Dân không quan tâm tuần lễ bán hàng vì người tiêu dùng?

Kinh tếChủ Nhật, 20/03/2011 02:00:00 +07:00

(VTC News) – Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, NTD được bảo vệ khi quyền lựa chọn của họ được bảo vệ.

(VTC News) – Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD) không phải là bảo vệ những thiệt hại của người tiêu dùng (NTD) mà cái chính là bảo vệ quyền lựa chọn của NTD tức là vấn đề minh bạch về hàng hóa, minh bạch về thông tin.

Trong năm 2010, UBND TP.Hà Nội đã tạm ứng 400 tỷ đồng cho 14 doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá đối với 9 nhóm mặt hàng thiết yếu (gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản) trên địa bàn thành phố, tuy nhiên theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Hà Nội, việc thực hiện chương trình bình ổn giá thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Nhân tuần lễ bán hàng vì NTD(13-20/3/2011) với sự tham gia của 22 doanh nghiệp với 35 điểm bán hàng đang được triển khai ở Thủ đô Hà Nội, VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, về những vấn đề tồn đọng trong chương trình bình ổn giá, những khía cạnh trong Luật BVNTD sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới, dưới góc độ là một NTD đã “kinh” qua nhiều cấp quản lý trong ngành thương mại.

Ông Vũ Vinh Phú: Bảo vệ người tiêu dùng là phải bảo vệ được quyền lựa chọn của NTD.
- Tuần lễ bán hàng vì NTD đã đi gần đến cuối chặng đường, năm nay chương trình không đi vào các hoạt động khuyến mại, giảm giá thành sản phẩm rầm rộ như mọi năm mà bao gồm nhiều dịch vụ như vận chuyển hàng miễn phí, tặng quà, tăng thời hạn bảo hành sản phẩm, tư vấn về cách sử dụng, bảo quản sản phẩm… Đây có phải là lý do khiến người dân không kéo đến các điểm bán đông như mọi năm, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú:  Theo tôi, năm nay, các hình thức bán hàng như “trả góp”, “đổi cũ lấy mới”… được xem là những dịch vụ khá ưu việt nên dù bão giá vẫn có khá đông NTD đến các điểm bán hàng. Tất nhiên trong thời điểm  phải chi tiêu "thắt lưng buộc bụng", người dân sẽ ưu tiên các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm ăn uống hàng ngày còn sản phẩm được giảm giá chủ yếu là những mặt hàng xa xỉ như hàng điện máy… nên đương nhiên sẽ không thể thu hút người dân quan tâm như mọi năm.

- Cũng như chương trình bình ổn giá mà các thành phố trong cả nước đang nỗ lực thực hiện, Tuần lễ bán hàng vì NTD là sự kiện nằm trong chương trình “Hành động vì quyền lợi NTD” năm 2011 nhằm góp phần đưa Luật bảo vệ quyền lợi NTD (có hiệu lực từ 1/7/2011) đi vào đời sống, ông đánh giá thế nào về chất lượng của những chương trình này?

Những chương trình này chủ yếu vẫn đi theo phong trào. Năm nào đến ngày BVNTD cũng khuấy động khoảng 1 tháng, 1 tuần rồi sau đó lại dẹp đi. Có khuyến mại, có hướng dẫn sử dụng an toàn nhưng thật ra trong khuyến mại cũng có vấn đề, ít nhất là khoảng 30%. Các cơ sở họ bày 7-8 cái xe Matiz ra nhưng chẳng biết ai trúng. Hay họ in cái hình xe máy vào dưới nắp bia song chẳng ai biết, hỏi Sở Công thương, Sở cũng chẳng hay điều kiện, giải thưởng của doanh nghiệp thế nào.

Tôi đã từng đi kiểm tra việc bán hàng bình ổn tại một siêu thị, qua đó, trong một buổi chiều chỉ thấy người ta bày 2 cái chai dầu ăn, bán theo một giờ nhất định nên dân “phe” cũng biết và cho người vào mua. Theo kết quả kiểm tra chương trình bình ổn giá năm 2010, một số đơn vị đã bán cao hơn giá cam kết đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn khoảng 10-16%, riêng đối với mặt hàng rau có thời điểm giá bán cao hơn 50% so với giá đăng ký. Theo tôi, phải đặt vấn đề là bình ổn cho ai chứ thông thường vào siêu thị mua bán thì toàn người giàu.

- Vậy theo ông, nên hành động như thế nào để giải quyết các vấn đề trên, để quyền lợi của NTD Việt Nam thực sự được bảo vệ?


Chúng ta hiện nay có tư duy phong trào và tư duy sực nhớ. Ví dụ khi thấy một dòng sông bẩn thì kêu toáng lên nhưng thực ra không phải chỉ một dòng sông mà hàng chục dòng sông bị bẩn. Không chỉ có một Vedan mà có hàng chục Vedan.

Không phải tôi bi quan nhưng theo tôi hàng chục năm nay, NTD liên tục bị ép từ điện, nước, xăng dầu… Do vậy, phải xóa bỏ độc quyền, tăng cạnh tranh đặc biệt là cạnh tranh lành mạnh. Nên tạo điều kiện để NTD nắm bắt thông tin và lựa chọn chứ không phải là để mắc bệnh thì mới chữa, mới tiêm kháng sinh.

Theo tôi, nên kiểm soát từ gốc, kỷ cương phải nghiêm minh (không đơn thuần là chỉ xử lý mà phải biểu dương những đơn vị làm ăn tốt), phải tiến hành khuyếch trương thương hiệu. Siêu thị nhiều lên thì hàng rong, hàng quán sẽ giảm.

 

Phải có luật bán lẻ, luật chống độc quyền. Phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp nhưng quan trọng là vai trò của vĩ mô. Trên thực tế thì nhà nước đang thiếu quan tâm đến vấn đề này. Cục Quản lý cạnh tranh rồi Hội BVNTD cả bộ máy chỉ có mấy người. Tôi được biết luật ở các nước trên thế giới, những tổ chức BVNTD có quyền đề nghị đình chỉ kinh doanh các tổ chức vi phạm đến quyền lợi của NTD.

- Tháng 7 này, Luật BVNTD sẽ chính thức có hiệu lực, liệu khi Luật BVNTD đi vào cuộc sống, ông có cho rằng sẽ có thể khắc phục những tồn tại cơ bản như ông vừa nêu?

BVNTD không phải là bảo vệ những thiệt hại của NTD  mà cái chính là bảo vệ quyền lựa chọn của NTD tức là vấn đề minh bạch về hàng hóa, minh bạch về thông tin. Trong Luật BVNTD chưa thể hiện được đầy đủ vấn đề này mà chỉ tập trung vào bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại. Không chỉ NTD phải thông thái mà các cơ quan quản lý các cấp phải bảo vệ quyền lợi của NTD.

- Xin cảm ơn ông!

 Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, chậm nhất đến ngày 30/4 tới, thành phố sẽ thu hồi ngân sách hỗ trợ bình ổn năm 2010 để triển khai chương trình bình ổn cho năm 2011. Nhưng theo nhận định, công tác bình ổn giá năm nay sẽ khó hơn 2010 bởi ngay từ đầu năm giá điện, giá xăng, tỷ giá tăng đã kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng giá.



Thu Hiền(thực hiện)


Các thí sinh quan tâm đến cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].

Bình luận
vtcnews.vn