đẽo” chạy theo mức tăng giá hiện nay. Nhưng việc tăng lương cơ bản trong năm 2011 sẽ ít gây tác động lên mặt bằng giá, hoặc nếu có, cũng không kéo dài.

Huyền Anh - Ngọc Liên




Bình luận
vtcnews.vn