Các chuyên gia "mổ xẻ" thị trường vàng miếng

Kinh tếThứ Tư, 16/03/2011 07:27:00 +07:00

(VTC News) - Hàng loạt vấn đề “nóng” về thị trường vàng miếng đã được đưa ra “mổ xẻ” tại Hội thảo khoa học “Thị trường vàng Việt Nam – Những vấn đề đặt ra”...

(VTC News) - Hàng loạt vấn đề “nóng” như: quản lý vàng miếng như thế nào cho hợp lý? Nên có hay không một sàn giao dịch vàng vật chất trong thời điểm này? Làm cách nào để dung hòa được quyền lợi quốc gia và quyền tư hữu tài sản hợp pháp của người dân?... đã được đưa ra “mổ xẻ” tại Hội thảo khoa học “Thị trường vàng Việt Nam – Những vấn đề đặt ra” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chứ ngày 15/3.

 
Trước những biến động của thế giới như: tỷ lệ lạm phát bùng nổ ở nhiều quốc gia, bất ổn chính trị ở Trung Đông ngày càng lan rộng, động đất, sóng thần tại Nhật Bản... người dân tìm đến giải pháp tích trữ vàng như một phương tiện đảm bảo tài sản. Không chỉ ở Việt Nam, ngay tại các cường quốc có nền kinh tế hùng hậu như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn liên tục tích trữ vàng trong ngân khố quốc gia.


Thực tế trên theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu KTXH Hà Nội là một hành động “cực kỳ thông minh”. Điều này phản ánh đời sống của vàng hết sức sôi động. Giao dịch vàng tại Việt Nam tương đối lớn với khoảng 16.000 lượt trong năm, cao hơn nhiều lần so với một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản... Các giao dịch này diễn ra đơn lẻ, không có sàn giao dịch tập trung và rất khó kiểm soát về chất lượng và giá vàng.

Mới đây, ngày 24/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ- CP về 6 nhóm giải pháp chủ động để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quý II sẽ phải trình Chính phủ ban hành Nghị định về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Thông tin trên đã ngay lập tức khiến thị trường vàng trở nên trầm lắng. Từ doanh nghiệp đến người dân bao trùm tâm lý chờ đợi, lo lắng. Thậm chí, nhiều người đã mang vàng miếng đi đổi lấy vàng trang sức.

Theo các chuyên gia kinh tế, khái niệm vàng miếng đang được hiểu chưa chính xác vì trong thị trường vàng chỉ quy định có hai loại: vàng vật chất và vàng tài khoản. Trong đó, vàng vật chất phải được hiểu dưới dạng nhiều hình dáng: miếng, nữ trang, hạt, khối…

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, không nên áp dụng việc giao dịch một chiều đối với vàng miếng. Việc áp dụng này khó thực hiện vì sẽ nảy sinh ra những cách hiểu khác nhau. Bởi trong điều kiện chế tác hiện nay thì việc chuyển hóa hình thức vàng rất nhanh và đơn giản. “Để quản lý thị trường vàng, các nước trên thế giới cũng đã đưa ra quy định chặt chẽ và chỉ có một số doanh nghiệp mới được phép giao dịch vàng. Việt Nam nên hạn chế việc tự do mua bán, xuất nhập khẩu vàng của các đơn vị pháp nhân thì tốt hơn là việc cấm kinh doanh vàng miếng”, ông Thanh Trúc nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Trọng Quốc Khanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Kim Hoàn ACB – SJC cho rằng, NHNN xiết chặt quản lý vàng miếng là giải pháp mang tính hợp lý trong thời gian ngắn hạn. Về trung hạn và dài hạn, thì việc tổ chức kinh doanh vàng phải được kiểm soát thông qua việc kinh doanh vàng miếng tại các NHTM thông qua hệ thống chứng từ, mã số serie, mã vạch… Như vậy, người dân vẫn có thể hoạt động trao đổi, mua bán vàng miếng thông qua NHNN hoặc đơn vị được NHNN chỉ định chức năng giao dịch.

Song song với giải pháp trên, NHNN nên xiết chặt xuất nhập khẩu vàng, đưa về một đầu mối tập trung để đảm bảo tính minh bạch, ổn định về giá và chất lượng vàng trong nước. Điều này sẽ không tạo nên mâu thuẫn trong việc lưu thông vàng giữa thị trường trong và ngoài nước khi hiện nay thuế nhập khẩu thì được quy định là 0% và thuế xuất khẩu lại là 10%.

Chủ trì Hội thảo, TS Dương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, dù bất kỳ một động thái nào mang tính vĩ mô của Chính phủ tác động đến thị trường tiền tệ, cụ thể là vàng cũng phải đảm bảo 2 yếu tố: lợi ích quốc gia và quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân.

Hơn 500 tấn vàng đang được tích trữ trong dân?

Theo một số chuyên gia, hiện có 45% tiền để dành của dân chúng Việt Nam dưới dạng vàng, nhất là ở nông thôn, chỉ có 24% là tiền mặt gửi ngân hàng, số còn lại đầu tư vào ngoại tệ, bất động sản… Ước tính người dân Việt Nam đang giữ khoảng trên 500 tấn vàng.

Theo tinh thần NQ 11/NQ- CP, việc dự kiến tập trung đầu mối nhập khẩu vàng tại các đơn vị có nhà máy sản xuất vàng miếng sẽ giúp không làm phân tán hạn ngạch nhập khẩu, NHNN sẽ dễ dàng kiểm soát nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra của các đơn vị, chấm dứt tình trạng vàng trôi nổi, không nguồn gốc. Theo đó, người dân vẫn hoàn toàn có quyền sở hữu vàng miếng như một tài sản hợp pháp được pháp luật công nhận.


Nguyễn Hường


Các thí sinh quan tâm đến  cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].


Bình luận
vtcnews.vn