Giá điện chưa tăng, NTD đã "sốt vó" cắt giảm dùng điện

Kinh tếChủ Nhật, 27/02/2011 01:23:00 +07:00

(VTC News) - Trước thông tin giá điện tăng từ ngày 1/3/2011, không ít gia đình đã lên mọi phương án để tiết kiệm điện tối đa.

(VTC News) – Câu chuyện tăng giá đã trở thành mối quan tâm của người dân trong những tháng gần đây. Sau thời điểm giá xăng, dầu tăng vào 10 giờ sáng ngày 24/2/2011, NTD đang tiếp tục lên các phương án cắt giảm chi phí dùng điện trước việc giá điện tăng bắt đầu từ ngày 1/3/2011.

Tiết kiệm điện bằng mọi cách

Không ít NTD là công nhân viên chức đã phải lên kế hoạch thắt chặt thêm hầu bao, vốn đã phải “cân, đo, đong, đếm” quá nhiều trước xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa như hiện nay.

Bà Thanh (Đống Đa – Hà Nội) những ngày này hết lấy ra rồi lại xếp vào tập hóa đơn tiền điện chi chít những con số ghi giá tiền phải đóng, số Kwh đã sử dụng từ mấy tháng trước. Bà Thanh thở dài: “Tháng sau lại dùng nhiều điện hơn tháng trước, không lúc nào số tiền phải trả giảm đi vì nhu cầu sử dụng cứ tăng liên tục. Có những tháng lên tới cả triệu đồng như hồi mùa hè năm ngoái, vì nóng quá nên máy điều hòa chạy hết công suất cho mấy đứa cháu ngủ. Giờ tăng giá điện, mùa hè sắp tới gia đình tôi phải tính toán sao cho chỉ 1 chiếc điều hòa được chạy ở phòng khách chung khi có nhu cầu thôi, không bật tràn lan như trước được".

Nhiều hộ gia đình sẽ hạn chế sử dụng những đèn trang trí như thế này để tiết kiệm điện. Ảnh: Thành Công.

Theo tính toán sơ bộ của bà Thanh: với mức giá điện cũ, mỗi tháng trung bình gia đình bà dùng hết 600.000 đồng tiền điện. Nhưng với mức giá mới sắp tới, con số ấy có thể sẽ hơn 850.000 đồng. Ông Bình - chồng bà Thanh nói thêm: “Gia đình tôi có các con ở chung, mấy đứa cháu lại còn bé nên lượng điện sử dụng cũng nhiều hơn. Với mức giá điện tăng tới đây, có lẽ phải nhắc nhở mọi người trong nhà quán triệt quyết liệt tiết kiệm điện thôi”.

Anh Hải, con trai của ông Bình, cũng đồng tình đưa ra giải pháp: “Mỗi tối trước đây tôi dùng máy tính đến 23h, nhưng từ bây giờ sẽ cố thu xếp hoặc tranh thủ hoàn thiện công việc tại cơ quan để hạn chế thời gian làm ở nhà”.

Với quyết tâm thắt chặt chi tiêu, một số gia đình đã nghĩ ra mọi biện pháp, kể cả quay lại dùng bếp than. Chị Quỳnh (Cầu Diễn – Từ Liêm) tranh thủ mấy ngày nghỉ cuối tuần đã đi tìm mua một chiếc bếp than tổ ong. Theo chị: “Nhà mình không nấu bếp than hơn chục năm rồi, nhưng điện sắp tăng giá mà ngày nào cũng nấu nước bằng siêu điện tốn lắm. Mua bếp than biết là độc nhưng cũng phải dùng để đun nước cho đỡ tốn kém”. Theo tính toán của chị Quỳnh, tiền điện mà gia đình chị sử dụng mỗi tháng hơn 300.000 đồng, nếu dùng bếp than đun nước và nấu khi cần thiết, hi vọng phần chênh lệch tăng thêm sẽ không đáng kể.

Chồng chị Quỳnh, chủ kinh doanh cửa hàng photocopy tại Cầu Diễn, cũng không giấu được lo lắng bởi máy photocopy và vi tính đều là những thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện khi hoạt động. Anh chia sẻ: “Máy móc là phương tiện kiếm sống của mình, điện có tăng thế, chứ tăng nữa cũng phải mở máy để phục vụ yêu cầu của khách, nhưng có lẽ phải chú ý tiết kiệm hơn, không bật máy để lãng phí điện những lúc rỗi”.

Trong tình cảnh hiện nay, nhiều người mới xây nhà hoặc chuyển về nhà mới cũng "vò đầu, bứt tóc", tính toán để mua được thiết bị gia dụng sao cho tiết kiệm điện nhất. Chị Phương Anh và anh Dũng mới cưới được hơn 1 năm, tháng 3 tới hai anh chị cũng sẽ chuyển về căn hộ mới tại khu đô thị Nam Trung Yên. Thông tin về việc giá điện tăng khiến anh chị lo âu. Anh Dũng cho biết: “Nhiều kế hoạch sẽ phải thay đổi. Theo thiết kế trong nhà mới, 2 vợ chồng tôi sẽ sử dụng nhiều đồ gia dụng như tủ lạnh, máy rửa bát, điều hòa nhiệt độ, đun nước bằng điện, bình nóng lạnh, máy hút bụi…. Tất cả những vật dụng đó gần như đều “sống nhờ” vào điện, nên thay vì  mua tủ lạnh 350 lít để tiện dùng cho thức ăn cả tuần như đã tính toán trước đó, vợ chồng tôi sẽ phải chuyển hướng sang tủ lạnh 150 lít và không mua máy hút bụi nữa”.

Cẩn thận hơn, trong nhà mới ngay tại các ổ cắm điện và cửa các phòng như nhà vệ sinh hay phòng ngủ, chị Phương Anh dán làm các tờ giấy ghi chú với nội dung: “Nhớ tắt điện trước khi ra khỏi phòng” với mục đích nâng cao ý thức cho mỗi người khi sử dụng điện và hạn chế số tiền phải trả.

Sinh viên, người thuê trọ lo "sốt vó"

Lo lắng nhất vẫn là những người đang đi thuê nhà trọ vì giá điện của các khu trọ ngay khi ở mức cũ cũng đã dao động trong khoảng 3.000 - 3.500 đồng/số. Chị Thành, nhân viên bếp của một quán ăn trên đường Hồ Tùng Mậu, trọ ở khu vực Dịch Vọng đang chồng chất nỗi lo: “Giá điện chỗ nhà tôi thuê đã tăng cả năm rồi. Trước là 2.500 đồng/số lên 3000 đồng/số và hiện giờ 3.500 đồng/số. Bây giờ giá điện nhà nước tăng nữa, chắc chắn chủ trọ lại nâng thêm 4000 đồng/số thì quá tốn kém. Lương tôi mỗi tháng chỉ hơn 1,5 triệu, giờ thêm điện, xăng tăng giá, hàng hóa, thực phẩm cũng ngấp nghé tăng, trăm thứ chỉ chờ vào tiền lương nên chắc chắn tôi sẽ phải tính toán để cắt giảm nhiều chi phí khác”.

Nhiều sinh viên đang hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng thiết bị điện. Ảnh: Thành Công.


Vợ chồng chị Nga – nhân viên bán hàng đang thuê nhà (diện tích 20 m2) ở khu Mễ Trì Hạ giá 1,5 triệu/tháng chưa điện, nước cho biết: “Tính theo số điện của công tơ mà chủ trọ gắn ở phòng, trung bình mỗi tháng chúng tôi phải trả khoảng 400.000 đồng tiền điện. Sắp tới khi giá điện tăng, con số đó có thể “đội” lên đáng kể, có khi bằng giá của cả hộp sữa bột con mình uống”.

Anh Hà, chồng chị Nga cho biết, hai vợ chồng đang cố gắng “thắt lưng, buộc bụng” để mua căn hộ chung cư giá rẻ trong thời gian tới. Muốn làm được điều này, gia đình chị Nga phải ra sức tiết kiệm mọi khoản chi tiêu. Mặc dù, trong nhà anh chị chỉ có 4-5 chiếc bóng dùng làm việc, sinh hoạt và nhà vệ sinh nhưng trước thông tin giá điện sắp tăng, anh Hà đã dành hẳn 1 buổi để thay toàn bộ các đèn chiếu sáng trong nhà thành đèn tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, dù đã thực hiện tiết kiệm điện đến mức tối đa, nhưng không ít sinh viên ở những nhà trọ bức xúc về việc đã tắt hết các thiết bị điện rồi mà công tơ trong phòng trọ vẫn quay. Trà - sinh viên năm 3 trường ĐH KTQD đã từng bị "sốc" khi chủ nhà thông báo số tiền điện phải nộp hàng tháng lên đến hơn 400.000 đồng. Trà cho biết: “Trong phòng mình ngoài chiếc laptop và nồi cơm điện và vài ngày lại sạc pin điện thoại thì không còn thiết bị nào sử dụng đến điện, thế mà số tiền nộp cho nhà chủ cứ “vống” lên kinh khủng. Mấy người cạnh phòng còn dùng tủ lạnh, điều hòa có khi tốn tiền triệu tiền mỗi tháng”.

Hà, bạn cùng trọ với Trà, nói: “Nhiều lần bọn em phản ánh với chủ nhà nhưng đều bị chủ nhà nặng nhẹ rất khó chịu. Sắp tăng giá điện rồi mà vẫn thế này chắc bọn em lại nhịn ăn để trả tiền điện thôi.


Thành Công


Bình luận
vtcnews.vn