DN xăng dầu: Còn lâu giá xăng trong nước mới giảm

Kinh tếChủ Nhật, 15/05/2011 02:10:00 +07:00

Hầu hết các doanh nghiệp đều tiết lộ là chưa nghĩ đến "viễn cảnh" giảm giá xăng dầu nếu giá thế giới tiếp tục hạ trong thời gian tới.

Giá xăng dầu thế giới đang giảm và tỷ giá USD đã hạ nhiệt, nguồn cung USD tại ngân hàng cũng dồi dào hơn khiến nhiều người kỳ vọng giá xăng trong nước nhiều cơ hội hạ "nhiệt". Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều tiết lộ là chưa nghĩ đến "viễn cảnh" đó.

Giá dầu thô trên thế giới bắt đầu xu hướng tăng liên tục từ cuối tháng 3, từ mức 104,8 USD một thùng vào ngày 29/3 lên đỉnh 113,9 USD một thùng vào ngày 29/4. Sau đó, giá bắt đầu chững lại và quay đầu giảm, tới ngày 11/5 thì về mức 98,2 USD một thùng. Như vậy, so với mức 104,8 USD một thùng vào ngày 29/3 (ngày tăng giá xăng trong nước) thì giá dầu thô thế giới hiện đã giảm 6,6 USD mỗi thùng (tương đương 6,3%). Còn so với mức giá đỉnh trong đợt "sốt" vừa qua, giá dầu thô giảm tới 15,7 USD (tương đương gần 14%).

Một số DN kinh doanh xăng dầu cho rằng kì vọng việc giảm giá xăng trong ngắn hạn này khó xảy ra. 
 
Còn giá USD trong nước cũng đã hạ mạnh so với thời điểm giá xăng tăng 2 lần trước. Cụ thể, tỷ giá USD tại ngân hàng bắt đầu xu hướng giảm kể từ ngày 19/4 đến nay. Nếu như trước đó giá USD ở mức 20.940 đồng thì sau 19/4, tỷ giá tại các nhà băng đã giảm đáng kể, và mức thấp nhất là 20.590 đồng một USD vào ngày 28/4.

Không những tỷ giá USD giảm mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn dễ dàng mua USD hơn từ ngân hàng thời gian gần đây, chứ không còn gặp khó khăn như trước. Hiện nguồn cung cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã tăng đáng kể, có doanh nghiệp mua được hơn 1 tỷ USD. Còn trong báo cáo về hoạt động ngân hàng tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã mua được khoảng 898 triệu USD để thanh toán nhập khẩu xăng dầu.

Những yếu tố trên là nhân tố chính tác động lên sự tăng giảm của giá xăng trong nước. Thế nhưng giá xăng dầu bán lẻ hiện vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ giảm thời gian tới. Một đại diện của Bộ Tài chính cũng cho hay, chưa nhận được văn bản đề nghị giảm giá của doanh nghiệp nào.

Theo giải thích của ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro, đúng là giá xăng thế giới đang giảm, nhưng theo quy định của Bộ Tài chính thì giá xăng bán lẻ phải tính trên giá cơ sở nhập từ thị trường Singapore trong vòng 30 ngày trước đó. “Nếu tính theo cách này, giá xăng Ron 92 bán ra hiện tại (22.230 đồng một lít) đang lỗ tới 900 đồng mỗi lít. Hơn nữa, thời điểm giá dầu thô thế giới giảm mạnh mấy hôm trước, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore cũng có hạ nhiệt nhưng mức giảm không tương xứng, trong khi các doanh nghiệp đầu mối tính giá cơ sở là giá nhập từ thị trường Singapore”.


Còn ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Công ty xăng dầu Quân đội thì phản ứng: “Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã lỗ nặng 7 – 8 tháng nay, giờ giá xăng mới giảm được vài ngày đã nhằm nhò gì. Nhiều thời điểm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ do giá xăng dầu thế giới lên cao, thì khi giá xăng dầu thế giới giảm cũng cần độ trễ để các doanh nghiệp giảm giá. Tính giá cơ sở trung bình 30 ngày qua thì giá xăng bán ra tại Công ty xăng dầu Quân đội đang lỗ trên dưới 1.000 đồng”.

Nhận định liệu giá xăng có giảm thời gian tới khi giá dầu thô thế giới tiếp tục xu hướng giảm, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng việc này khó xảy ra.

Theo Tổng giám đốc Saigon Petro Đặng Vinh Sang, có nhiều khả năng Bộ Tài chính sẽ nâng thuế nhập khẩu xăng dầu lên, chứ ít có khả năng giá xăng dầu bán ra trong nước giảm trong ngắn hạn. Bởi thời gian qua, giá xăng dầu thế giới lên cao, để kiềm lạm phát trong nước, Bộ Tài chính đã miễn thuế nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp (từ ngày 23/2). Trong khi đó, một nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước là từ thuế nhập khẩu xăng dầu, khoảng vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, thuế nhập khẩu mặt hàng trọng yếu này khó mà giữ mức 0% lâu được.

Theo Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn