Hàng Nhật nhập khẩu về Việt Nam có đáng lo sợ?

Kinh tếThứ Năm, 31/03/2011 11:04:00 +07:00

VTC News) – Nhiều bà nội trợ Việt vốn chuộng hàng nhập khẩu Nhật đang lo lắng, liệu các sản phẩm từ Nhật nhập khẩu về Việt Nam đến thời điểm này có an toàn?

(VTC News) – Thông tin về một số thực phẩm và rau tại Nhật có lượng nguyên tố phóng xạ vượt quá mức quy định đã làm dấy lên những lo ngại cho các bà nội trợ Việt vốn chuộng hàng nhập khẩu từ Nhật. Liệu các sản phẩm từ Nhật nhập khẩu về Việt Nam đến thời điểm này có an toàn?

 

Việt Nam đang nhập khẩu rau, quả, sữa, hải sản từ Nhật Bản

 

Trong những ngày gần đây, tại các siêu thị, lượng người mua hàng nhập khẩu từ Nhật Bản nhất là dòng thực phẩm hầu như giảm hẳn. Các bà nội trợ đều bày tỏ lo lắng về vấn đề thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản nếu bị nhiễm xạ, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng vì lo ngại này, nhiều bà nội trợ đã chuyển hẳn sang dùng loại thực phẩm trong nước hoặc của nước khác.

 

Theo bác Hà ở Hà Đông, bình thường nhà bác toàn mua cá mực được nhập khẩu từ Nhật Bản ở siêu thị, khoảng hơn 1 tuần trước cũng vẫn mua vì theo thời hạn sản xuất ghi trên bao bì cho thấy nó được sản xuất trước ngày Nhật xảy ra tình trạng khủng hoảng hạt nhân. Bác Hà cũng cho biết thêm, hiện tại, bác không dám mua bất cứ thực phẩm gì của Nhật Bản về dùng nữa. Nhất là từ sau khi nghe thông tin nước biển của Nhật cũng có lượng phóng xạ cao, nhà bác đã chuyển hẳn sang dùng đồ nội cho an toàn.

 

Nhiều bà nội trợ Việt Nam vốn chuộng hàng nhập khẩu của Nhật đang hoang mang trước các thông tin về việc nhiễm phóng xạ (Ảnh minh họa internet) 
Tại siêu thị Coopmart Hà Đông, khách hàng tên Thanh cho biết, trước đây nhà chị luôn tìm mua táo của Nhật, nhưng hiện tại, chị cũng không dám mua vì những mặt hàng tươi thế này, thường bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng ngay, nên rất nguy hiểm đối với sức khỏe.

 

Một số ý kiến khác lại cho rằng, để phát hiện ra thực phẩm có nhiễm phóng xạ hay không thì không thể dùng mắt thường để nhận biết được. Phải dùng hệ thống máy phát hiện bức xạ dựa trên nguyên lý phát hiện tia gamma. Bởi vậy, để an toàn, dù là những loại thực phẩm mà họ rất ưa chuộng thì họ cũng phải thay đổi thói quen này.

 

Theo Cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu 3 dòng sản phẩm từ Nhật Bản. Dòng rau củ quả gồm: táo, bí đỏ, rau củ quả tươi. Dòng hải sản gồm cá, tôm... Dòng thứ ba là sữa và các sản phẩm sữa. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là dòng cá và mực.

 

Tăng cường các biện pháp kiểm soát hàng nhập khẩu từ Nhật Bản

 

Trước việc Chính phủ Nhật Bản công bố một số mẫu rau có nhiễm phóng xạ tại nước này, theo ý kiến của các bộ ngành liên quan, Việt Nam sẽ không áp dụng tạm đình chỉ nhập khẩu mà sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát.

 

Đại diện Cục quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ công bố danh mục quy chuẩn tạm thời về mức nhiễm xạ đối với từng loại thực phẩm, rau, cá, thịt và mức cho phép.

 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có công hàm thông báo cho phía Nhật Bản đề nghị cập nhật thông tin về tình hình nhiễm xạ cho Việt Nam, đồng thời thông báo chủ trương kiểm soát thực phẩm nhập từ nước này, cụ thể đối với những nhóm hàng nào, tập trung vào 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Tuy nhiên, chỉ kiểm tra đối với những lô hàng xuất cảng sau ngày 11/3, và sẽ trả lại khi không đạt yêu cầu về an toàn phóng xạ.

 

Ngoài ra, nước ta sẽ đề nghị phía Nhật Bản chỉ định các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đối với các lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam, và kiên quyết chỉ xuất những lô hàng đáp ứng an toàn phóng xạ có chứng thư đi kèm để bảo đảm.

 

Bộ NN&PTNT sẽ triển khai kiểm tra trực tiếp tại biên giới, gồm cảng biển và cảng hàng không. Bộ Y tế kiểm tra với sữa và rau, củ quả tươi. Bộ NN&PTNT kiểm tra thịt, cá.

 

Còn theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, hiện tại, chưa có gì đáng lo ngại về chất lượng thực phẩm và hàng hóa được nhập khẩu từ Nhật Bản. Khuyến cáo mới nhất của WHO và Bộ Y tế Nhật Bản, các thực phẩm có nhiễm xạ cũng ở mức độ không nguy hại cho sức khỏe. Về phía Nhật Bản quy định về liều nhiễm xạ ngặt nghèo hơn 10 lần so với của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Chính phủ Nhật cũng công bố công khai hằng ngày những đơn vị bị nhiễm phóng xạ để chúng ta theo dõi.

 

Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phối hợp với nhau và tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình. Bộ Y tế cũng còn chuẩn bị các kịch bản đối phó  với những khả năng khác, chứ không riêng ở Nhật.

 

Về thời gian kiểm tra xét nghiệm cũng không lâu, theo Cục An toàn phóng xạ - bức xạ (Bộ Khoa học và Công nghệ), kết quả xét nghiệm sẽ rất nhanh chóng, chỉ trong thời gian hàng nhập vào kho chứa. Khi nào có kết quả kiểm tra, mới được đưa hàng ra ngoài.

 

Minh Đức

 

Bình luận
vtcnews.vn