Điện tăng giá, hộ nghèo được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng

Kinh tếThứ Bảy, 26/02/2011 06:12:00 +07:00

"Biểu giá điện mới sẽ được điều chỉnh trên nguyên tắc không gây ra biến động lớn về giá, đặc biệt sẽ hỗ trợ cho các hộ nghèo 30.000 đồng/tháng".

"Biểu giá điện mới sẽ được điều chỉnh trên nguyên tắc không gây ra biến động lớn về giá, đặc biệt sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ thuộc diện nghèo với mức là 30.000 đồng/hộ/tháng”, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương đã cho biết như vậy tại buổi họp báo về việc điều chỉnh giá điện năm 2011, do Bộ Công thương tổ chức chiều  ngày 26/2 tại Hà Nội.

1.120 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo

Theo Bộ Công Thương, biểu giá điện 2011 về cơ bản vẫn tiếp tục thực hiện các nguyên tắc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 về giá bán điện các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường.

Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010 và thời gian áp dụng từ ngày 1/3/2011 đồng thời, giá bán điện cho các nhóm đối tượng khách hàng sẽ được tính toán theo nguyên tắc xóa bỏ dần bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt.

Riêng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang sẽ thực hiện chính sách của Chính phủ là hỗ trợ giá điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp. Cụ thể, các hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ qui định sẽ được hỗ trợ giá điện cho 50 kWh/tháng tương ứng mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng.

Còn tại những khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia, giá sàn điện sinh hoạt bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân cả năm, giá trần bằng 2,5 lần giá điện bình quân năm. “Với mức hỗ trợ trên thì thực tế các hộ nghèo chỉ phải chi trả 20.000 đồng và giá bán lẻ điện thực tế áp dụng cho các hộ này chỉ còn 400 đồng/kWh,” ông Hoàng Quốc Vượng cho biết.

Cũng theo ước tính của ông Vượng, sẽ có khoảng trên 3,2 triệu hộ nghèo được hưởng trực tiếp mức hỗ trợ trên, tương ứng với ngân sách nhà nước bỏ ra để hỗ trợ khi giá điện tăng sẽ là 1.120 tỷ đồng. Còn những hộ có thu nhập thấp thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng cũng được hỗ trợ giá điện do được mua điện cho 50 kWh của bậc thang đầu tiên hàng tháng với giá bằng 80% giá bán điện bình quân, không có lợi nhuận.

CPI chỉ tăng khoảng 0,46% do giá điện


Lý giải vì sao phải điều chỉnh tăng giá điện, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phân tích tiếp, nếu giữ giá điện thấp như hiện nay, không ai dám đầu tư nhà máy điện, vì đầu tư xong nếu bán giá thấp sẽ lại lỗ. Ông bày tỏ, trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm giá điện bình quân đều được điều chỉnh tăng, song đều thấp dưới 10%. Các mốc thời gian áp dụng giá điện mới đều tính từ ngày 1/3 hàng năm. Năm 2010, giá điện bình quân được phê duyệt tăng 6,8%.

Trong khi đó Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất hồi tháng 8, giá điện bình quân năm 2011 phải tăng tới 48% mới đủ bù giá thành và khuyến khích đầu tư. "Ở mức giá hiện nay là 5,3 cent/kWh, kinh doanh bán điện đều cầm chắc là lỗ", ông Vượng nói.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cũng chia sẻ thêm, hiện có 98% số hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt dưới 400 kWh/tháng, trong khi chỉ 2% sử dụng trên 400 kWh.

Như vậy, với mức điều chỉnh giá điện lần này là 15,3%, tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân năm 2010 thì những hộ có mức tiêu thụ 100 kWh/tháng chỉ phải trả thêm là 32.000 đồng; Còn 200 kWh/tháng phải trả thêm là 39.000 đồng; 300 kWh/tháng là 45.000 đồng và 400kWh/tháng sẽ tăng thêm 52.000 đồng.

Về tác động đến các ngành sản xuất, theo ông Thắng, dự kiến giá điện cho ngành này nếu tăng bình quân khoảng 12% thì cũng chỉ làm tăng giá thành sản phẩm thêm từ 0,01-1,33%. Chẳng hạn, đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng 0,38-1,33% còn đối với các ngành thuốc lá, sản xuất bao bì, tỷ lệ tăng thêm cũng khoảng từ 0,01-0,46%.

Riêng hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu... thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.

“Việc tăng giá điện cũng chỉ tác động trực tiếp làm CPI tăng thêm khoảng 0,46%", ông Thắng nhấn mạnh.

Kiểm soát chặt việc lợi dụng để tăng giá


Đề cập đến việc quản lý điện tại các nhà trọ, ông Thắng cho biết, trong năm 2010 mặc dù đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn kiểm tra việc bán điện tại các khu nhà trọ nhưng giá bán điện cho đối tượng này vẫn chưa được thực hiện tốt.

“Cùng là điện sinh hoạt, nhưng chủ trọ lại thu giá cao hơn rất  nhiều so với qui định của nhà nước từ 2.000 đến trên 3.000 đồng/kWh,” ông Thắng nói.

Trên thực tế, hợp đồng mua điện là do chủ nhà trọ đứng ra ký kết trực tiếp với ngành điện nhưng lại không có điều khoản nào ràng buộc về khung giá cho người đi thuê nên rất khó xử lý. Theo ông Thắng, trong 2011 ngành điện sẽ sử dụng công tơ thẻ trả trước và người thuê trọ chỉ cần mua Sim để có thể sử dụng điện trực tiếp của ngành điện.

Nhằm đánh giá một cách tổng quát những tác động do điều chỉnh giá điện lần này, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng lưu ý, mặc dù việc điều chỉnh cũng là một bước đi trong lộ trình để thực hiện thị trường hóa giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu thu hút đầu tư vào các công trình điện, tuy nhiên việc tăng giá vẫn phải đảm bảo một nguyên tắc là không gây ra sự biến động lớn về giá, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt với các hộ nghèo, các hộ thu nhập thấp.

“Vấn đề còn lại hiện nay là các cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt thị trường, hạn chế tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hóa và dịch vụ một cách bất hợp lý làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước,” thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.


Theo Vietnamplus

Bình luận
vtcnews.vn