Thả nổi giá điện: Chỉ mình EVN đắc lợi ?

Kinh tếThứ Sáu, 20/05/2011 12:50:00 +07:00

(VTC News) – Theo TS Lê Đăng Doanh: Việc thả nổi giá điện theo cơ chế thị trường vào thời điểm này cần hết sức thận trọng vì có thể chỉ lợi cho EVN.

(VTC News) – “Việc thả nổi giá điện theo cơ chế thị trường vào thời điểm này cần hết sức thận trọng vì có thể chỉ lợi cho EVN trong khi tình hình kinh tế của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân đang khó khăn” – Đó là ý kiến của TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM ).

 

 Theo TS Lê Đăng Doanh: Việc thả nổi giá điện theo cơ chế thị trường vào thời điểm này cần hết sức thận trọng vì có thể chỉ lợi cho EVN.

Theo công bố của Bộ Công Thương tại cuộc họp về thị trường phát điện cạnh tranh mới đây, thị trường điện cạnh tranh sẽ được vận hành qua 2 giai đoạn - thử nghiệm và chính thức. Trong đó, giai đoạn vận hành thí điểm được thực hiện bắt đầu từ 1/7/2011. Giai đoạn chính thức được thực hiện từ năm 2012 đến hết 2014.

 

Theo hình thức mới này, các công ty phân phối độc lập cạnh tranh, mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện hoặc qua thị trường và ngược lại, các đơn vị phát điện cũng cạnh tranh để bán điện cho các đơn vị mua buôn. Các đơn vị bán buôn cạnh tranh để bán điện cho các đơn vị phân phối và các khách hàng lớn.

Trao đổi với báo chí tại buổi hội nghị triển khai thị trường điện cạnh tranh diễn ra vào ngày 18/5 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - Đào Văn Hưng cho biết: "Thả" giá điện theo cơ chế thị trường được coi là bước đầu để EVN tính đúng, tính đủ giá bán theo chi phí đầu vào để tránh lỗ”.

 

Trong khi đó, trao đổi với VTC News, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lại băn khoăn với câu hỏi: “Giá cơ chế thị trường” này là cơ chế gì? Khi giá điện hiện được tính trên thị trường đang còn là một điều tranh cãi. Bởi lẽ bản chất của cơ chế thị trường là phải cạnh tranh, có cạnh tranh thì các doanh nghiệp mới có thể nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam điện lại đang là ngành độc quyền của EVN. “Phải chăng, trong sự việc này chỉ mình EVN là hưởng lợi?” – đó là điều mà nhiều người dân cũng như các đơn vị kinh doanh điện đã và đang quan tâm.

 

“Mục đích của cơ chế thị trường là mọi người đều có lợi, khi nâng giá điện cao hơn, mọi người sẽ phải tiết kiệm và cũng có khả năng thu hút được đầu tư, nhưng nếu không kiểm soát được sự độc quyền của EVN thì lúc bấy giờ, giá điện sẽ bị đội lên, chi phí kinh doanh sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Lạm phát sẽ thêm một lần nữa trở nên căng thẳng. Điều đó có thể có lợi cho ngành điện nhưng sẽ không có lợi cho người dân và cho nền kinh tế nước nhà” – TS. Lê Đăng Doanh nhận định. 

 

Do đó, theo TS. Lê Đăng Doanh: Thời điểm hiện tại nếu tiến hành “thử” thả nổi giá điện thì cần phải hết sức thận trọng vì có thể điều này chỉ có lợi cho riêng EVN mà bất lợi cho nhiều người.

 

TS Doanh trăn trở: “Nếu EVN cứ báo lỗ rồi nâng giá điện thì không biết mọi việc sẽ đi tới đâu?”. (Ảnh minh họa internet)
“Tình hình kinh tế - xã hội nói chung hiện nay rất khó khăn, doanh nghiệp cũng như đời sống người dân đang gặp rất nhiều cản trở. Nếu để giá điện tính theo cơ chế giá thị trường có nghĩa là cứ 3 tháng một lần EVN “có thể” được tăng giá điện, như thế là điều cần hết sức nghiêm trọng” – TS. Doanh nhấn mạnh.

 

Trước đó, trong buổi hội nghị triển khai thị trường điện cạnh tranh, lãnh đạo EVN cũng đã từ chối trả lời về khả năng giá điện sẽ tăng khi quá trình thử nghiệm cơ chế thả nổi giá điện mới được áp dụng, bắt đầu từ 1/7. Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN - Đào Văn Hưng chỉ nhấn mạnh: Tất cả các đơn vị của EVN đã sẵn sàng cho cơ chế điện cạnh tranh.

 

Việc sẵn sàng cho các lĩnh vực tự bơi theo cơ chế thị trường là điều hẳn nhiên cần được sớm triển khai, song việc thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/7 không khiến vị chuyên gia kinh tế cao cấp như TS Lê Đăng Doanh băn khoăn, lo lắng. “Giá thành của EVN là thế nào và EVN đầu tư ra ngoài ngành đến 38% thì số đầu tư đó có tính vào chi phí để người dân dùng điện phải gánh chịu hay không? Thêm vào đó, tổn thất trên đường dây là bao nhiêu? Trên thực tế, thu nhập của ngành điện cao hơn các ngành khác rất nhiều, điều đó có hợp lý hay không?”, TS Doanh kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan cần làm rõ những điều còn “tù mù” trên.

 

Trong bối cảnh EVN đang kêu lỗ, có nhiều ý kiến cho rằng: Việc thả nổi giá điện có phải là "vẽ đường cho hươu chạy" khi viện vào cớ báo lỗ mà EVN sẽ điều chỉnh giá điện tăng đến khi hòa vốn và có lãi. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc kêu lỗ của EVN chỉ là đơn phương, “lỗ trên cơ sở tính toán giá thành nào?” khi không có thị trường cạnh tranh? Ngoài ra, “báo lỗ bao nhiêu phải được công khai và có kiểm toán” – việc này, liệu EVN đã công khai và mình bạch? Từ đó, TS Doanh trăn trở: “Nếu EVN cứ báo lỗ rồi nâng giá điện thì không biết mọi việc sẽ đi tới đâu?”.

 

Do vậy, TS. Doanh đề nghị các cơ quan Nhà nước phải công khai minh bạch, giám sát độc quyền và phải có kiểm toán, cũng như công khai tài chính để người dân được nắm rõ.

 

“Về tương lai phải thực hiện việc áp dụng một giá linh hoạt, đồng thời giám sát cơ chế độc quyền của EVN - Đó là điều cốt lõi để giá điện trong thời gian tới được tính đúng và đủ, đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân”, TS Doanh kết luận.

 

Bài, ảnh: Lan Phương

Bình luận
vtcnews.vn