Thị trường xăng dầu náo loạn vì đâu?

Kinh tếThứ Tư, 23/02/2011 08:41:00 +07:00

Thị trường xăng dầu vẫn chưa yên ổn dù cơ quan quản lý khẳng định nguồn cung không hề thiếu . Đâu là ẩn số đằng sau sự "náo loạn" trên thị trường hiện nay?.

Thị trường xăng dầu vẫn chưa yên ổn, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ của cơ quan quản lý rằng, nguồn cung không hề thiếu và sẽ rút giấy phép các cây xăng bán cầm chừng. Đâu là ẩn số đằng sau sự "náo loạn" trên thị trường hiện nay?.

Những ngày qua, tình trạng các cây xăng đóng cửa vẫn liên tục diễn ra. Giống như vết dầu loang, "đóng cửa" trở thành hội chứng lan tỏa từ miền Bắc tới miền Nam, kể cả thành phố và nông thôn. Tính tới thời điểm nay, ngay tại TP HCM, đã có tới 26 cây xăng bị phát hiện ngừng bán hàng, nhưng chỉ lập biên bản được... 3 cây xăng. Lý do không thể hợp lý hơn là gián đoạn nguồn cung, không nhập được hàng, lượng xăng dầu còn trong bồn chứa không đủ để bơm ra cây xăng.

Có chuyện đầu mối không hoàn thành nhiệm vụ?


Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu liên tục khẳng định đã phải nhập hàng tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa hạn mức được giao.

Mới hôm chủ nhật, 20/2 vừa qua, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tổ chức hẳn một cuộc họp mặt báo chí đột xuất để chính thức tuyên bố thông điệp: đã cung ứng đủ xăng dầu. Số liệu được dẫn ra như một lời cam kết mạnh mẽ về tính trung thực của tuyên bố này: Trong tháng 1 và 15 ngày đầu tháng 2, đơn vị đã nhập xăng dầu tăng tới 20% so với hạn mức và 22% so với cùng kỳ năm 2010.

Lúc này, có lẽ, một trong số những người nắm rõ nhất thực chất nguồn cung xăng dầu có tắc hay không là ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị phân phối xăng dầu Dung Quất. Ông này cười to, nói với Diễn đàn kinh tế Việt Nam: "Các doanh nghiệp vẫn tranh nhau mua của chúng tôi. Nhà máy hiện nay đã chạy công suất bằng 105% so với thiết kế. Phần 5% thừa ra đó là bán cho doanh nghiệp cả. Ví dụ với PVoil, chúng tôi vừa mới xuất thêm cho họ 20.000 tấn sản phẩm xăng dầu".

Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc SaigonPetro, một khách hàng lớn của lọc dầu Dung Quất tiếp lời: "30% lượng hàng của chúng tôi là nhập từ Dung Quất. Mỗi tháng, chúng tôi vẫn bán đều ra thị trường nội địa là 100.000 m3, tấn xăng dầu như trước."

Sau các tuyên bố đảm bảo nguồn cung xăng dầu, hôm 22/2, chia sẻ với Diễn đàn kinh tế Việt Nam, thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Cẩm Tú còn cho biết thêm, tổng nguồn cung xăng dầu cả nước vừa qua đã tăng 17%”.

Có hiện tượng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa ở nhiều địa phương.  

Nhưng, ông Tú lưu ý: "Tuy nhiên, không có nghĩa, 17% tăng thêm đó chia đều cho 12 doanh nghiệp đầu mối và tất nhiên, không chia đều cho tất cả các Tổng đại lý xăng dầu hiện nay. Có nơi, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex bán gấp 11 lần so với mức bình thường”.

Bức tranh trên đã cho thấy có sự vênh nhau một trời một vực giữa các con số và thực tế cung cầu trên thị trường!

Vì lẽ đó mà một vị doanh nghiệp đã thẳng thắn nói rằng: "Tôi biết, một số đơn vị đã "ngừng nhập hàng".

17% tổng nguồn cung tăng lên trên thị trường xăng dầu là dồn vào chỉ một vài doanh nghiệp, nhìn thấy rõ hiện nay là có Petrolimex. Còn lại, chắc chắn đã có những đơn vị không chịu nhập hàng, hoặc nhập hàng nhỏ giọt", ông này nhấn mạnh.

Theo qui định, mỗi đại lý xăng dầu sẽ chỉ được làm đại lý, phép lấy hàng của một doanh nghiệp đầu mối. Cả nước chỉ có 12 doanh nghiệp đầu mối và họ sẽ chỉ có quyền chọn 1 trong số 12 doanh nghiệp đó. Như vậy, những đại lý, Tổng đại lý thuộc những doanh nghiệp đầu mối yếu kém, không nhập hàng chắc chắc đã bị đứt nguồn cung.

Các đơn vị bán lẻ xăng dầu nếu có chuyển sang cầu cứu những doanh nghiệp đầu mối khác, cũng không ăn thua vì hoặc vừa không được phép, hoặc vừa không thể được đáp ứng.

Xăng dầu “tắc” ở đâu?

Một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đã bày tỏ, tình hình kinh doanh lỗ như thế này và sớm muộn gì, giá cũng phải tăng, đầu cơ, găm hàng là hệ lụy tất yếu. Ai cũng có thể tính ngay được, một khối xăng dầu giờ nếu tăng 3.000 đồng/lít, là đã tăng thêm 3 triệu đồng. Một xe bồn khoảng 16 khối nhập về, nếu tăng giá xăng cũng đã có thêm mấy chục triệu đồng. Không cứ là xăng dầu, vàng, ngoại tệ cũng thế!

"Nhưng cơ quan cứ đi kiểm tra, sẽ không biết đâu mà lần!", vị này cảnh báo.

Trên sổ sách, doanh nghiệp đầu mối bán cho Tổng đại lý là như thế, đến đại lý kiểm tra, họ có thể nói hết hàng bởi nhu cầu tăng, nhưng không mua được hàng kịp thời. Xe bồn xăng chở đến, nhưng họ không bơm hết vào cây xăng và để lại trong xe bồn.

Các doanh nghiệp vẫn cam kết cung cấp xăng dầu đầy đủ. 

Tuy nhiên, dù găm hàng đầu cơ, hay là chính đại lý, tổng đại lý cố tình không nhập hàng thì mấu chốt sự náo loạn xăng dầu hiện nay chính là giá.

Một sự thật không thể phủ nhận là, càng bán nhiều xăng dầu hiện nay, doanh nghiệp càng lỗ nặng. Nói cách khác, đơn vị nào làm tốt nhiệm vụ cung ứng đủ nhu cầu thị trường thì sẽ thiệt hại kinh tế đầu tiên.

Khi tất cả cùng khó khăn ngang ngửa nhau, doanh nghiệp đầu mối không cho thanh toán trả chậm, còn đại lý bán lẻ cũng vì lỗ, không trả nợ ngay được nên cũng không thể nhập tiếp hàng. Việc này lại nằm trong các điều khoản hợp đồng mua bán giữa 2 bên, Nhà nước cũng khó mà với tay can thiệp!

Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp đầu mối, là đơn vị của nhà nước, còn trông mong việc "biết đâu" có thể được bù lỗ từ Ngân sách. Nhưng với các Tổng đại lý và đại lý, đa phần là doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, hoặc hộ kinh tế gia đình, lỗ sẽ không có ai bù nên chẳng có lý do, động cơ nào thúc đẩy họ hoàn thành tốt nghĩa vụ với người tiêu dùng.

Theo các doanh nghiệp xăng dầu, chiết khấu hoa hồng cho các đại lý giờ giảm rất thấp, khoảng 100 đồng/lít xăng dầu. Trong khi để đảm bảo lợi nhuận, bù chi phí tiền điện, tiền cước vận chuyển, mức chiết khấu phải ít nhất là 400 đồng/lít. Do vậy, các cửa hàng bán lẻ lách luật, bán cầm chừng, hoặc đóng cửa mà cơ quan nhà nước khó bắt bẻ nổi.

Phía các doanh nghiệp đầu mối cũng vậy, khoản 100 đồng chiết khấu đó được cho là khoản bấm bụng chi ra vì nhiệm vụ chính trị. Vì bản thân, họ đã lỗ 3000 đồng/lít.

Một vị chuyên gia trong ngành xăng dầu cho rằng, tình hình thị trường xăng dầu trở nên phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ còn cơ chế bù giá. Chính phủ  chỉ có thể nắm tóc được 12 doanh nghiệp đầu mối, nhưng hơn 10.000 cây xăng bán lẻ thì e là không thể!

Ở một góc độ nào đó, chính cơ chế ghìm giữ giá xăng quá lâu hiện nay đã gây ra tình trạng xáo trộn trên.

Trong khi đó, sau vụ tỷ giá tăng kỷ lục tới nay và sắp tới, 1/3 là giá điện, Bộ Tài chính khó lòng ra ngay quyết định tăng giá xăng dầu trùng thời điểm tăng giá điện. Bộ này vẫn đang lấn cấn tính toán để làm sao giữ nổi CPI cả năm 7%! Có phải vì thế, Bộ Công Thương còn nương tay khi chưa công bố danh tính những đơn vị xăng dầu đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình?.


Theo VEF


Bình luận
vtcnews.vn