Phải giảm lưu thông 57 nghìn tỷ để bình ổn giá!

Kinh tếThứ Tư, 23/03/2011 09:07:00 +07:00

(VTC News) - Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, khi tiền giảm và cân bằng với hàng thì giá sẽ ổn định...

(VTC News) - Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mục tiêu năm nay giảm 3% dư nợ tín dụng, tức là lượng tiền trong lưu thông giảm 57 nghìn tỷ đồng. Khi tiền giảm và cân bằng với hàng thì giá sẽ ổn định.

Trước tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu “phi mã” đã khiến chỉ số giá tiêu dùng trong quý 1 nhảy lên mức 6,1%. Liệu mục tiêu CPI cả năm tăng 7% mà Chính phủ đề ra có thực hiện được không? VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.


- Thưa ông, nguyên nhân cơ bản của giá hàng hóa tăng là gì? Có phải do tác động của tỷ giá, giá điện, giá xăng dầu không?


 
Nguyên nhân cơ bản của lạm phát là tiền nhiều hơn hàng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ của nền kinh tế gấp 1,2 GDP, tức là tiền nhiều hơn hàng nên giá hàng hóa phải lên.

Một vấn đề khác là kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào tăng qui mô vốn, hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư (ICOR) cao, tức là chi phí sản xuất cao từ đó làm tăng giá. Ngoài ra các yếu tố như: tỷ giá, giá điện, xăng dầu tăng cũng góp phần làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác. Những giải pháp của Nghị quyết 11 của Chính phủ là nhằm vào mục tiêu đó, giảm tổng cầu, giảm tín dụng...


Mục tiêu năm nay giảm 3% dư nợ tín dụng, tức là lượng tiền trong lưu thông giảm 57 nghìn tỷ đồng. Khi tiền giảm và cân bằng với hàng thì giá sẽ ổn định.

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Nghị quyết 11 của Chính phủ đối với nền kinh tế nước ta hiện nay?

Nghị quyết 11 đi vào cuộc sống mới được một tháng, chúng ta đang trong thời gian vận dụng và bước đầu có kết quả nhất định. Nhưng phải vài tháng nữa tình hình mới có thay đổi mạnh mẽ. Hiện nay, tác động phần lớn mới ở yếu tố tâm lí.

Chẳng hạn, vấn đề kiểm soát ngoại tệ, thị trường trầm lắng, tỷ giá xuống nhưng phát sinh tình trạng giao dịch tại nhà. Đây mới là hiệu quả của các biện pháp quản lý thị trường. Để giải quyết tận gốc thì phải tiến hành nhiều biện pháp kinh tế.


- Ông có thể nói rõ hơn những ưu điểm và nhược điểm của chính sách bình ổn giá?

Theo tôi, ưu điểm của chương trình bình ổn giá là đưa ra hình thức hỗ trợ vốn qua lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu. Chương trình có tác dụng thiết thực, lan tỏa kéo mặt bằng giá chung không tăng quá cao.

Tuy nhiên, có 3 nhược điểm cần khắc phục: Thứ nhất là việc tổ chức mạng lưới bán hàng thuộc diện bình ổn còn tập trung ở những phố phường ít người tiêu dùng. Trong khi đó, ở các chợ, những nơi dân mua bán hàng hóa thiết yếu còn tổ chức ít. Đây là điểm cần rút kinh nghiệm cho năm nay, mở rộng điểm bán hàng sang vùng đông dân cư.

Thứ hai là có nơi triển khai chưa kịp thời. Có địa phương chỉ gần Tết mới thực hiện nhưng thủ tục giải ngân, kí hợp đồng từ đầu nguồn đến cuối nguồn có độ trễ nhất định nên chưa kịp thời.
Ngày 24/2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. 
Thứ 3 là có một số nơi, DN cam kết với cơ quan cung ứng vốn hay chính quyền địa phương mức giá quá cứng. Bình ổn là theo thị trường chứ không phải "ốp" giá bán cứng. Hỗ trợ chỉ có vài % lãi suất đầu vào nhưng các yếu tố đầu vào lên cao hơn thì phải tính toán cho phép tăng giá, đảm bảo kinh doanh. Như vậy, DN mới yên tâm thực hiện chính sách.

- Trong năm 2010, nhiều vi phạm về giá đã được phát hiện nhưng chế tài xử lí còn nhẹ khiến các DN vẫn tiếp tục vi phạm. Năm nay, việc xử lí vi phạm này có gì mới không, thưa ông?Cụ thể Bộ Tài chính đang thực hiện thanh tra như thế nào?


Năm 2010, qua kiểm tra có một số DN sai phạm nhưng chế tài xử phạt đã cũ. Hiện Bộ Tài chính đang gấp rút sửa Nghị định 169 về xử lý vi phạm trọng lĩnh vực giá theo hướng mức chế tài nâng lên, nhiều hành vi mới được bổ sung như đăng ký giá, kê khai giá, quy định hạch toán chi phí... Nhiều mức phạt cũ quá thấp như hành vi không niêm yết giá bị phạt 200 nghìn đồng. Lần này mức phạt nâng cao hơn không chỉ phạt mà còn có các chế tài bổ sung như rút giấy phép kinh doanh, thu khoản chênh lệch hạch toán không đúng vào ngân sách, nặng hơn có dấu hiệu hình sự thì chuyển  hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Hiện nay, Bộ đang tổ chức 14 đoàn thanh tra trong một số doanh nghiệp thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, các địa phuơng tiếp tục kiểm soát, kiểm tra đối với cước vận tải, Bộ Y tế kiểm soát giá thuốc, giá sữa do Bộ Tài chính thanh tra.

- Trong quý 1, CPI đã lên tới trên 6%. Vậy theo ông cần thực hiện biện pháp gì để ổn định giá tiêu dùng từ nay đến cuối năm?


Để thực hiện bình ổn giá, trước hết là thực hiện các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 11. Trong đó, Bộ Tài chính đi theo hướng khống chế tổng cầu. Bộ Tài chính hướng dẫn cắt giảm 10% chi thường xuyên và đang giao chỉ tiêu cho các bộ địa phương.

Thứ hai là cắt giảm đầu tư công. Hiện đang có ý kiến cho rằng phải tổ chức các đoàn xuống địa phương cùng với địa phương sắp xếp lại các dự án. Dự án nào cần thiết, hiệu quả và đưa ngay vào sử dụng thì bố trí vốn, các dự án nào chưa cần thiết có thể dừng lại. Nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị có biện pháp quyết liệt hơn như cắt giảm luôn 30% chi thường xuyên trên ngân sách phân bổ và các bộ, địa phương tự sắp xếp trên số phân bổ đó.

Các biện pháp về quản lý giá vẫn tiếp tục tăng cường. Đối với giá một số mặt hàng đặc biệt phải có biện pháp kiểm soát tăng giá của DN như yêu cầu các bộ rà soát lại giá thành. Đồng thời, tổ chức đoàn kiểm tra ở các DN kinh doanh hàng hóa thiết yếu để xem tác động từ đợt tăng giá điện, xăng dầu, tỉ giá như thế nào, đầu vào giá vốn là bao nhiêu, tránh để tình trạng DN nào cũng tăng giá. Chẳng hạn, chỉ có một số DN thực sự mua ngoại tệ với tỉ giá chính thức như xăng dầu, phân bón mới bị tác động. Các DN lâu nay đã mua theo giá thị trường thì không thể lợi dụng lý do tỉ giá để tăng giá.

Tất nhiên, chúng ta vẫn phải chấp nhận giá một số hàng hóa dịch vụ tăng để đảm bảo sản xuất.

Minh Đức(thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn