DN làm thế nào "cứu mình" trong cơn bão giá?

Kinh tếThứ Năm, 17/03/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Với việc tăng giá các mặt hàng ồ ạt hiện nay, các DN đều phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, chuyển kinh doanh “có lãi” sang “giữ vững thị trường".

(VTC News) – Với việc tăng giá các mặt hàng ồ ạt như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với năm trước. Thậm chí, một số DN đã chuyển mục tiêu từ “có lãi” sang mục tiêu “giữ vững thị trường”.

Những diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên, nhiên vật liệu… trong và ngoài nước trong thời gian gần đây đã tác động rất lớn đến các DN Việt  Nam. Mới đây, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh & hỗ trợ DN (BSA) tổ chức buổi Hội thảo với chủ đề “Những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của doanh nghiệp” nhằm tháo gỡ những bất lợi, khó khăn giúp DN vươn lên để “tự cứu mình”.

Thắt chặt chi tiêu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, trong 2 tháng đầu năm 2011, thị trường giá cả trên thế giới biến động rất lớn. Cụ thể, chỉ số giá các nhóm hàng thiết yếu trên thế giới tháng 1/2011 tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 4% so với tháng trước; chỉ số giá lương thực trong tháng 2/2011 tăng 34% so với cùng kỳ, tăng 2,2% so với tháng 1/2011 và tăng 6% so với tháng 12/2010.

Trong nước, mặc dù đầu năm 2011 tình hình kinh tế gặp một số khó khăn nhưng hoạt động sản xuất trong 2 tháng đầu năm vẫn ổn định và đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ cho thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập siêu cao, khoảng 80% tỉ lệ nhập siêu rơi vào các nhóm nguyên liệu, máy móc… các mặt hàng tiêu dùng chiếm tỉ lệ rất ít.

Trước diễn biến này, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 nhằm ổn định nền kinh tế. Bộ Công Thương cũng đã đề ra Chương trình hành động gồm 9 nội dung nhằm thúc đẩy công tác triển khai và phổ biến Nghị quyết số 11 đến với từng DN.

 Những diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên, nhiên vật liệu… trong và ngoài nước trong thời gian gần đây đã tác động rất lớn đến các DN. (Ảnh: Phương Phương)

Chi phí đầu vào, chi phí sản xuất, đời sống công nhân… trở thành những vấn đề nan giải mà DN phải đối mặt. Và với họ, quan trọng nhất lúc này là phải tìm cách tự cứu lấy mình. “Bật mí” các giải pháp cứu cánh cho DN trong thời kỳ lạm phát, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: Cần rà soát lại toàn bộ việc kinh doanh: chiến lược, bối cảnh thị trường để có những điều chỉnh cần thiết. “Mặc dù thế giới đã vượt qua khủng hoảng nhưng trong nước đây vẫn là biện pháp lâu dài để “vượt khó”, bà Phạm Chi Lan khẳng định.

Theo bà Phạm Chi Lan, để đứng vững trước “sóng gió” hiện nay,  DN cần nhìn rõ và theo dõi tình hình, những khó khăn chung, thách thức ngắn hạn và trung hạn, các động thái chính sách để tìm kiếm cơ hội cải cách, tái cấu trúc bên trong DN. Hiện nay, nhiều DN cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với năm trước. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã chuyển mục tiêu từ “có lãi” sang mục tiêu “giữ vững thị trường”.

Là một người gắn bó và luôn quan tâm tới vấn đề sống còn của DN, ông Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn giữ được giá đầu ra không tăng vọt trong khi giá đầu vào tăng nhất là giá xăng, giá điện tăng thì cách tốt nhất các DN nên làm là giảm sản lượng xuống. Bởi lẽ: Khi tổng cầu không thay đổi, sản lượng ít đi thì sẽ giảm chi phí.

Ngoài ra, thời điểm này theo ông Nghĩa: DN nên rút ngắn thời hạn thanh toán và giảm đơn đặt hàng dài hạn, tránh sự rủi ro do thay đổi tỷ giá hối đoái. Lựa chọn những dự định dễ và tốn ít tiền, ít thay đổi thực hiện trước, tránh ý tưởng lãng mạn, rùm beng, tốn kém. Thêm vào đó, sáng tạo hơn trong công nghệ  và hoạt động để tạo ra lợi nhuận ngắn hạn như sáng kiến về tiết kiệm xăng, điện, bớt tiệc tùng, khách khứa, liên hoan hội họp.


Cũng trong buổi hội thảo bàn về kế sách cho DN ứng phó với bão giá, ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc Cty CP nhựa Đại Đồng Tiến cho biết: DN phải làm nhiều việc hơn như cắt giảm chi tiêu, ra sản phẩm mới giúp người tiêu dùng tiết kiệm hơn với giá tốt. Nếu sản phẩm không tăng chất, tăng lượng mà chỉ đơn thuần tăng giá thì sẽ “khó sống” được qua mùa khó khăn này...

Liên kết cùng vượt khó

Để cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn, các DN nên bắt tay hợp tác. Việc tăng cường liên kết, hợp tác trong chuỗi cung ứng, trong ngành/vùng là việc làm cấp bách và cần thiết trong lúc này.

Bắt tay nhau cùng hợp tác, chia sẻ nỗi khó khăn là giải pháp cần làm để cùng "sống khỏe" trong thời buổi lạm phát hiện nay (Ảnh minh họa).

Ông Nghĩa nhấn mạnh: Liên minh với các công ty bên cạnh, các đơn vị thân cận, quen biết là một việc làm quan trọng giúp DN vượt khó. “Tăng cường liên kết nội bộ, trong đó có liên kết về vốn, đầu tư chung, đổi mới công nghệ, mua cổ phẩn,…”, theo ông Nghĩa sẽ giúp cho các DN cùng nhau kiếm lời trong tương lai. Mặt khác, ông đặc biệt lưu ý: Các DN nên tránh vay vốn ngân hàng vì lãi suất quá kinh khủng. Lãi suất ngân hàng hiện nay đang quá cao gây sức ép lớn về giá thành cho sản phẩm, ảnh hưởng gián tiếp tới người tiêu dùng. Giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá buộc DN phải tăng giá sản phẩm nhưng điều này lại khiến DN gặp khó do phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.

“Tôi cho rằng nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ DN trong những dự án sản xuất những sản phẩm mang hiệu suất cao. Về lâu dài nên có quy định chặt chẽ hơn về rào cản kỷ thuật để hạn chế hàng ngoại kém chất lượng tran lan trên thị trường, cạnh tranh không lành mạnh với hàng trong nước", ông Đỗ Hải Triều - Trưởng ban kỹ thuật & Marketing, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông kiến nghị trong buổi hội thảo đã diễn ra trước đó tại TP.HCM.

Là một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo, phải nhập nguyên liệu nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Quá - Tổng giám đốc Công ty Bánh Bảo Ngọc cho rằng: Một trong những giải pháp tối ưu nhất là chọn thời điểm nhập khẩu sao cho thích hợp. “Nắm bắt được tình hình, công ty chúng tôi đã nhập nguyên liệu trước Tết 2 tháng, do đó, thu mua được với mức giá rẻ hơn rất nhiều”, ông Quá cho biết.

Một biện pháp hữu hiêu mà công ty ông Quá đã thực hiện trong thời gian qua là vận động các nhà cung cấp, phân phối không tăng giá cao. “Chúng tôi tính toán làm sao để đưa ra mức giá mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được, giá cả phải chăng, mà không ảnh hưởng quá nhiều tới lợi nhuận của DN”.

Ngoài ra, hiện tại ông Quá cũng tập trung vào các sản phẩm bán tốt, mở rộng thị trường về các tỉnh, nông thôn, hạn chế, cắt giảm việc sản xuất các mặt hàng từ trước tới nay ế ẩm, bán không chạy. Cuối cùng, cũng như nhiều DN, ông Quá nêu lên nguyện vọng tha thiết của mình đối với các cơ quan Nhà nước:  Nên có biện pháp tăng giá các mặt hàng từ từ. Ví dụ, tăng giá xăng một thời gian sau mới tăng giá điện. Không ồ ạt gây hoang mang cho người tiêu dùng.  

Phương Phương



Các thí sinh quan tâm đến  cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].




Bình luận
vtcnews.vn