Chê BĐS, giới địa ốc chuyển sang cho vay nặng lãi

Kinh tếThứ Sáu, 13/05/2011 09:37:00 +07:00

Dân đầu tư chuyên nghiệp tại các chợ đất nổi tiếng Hà Nội bỏ buôn đất chuyển sang cho vay nặng lãi.

Thị trường ế ẩm, giá bất động sản giảm thê thảm trong khi lãi suất huy động và cho vay tăng cao khiến cho dân đầu tư chuyên nghiệp tại các chợ đất nổi tiếng Hà Nội bỏ buôn đất chuyển sang cho vay nặng lãi.

Trong khi lãi suất cho vay ngày càng tăng cao, thị trường đóng băng để cầm cự qua ngày, tại chợ đất Văn Phú, Xa La nhiều chủ văn phòng môi giới nhà đất đã xoay sang hướng cho vay “nóng” với mức lãi suất cao khung khiếp.

Nguyễn Long – chủ văn phòng bất động sản tại Văn Phú cho biết, nhiều ngày nay các văn phòng môi giới gần như đóng cửa vì quá vắng khách. Không đành ngồi nhìn thị trường giảm, sẵn có lưng vốn anh chuyển sang cho vay "nóng" nếu vay 1 triệu đồng tiền lãi 3.000 đồng/ngày. Con số này mới nghe tưởng nhỏ nhưng tính sơ sơ nếu cho vay 1 tỷ đồng 1 ngày mức lãi suất là 3.000.000 đồng/ngày và 1 tháng 90.000.000 đồng. Con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều khi tiền cho vay nhiều và thời gian vay kéo dài. Điều kiện vay cực kỳ đảm bảo và an toán đó là người đi vay phải thế chấp sổ đỏ.

Chị Thu Huyền – nhân viên môi giới bất động sản cho biết, chợ tiền nóng tại khu vực quanh khu đô thị Văn Phú hoạt động khá sôi động từ đầu tháng 5 trở lại đây. Nhiều nhân vật nổi đình đám tại chợ đất này giờ chán không buôn bất động sản nữa chỉ chăm chăm cho vay nặng lãi.

“Khác với mọi năm, lúc thị trường đóng băng giảm mạnh dân đầu cơ chuyên nghiệp thường tung tiền mua vào những lô đất rẻ tuy nhiên hiện tại có những lô đất hoặc nhà liền kề do chủ nhà quá cần tiền đã giảm giá khá mạnh khoảng 10-15 triệu đồng/m2 mà chẳng có văn phòng nào nhập hàng vào. Đơn cử như dự án Geleximco khu C, D lô đường to thời điểm nóng giá mỗi m2 lên đến 60-62 triệu đồng triệu đồng/m2 nhưng hiện tại có vài lô giảm còn khoảng 48- 50 triệu đồng/m2.

Nguyên nhân chính là bởi nhiều người còn mong chờ bất động sản sẽ tiếp tục giảm nữa, nếu xuống tiền lúc này phải ngâm vốn rất lâu thậm chí phải chờ thị trường sôi động mới thoát được hàng. Do vậy, các an toàn nhất chẳng thà cho vay nóng còn hơn gấp nhiều lần so với đầu tư bất động sản” chị Huyền giải thích.

Theo tìm hiểu phóng viên, đối tượng đi vay nóng kiểu này toàn là những người buôn bán lớn cần tiền để giải quyết công việc cá nhân hoặc có những thương vụ làm ăn lớn nhưng do lỡ nhịp không bán được bất động sản nên buộc phải vay nóng trong ngắn hạn khoảng 1 đến vài tuần.

Một nhà đầu tư cho biết, do cần tiền đặt cọc mua 10 lô đất đấu giá tại Đà Nẵng, theo kế hoạch tôi sẽ bán 1 trong 3 lô đất tại dự án Kim Trung – Di Trạch nhưng đen đủi thay lại đúng lúc thị trường ảm đạm. Hàng giao bán, liên tục giảm giá từ 2 tuần nay vẫn chưa bán được. Vì vậy, buộc phải vay nóng để trả tiền đặt cọc.

Không chỉ diễn ra tại các chợ bất động sản mà trên các trang mạng cũng đang "nở rộ" hoạt động cho vay nặng lãi. Chỉ cần gõ từ khóa "vay nóng" trong 1 giây cho 22 ngàn kết quả. Theo đó, điều kiện vay cũng tương tự thế chấp sổ đỏ nhà đất với mức lãi suất 2-4% và phí 4-8%, số tiền vay tối thiểu 200 triệu đồng.

Điều này cho thấy, dường như việc ngân hàng thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản lại là cơ hội khá tốt cho những "chợ tiền di động" phát triển mạnh.

Khảo sát thị trường cho thấy, lượng tiền khan hiếm vẫn đang tiếp tục dìm giá bất động giảm giảm mạnh. Nhiều khách hàng do quá cần tiền buộc giảm giá bán tuy nhiên số lượng hàng giảm mạnh mức 15 triệu đồng/m2 không phải là phổ biến mà chỉ có vài trường hợp, còn lại đất nền tại các dự án hầu hết giảm 7- 9 triệu đồng/m2.

Theo nhận định giới đầu tư, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn, giá sẽ giảm ít nhất hết tháng 5 – nửa đầu tháng 6. Nhiều khả năng sang giữa quý 3, kinh tế vĩ mô dẫn đi vào ổn định, lạm phát được kiểm soát, tín dụng sẽ bớt căng thẳng hơn. Lúc đó, bất động sản mới có thể hi vọng phục hồi.

Theo VnMedia

Bình luận
vtcnews.vn