Đà Nẵng: DN vận tải điêu đứng vì "bão giá"

Kinh tếThứ Tư, 02/03/2011 09:47:00 +07:00

(VTC News) – Sự kiện tăng giá điện từ ngày 1/3 khiến các DN vận tải trên địa bàn TP.Đà Nẵng lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí một số DN đứng trước nguy cơ phá sản

(VTC News) – Sự kiện tăng giá điện từ ngày 1/3 khiến các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP.Đà Nẵng lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, người tiêu dùng gánh chịu...

Doanh nghiệp… “điêu đứng”

 Theo ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Đà Nãng, việc tăng giá các mặt hàng như cú “sốc” khiến các doanh nghiệp vận tải choáng váng.

Giá xăng dầu tăng cao, cộng với giá điện tăng từ ngày 1/3 khiến một loạt các mặt hàng “kéo nhau” tăng mạnh. Trong đó phải kể đến các mặt hàng phục vụ hoạt động vận tải, tăng đến trên 15%.

Theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.Đà Nẵng, giá điện cùng giá xăng tăng gần như một lúc đã đẩy giá xăm lốp, phụ tùng và các chi phí liên quan đến ngành vận tải lên đến 15%. 

Ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Đà Nẵng, cho biết: “Sự kiện giá điện tăng từ 1/3 như cú “sốc” khiến các DN vận tải choáng váng khi vừa chịu áp lực tăng giá xăng khá cao hôm 24/2 vừa qua thì nay lại chịu áp lực giá điện nên cũng dễ hiểu khi một số DN tăng giá sau thời điểm giá xăng tăng cao”.

Bên cạnh đó, một loạt chi phí khác như phụ tùng, lốp ô tô… cũng tăng mạnh. Chi phí lãi vay ngân hàng, lương lái xe cũng bị cuốn vào vòng xoáy "bão giá" khiến chi phí đầu vào tăng dồn dập, trong khi hợp đồng vận tải đều được ký kết từ quý 4 năm trước khiến các DN vận tải càng thêm khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Thùy, giám đốc Công ty TNHH Vận tải Song Toàn chia sẻ: “Hiện DN vận tải đang chịu áp lực về chi phí rất lớn, từ xăng dầu, phụ tùng, xăm lốp đến lãi suất ngân hàng. Áp lực này khiến chi phí hoạt động DN tăng đến hơn 50% so với trước, kéo theo đó là lợi nhuận giảm mạnh với mức tương ứng”.

Giá tăng cao, DN vận tải đang phải hoạt động cầm chừng với chiến lược "lấy ngắn nuôi dài"...  


“Ngay sáng ngày 1/3, khi giá điện tăng có hiệu lực, chúng tôi đã nhận ngay báo giá phụ tùng xe ô tô tăng theo từ 10-15% so với trước đó. Đặc biệt, giá lốp ô tô các loại đã được điều chỉnh tăng lên đến 50% kể từ 6 tháng gần đây và điều chỉnh tăng tiếp 10% sau ngày 1/3, trong khi đơn giá hợp đồng vận tải đã ký kết từ trước. Hiện tại, 46 đầu xe của công ty cũng chỉ hoạt động cầm chừng, lấy ngắn nuôi dài, mong qua được thời điểm này là tốt rồi”, ông Thùy cho biết thêm.

“Trước chi phí xăng, phụ tùng, lãi suất tăng cao cộng với đặc tính thanh toán chậm đến 45 ngày của ngành vận tải sẽ khiến các DN quy mô nhỏ gặp khó khăn và điêu đứng. Thậm chí sẽ đứng trước nguy cơ phá sản do các chi phí tăng quá cao, DN cầm cự không nổi”, ông Thùy trăn trở.

Cước vận tải chính thức tăng giá từ 4/3

Cũng theo Hiệp hội vận tải hàng hóa Đà Nẵng và các DN vận tải, giá xăng, điện và các mặt hàng khác phục vụ ngành vận tải tăng giá khiến chi phí và các giá cước tăng. Để có thể cầm cự được, các DN buộc phải tăng giá và cuối cùng, khách hàng là người phải gánh chịu.

“Với tỉ lệ chi phí nhiên liệu chiếm 40% nên giá xăng đã tác động ghê gớm đến hoạt động của các DN vận tải khiến giá cước vận tải tăng khoảng 10%. Tuy nhiên đây chỉ là mức thương lượng đối với hợp đồng cũ. Riêng với hợp đồng mới, giá cước phải tăng 15-18%, DN mới có thể hoạt động được. Và với 20 thành viên, năng lực vận tải hơn 500 phương tiện, các DN của Hiệp hội vận tải hàng hóa Đà Nẵng đang tăng giá hoạt động cầm chừng, lấy ngắn nuôi dài”, ông Hòa - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Đà Nẵng cho biết thêm.

Cuối cùng, áp lực, khó khăn đẩy về phía người tiêu dùng.

Cùng ngày, ông Lê Viết Hoàng - giám đốc Công ty CP Quản lý Bến xe và Dịch vụ vận tải Đà Nẵng cho biết: “Giá cước vận chuyển hành khách đã được các DN điều chỉnh tăng từ 15-20% tùy theo chặng và tùy theo hãng xe sau khi giá xăng điều chỉnh tăng. Riêng đối với các DN vận tải hành khách tại Đà Nẵng sẽ chính thức niêm yết giá mới vào ngày 4/3 tới”.

Trước đó, ngay sau khi giá xăng điều chỉnh tăng, các DN vận tải hành khách trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã tăng giá vé lên từ 10-15% so với giá vé trước đó tùy theo chặng, mặc dù giá vé vẫn niêm yết không thay đổi khiến hành khách bất ngờ và choáng váng.
 
Anh Nguyễn Thanh Quang (công nhân), hành khách đi xe tuyến Đà Nẵng các tỉnh Tây nguyên cho biết: tôi đi xe tuyến này rất thường xuyên nhưng rất bất ngờ trước giá vé tăng thêm hơn 10% (25.000 đồng/vé), trong khi giá vé vẫn niêm yết không thay đổi. “Thực phẩm tăng, điện tăng, tất cả các chi phí, cái gì cũng tăng như thế này không biết sắp đến cuộc sống công nhân như chúng tôi sẽ thế nào đây”, anh Quang lo âu.

“Để có thể sống được, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá. Và với mức giá cả đang tăng như hiện tại, cộng với giá cước vận tải tăng thêm sẽ đẩy khó khăn và áp lực tăng giá về phía người tiêu dùng. Nếu không có sự điều chỉnh của nhà nước, hậu quả tác động không chỉ ảnh hưởng đến DN vận tải mà cả đối với nền kinh tế một khi người tiêu dùng co cụm lại, cắt giảm chi tiêu”, ông Hòe chia sẻ.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn