NTD thờ ơ với hoa quả, tiểu thương đứng ngồi không yên

Kinh tếChủ Nhật, 03/04/2011 10:29:00 +07:00

(VTC News) - Trong lúc thắt chặt chi tiêu, nhiều người tiêu dùng không còn quan tâm đến việc mua trái cây ...

(VTC News) - Nhiều tiểu thương bán trái cây tại các chợ trên địa bàn Hà Nội đang đứng ngồi không yên khi lượng khách mua quá ít ỏi, thậm chí nhiều gia đình đã cắt bỏ khẩu phần hoa quả ra khỏi những thực phẩm cần mua để thắt chặt chi tiêu.

Người tiêu dùng thờ ơ… hoa quả

Dạo qua một số chợ trên địa bàn Hà Nội như Ngã Tư Sở, Láng Hạ, Thành Công, Nghĩa Tân các tiểu thương đều cho biết giá hoa quả đã tăng từ 20-30% so với trước Tết. Lý giải cho điều điều này vẫn là câu giải thích quen thuộc do chi phí vận chuyển tăng lên sau 2 lần xăng tăng giá. 

Tuy nhiên, với mặt hàng này điều đó gần như đúng và hoàn toàn có thể thông cảm được.  Bởi, hầu hết các loại trái cây đang bán trên thị trường Hà Nội đều được vận chuyển từ miền Nam ra hoặc Lạng Sơn về đó là chưa kể một số lượng không nhỏ hoa quả nhập ngoại,  vì vậy giá bán chắc chắn sẽ đội thêm một khoản chi phí xe cộ, sau mỗi trung gian từ điểm đầu về tại quầy bán của tiểu thương.

Theo lời của các tiểu thương giá hoa quả loại bình dân như ổi, xoài ta, táo nhỏ tăng từ 15.000 đồng/kg – 20.000 đồng/kg so với trước đây. Còn các loại trái cây tương đối xa xỉ như táo Mỹ, nho Mỹ, xoài Thái "xịn" tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Cô Thiện (tiểu thương chợ Thành Công) cho biết, trước đây thanh long từ 35.000 đồng/kg giờ có giá 60.000 đồng/kg, giá na từ 40.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg, vú sữa từ 35.000 đồng lên 60.000 đồng/kg.

Tủ lạnh nhiều gia đình không còn sự xuất hiện của trái cây.

Khi mà nhiều gia đình đang gồng mình trước bão giá, việc chi tiêu thế nào cho hợp lý đang khiến nhiều bà nội trợ đau đầu. Làm sao để gia đình vẫn có những bữa cơm ngon mà không phải tiêu tốn quá nhiều, cân đo đong đếm đủ đường để rồi nhiều người giờ quay lưng với hoa quả. Dẫu biết rằng trái cây cung cấp một lượng lớn vitamin, thế nhưng khi mà túi tiền chưa “rượt” kịp cơn bão giá thì nhiều người đành ngậm ngùi từ bỏ thói quen thưởng thức trái cây, để dè sẻn cho những chi tiêu khác cần thiết hơn.

5h chiều, thời điểm đông khách nhất trong ngày ở chợ Ngã Tư Sở. Trong khi hàng rau xanh, thịt, cá nườm nượp người mua thì hàng hoa quả lại khá tĩnh lặng, người bán đon đả hết lời mà chẳng mấy người tiêu dùng quan tâm. Chị Hà (nhân viên bảo hiểm) sau một lúc suy nghĩ cũng tiến tới quầy hàng hoa quả, điều ngạc nhiên là chị chỉ mua 2 quả thanh long nhỏ để làm sinh tố cho con gái 4 tuổi. Khi chúng tôi thắc mắc, chị Hà cho biết: “Mua để bồi dưỡng thêm cho con thế thôi. Ngày trước 2 quả thanh long này chỉ khoảng 15.000đồng giờ tận 25.000- 30.000 đồng tùy hàng bán. Bố mẹ dạo trước còn dám ăn hoa quả tráng miệng chứ giờ cắt hết, tiền đó để thêm vào mua thịt, cá cải thiện hàng ngày”.

Được biết, thu nhập vợ chồng chị Hà chỉ ở mức trung bình vào khoảng 6 triệu đồng/ tháng, nhưng tiền thuê người giúp việc và chi phí điện, nước cũng ngốn hơn nửa, chưa kể xăng xe, rồi hiếu hỉ nữa. Nên cách làm của chị xem như “chắt bóp” để thêm được chút ít, bù vào khoản chi tiêu khác trong lúc giá cả leo thang.

Còn chị Thu (Phường Nhân Chính – Quận Thanh Xuân) trước đây cũng thường xuyên mua trái cây để sẵn trong nhà. Vì thế,  tủ lạnh luôn đầy ắp hoa quả, mùa nào thức nấy. Thế nhưng, từ khi giá cả các mặt hàng lên cao, kéo theo giá trái cây đội theo, “kế sách” mới cũng phải được đưa ra.

Giờ đây, thay vì mỗi tuần gần 200.000 - 300.000 đồng tiền hoa quả như trước, gia đình chị chỉ mua 40.000 đồng - 50.000 đồng. Để làm được điều này, chị và chồng đã cùng đưa ra biện pháp cả tuần “nhịn” hoa quả, để dành mua mấy thứ bình dân như cam, táo, dưa hấu cho ngày nghỉ. Còn ngày thường hạn chế đến tối đa, chỉ khi có khách quý mới dám “vung tay”.

Chị Thu than thở: “Mỗi bữa đi chợ đã gần 200.000 đồng rồi, giờ thêm túi hoa quả 50.000 đồng nữa thì lấy đâu tiền để trang trải những việc khác. Nhà tôi xếp hoa quả vào hàng gây tốn kém ngang với quần áo, đồ đạc không cần thiết. Nên cứ cần thiết quá mới mua còn lại thì "nhịn" tạm vậy”.

Từ ngày xăng tăng giá, mỗi ngày đi chợ về cô Thơ (Phường Dịch Vọng Hậu – Quận Cầu Giấy) lại phát hoảng vì tiền cứ như bay vèo khỏi túi, mà trên tay chẳng có thức ăn gì. Thói quen cứ mỗi lần đi chợ lại tranh thủ chọn một số loại trái cây tươi ngon mấy năm nay cũng đã phải cắt bỏ, vì quan điểm của cô cho rằng: “Bây giờ thịt, cá cần thiết hơn, chọn được thức ăn còn đỏ cả mắt nữa là trái cây. Tụi nhỏ nhà tôi thích ăn nho Mỹ,  trước đây mua với giá 90.000 đồng/kg đã thấy đắt lắm rồi, bây giờ lên tận 150.000 đồng/kg nên chịu thôi”.

Tận mắt chứng kiến cuốn sổ ghi chép mấy năm của cô, tuyệt nhiên mấy tháng nay không có sự xuất hiện của hoa quả trong danh sách những thực phẩm, đồ ăn hàng ngày mà cô Thơ thống kê. Nếu như hồi tháng 10/2010, mỗi tuần gia đình cô mua hoa quả khoảng 4 lần/tuần, thì mức độ này giảm liên tục và từ tháng 2/2011 chỉ vào những ngày Rằm hoặc thỉnh thoảng mới chi khoảng 40.000 đồng – 50.000 đồng để thay đổi.

Người kinh doanh… ỉu xìu

Trong khi người tiêu dùng có vẻ thờ ơ với hoa quả, nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều gia đình nhìn nhận hoa quả là hàng hóa gây tốn kém cho túi tiến và không cần thiết như miếng thịt hay con cá. Những người chịu hệ lụy đầu tiên từ cách suy nghĩ này là tiểu thương bán trái cây ở các chợ.

Qua khảo sát của pv VTC News, chủ hàng hoa quả tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đều không khỏi than vãn về tình hình kinh doanh ế ẩm, hoa quả dù có tươi ngon đến mấy thì nhiều bà nội trợ nói riêng và khách hàng nói chung không mấy để tâm.

Theo phản ánh của tiểu thương, trong khi hàng rau, xanh, thịt, cá đắt hàng bao nhiêu thì hàng hoa quả lại hiếm người mua bấy nhiêu. Thậm chí, một số người bán đã phải cắt bớt mối hàng, lấy lượng trái cây ít hơn, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Và không ít người, vì bảo quản kém trong khi không có khách mua dẫn tới việc hoa quả bị thối, bầm dập không thu hồi được vốn.

Nhiều hàng hoa quả ở các chợ đang lâm tình cảnh ế ẩm vì người tiêu dùng tiết kiệm. 

Chị Hòa ( Tiểu thương chợ Ngã Tư Sở) kể: “Cách đây một tuần,  3 kg nho Mỹ của chị không có ai mua, thời tiết thay đổi đột ngột hỏng gần một nửa. Số còn lại bảo quản thêm mấy hôm rồi cũng phải đổ đi. Số tiền vốn cả mấy trăm nghìn chưa kịp thu hồi đã đổ xuống sông xuống biển cả”.

Tại quầy hoa quả của chị Thanh (Chợ Định Công – Hoàng Mai) theo quan sát của chúng tôi, lượng hoa quả khá khiêm tốn chỉ có một ít xoài Thái, cam sành và táo. Trong khi, hơn một nửa diện tích ở khu vực bên cạnh lại được tận dụng để bày bán cà tím, hành tây, rau thơm và một số loại đậu thu mua từ chợ đầu mối.

Chị Thanh cho biết: “Bán chán lắm em à, từ ngày giá cả đi lên, chị chỉ dám lấy mỗi ngày khoảng 20 kg, còn trước đây ngày nào cũng đều đặn hơn 50 - 60 kg các loại từ táo, xoài, cam, roi, nhãn, dưa hấu… Còn đâu bây giờ nhường chỗ để mua thêm rau xanh mà bán coi như thêm chút thu nhập”.

Vừa nói chị vừa chỉ cho tôi số hoa quả đang được bày bán, trước đây chỉ cần trong một buổi sáng có thể đã bán hết vèo tất cả, thậm chí còn phải đi lấy thêm khi khách có yêu cầu. Nhưng bây giờ, thậm chí phải ngồi ê ẩm 2 – 3 hôm mới có thể bán hết:  “Chủ yếu bán giữ khách quen để lúc nào có việc cần hoặc ngày Rằm họ còn mua cho, chứ nhiều người họ chẳng thích gì hàng chợ nữa. Vì đi siêu thị có khi  luôn thể mua thêm hoa quả để ăn dần”.

Cũng chung tình cảnh như chị Thanh, vợ chồng anh Diệu (chủ quầy hàng hoa quả ở chợ Phùng Khoang) cũng “méo mặt” khi buôn bán chẳng được cải thiện trái lại ngày càng ế ẩm. Theo lời anh Diệu, cuối năm ngoái lượng khách đã ít hẳn so với đầu năm, còn năm nay khách chủ yếu mua vào ngày rằm, hoặc đi lễ chùa hay có việc gì quá cần thiết, đối tượng chủ yếu là khách quen thường xuyên mua ở đây.

Anh Diệu than thở: “Trước đây, trung bình mỗi ngày tiền lãi khoảng 200.000 – 300.000 đồng, nhưng bây giờ nhiều lắm chỉ khoảng 60.000 - 70.000 đồng/ngày. Đó là cả tôi và bà xã còn phải chấp nhận đi lấy hàng tận nơi, không dám thuê xe ô tô chở đến như trước đây, mình tự thức dậy sớm đi chọn tận nơi xem như tiết kiệm được chút ít khoản tiền vận chuyển”.

Thành Công




Bình luận
vtcnews.vn